Nêu cao tinh thần tự phê bình, phê bình trong Đảng

Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đang diễn ra, một lần nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng tiếp tục được Trung ương thảo luận để bổ sung những điểm mới trên tinh thần kết quả đạt được từ Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI và XII.
Đồng chí Vũ Quốc Hùng
Đồng chí Vũ Quốc Hùng

Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với đồng chí Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

- PHÓNG VIÊN: Thưa đồng chí, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII được đánh giá có tính đột phá trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Qua theo dõi, đồng chí ấn tượng gì với kết quả trong 5 năm qua?

Đồng chí VŨ QUỐC HÙNG: Qua bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi nhận thấy Đảng ta rất nhất quán trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, công tác quán triệt tinh thần của nghị quyết không còn là hình thức hành chính, mà ở đó mọi cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý, đã thấm nhuần được tinh thần của nghị quyết. Những nơi nào thực hiện tốt, đưa nghị quyết vào cuộc sống đều mang lại hiệu quả cao trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng như tinh thần đoàn kết trong Đảng, nội bộ đoàn kết, đưa địa phương và đất nước phát triển. Điều đó khiến tôi ấn tượng.

Kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII thấy rõ, đất nước có được cơ đồ như ngày nay do có sự lãnh đạo của Đảng. Nhưng, trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, không chủ quan, tự mãn với những kết quả đạt được. Bên cạnh đó, Tổng Bí thư thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, đó là tham nhũng và những dạng tiêu cực tinh vi khác nhau. Là một đảng viên, tôi đang kỳ vọng vào những kết quả quan trọng của Hội nghị Trung ương khóa XIII lần này. Quan điểm nhất quán, sự kiên định trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là quan trọng. Điều này tốt cho đảng viên, nhất là cán bộ cấp quản lý.

- Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đánh dấu lần đầu tiên Đảng ta định danh được 27 biểu hiện suy thoái “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng. Việc định danh như vậy sẽ giúp nhận diện biểu hiện suy thoái ra sao, thưa đồng chí?

Đây là điều cần thiết phải làm và rất thiết thực, vì mỗi người có một suy nghĩ, mỗi người có trình độ khác nhau, kinh nghiệm khác nhau. Nếu không có định danh rất khó có được nhận định chung để phòng tránh suy thoái, thực hiện tự phê bình và phê bình trong Đảng. Những biểu hiện không được lòng dân hiện nay trong xã hội vẫn rất nhiều, vì vậy, việc định danh các biểu hiện suy thoái sẽ giúp đảng viên, tổ chức Đảng nhận diện được. Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để phổ biến được 27 biểu hiện suy thoái tới đội ngũ cán bộ quản lý vì không phải cán bộ nào cũng thuộc 27 biểu hiện đó. Do vậy, mới có câu chuyện nghị quyết nhiều nhưng đưa nghị quyết vào cuộc sống vẫn còn hời hợt, nhất là vấn đề xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Tại Hội nghị Trung ương 4, các Ủy viên Trung ương là những “hạt giống” quý của Đảng. Là đảng viên, tôi mong những “hạt giống” đó bằng trí tuệ và trách nhiệm của mình, tiếp tục nêu gương trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Ở Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII lần này, tôi nhận thấy trong gợi ý của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện giờ không còn là việc của các tổ chức Đảng mà là của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh đó, vấn đề công tác cán bộ cần phải có chuyển biến và được kỳ vọng rõ hơn, sâu sắc hơn khi có Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII.

- Từ những “đại án” liên quan đến nhiều lãnh đạo cấp cao thời gian qua cho thấy, đấu tranh chống tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có cá biệt. Điều này khiến đồng chí mừng hay lo?

Trong 5 năm qua, số lượng cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao, bị xử lý rất nhiều. Điều đó cho thấy, Đảng ta rất nghiêm nhưng mặt khác cũng thấy công tác quản lý, giáo dục cán bộ ở chỗ này, chỗ khác bộc lộ yếu kém.

Các quy định của Đảng đã có, vấn đề tổ chức thực hiện như thế nào mà thôi. Nếu làm tốt công tác tự phê bình và phê bình, kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng sẽ kịp thời “cứu” được những cán bộ, không để dẫn đến suy thoái nghiêm trọng như vậy. Qua đó cũng thấy rằng, cần thêm những quy định về công tác tự phê bình và phê bình thực chất và hiệu quả hơn.

- Đồng chí mong chờ gì ở Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII?

Qua từng thời kỳ, từng giai đoạn, tôi mong muốn Đảng ta mạnh hơn. Mạnh hơn ở đây không phải là nhiều người mà mạnh về hành động, ý chí. Muốn mạnh, trước tiên những người lãnh đạo Đảng các cấp phải có tâm, có tầm, như yêu cầu về công tác cán bộ trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sau Hội nghị Trung ương là công tác tự phê bình và phê bình từ trung ương tới cơ sở. Tôi hy vọng tất cả những đồng chí nào cảm thấy mình không có điều kiện là tấm gương về đạo đức, lối sống và trình độ thì nên báo cáo với tổ chức. Trước tiên, tôn trọng tinh thần tự giác của người cán bộ trong tự phê bình, nhưng nếu không tự giác thì tổ chức phải có ý kiến. Đảng ủy phải là hạt nhân lãnh đạo.

Tôi mong sức chiến đấu của Đảng tiếp tục được phát huy. Nói là chiến đấu nhưng ở đây không ai chiến đấu ai mà tự phê bình và phê bình cho tốt, trước hết là đảng viên, cán bộ. Gương mẫu ở đây không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động, việc làm trong cuộc sống hàng ngày. Tôi kỳ vọng những vấn đề mới trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XIII súc tích hơn, phong phú hơn, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ làm.

Đồng chí Vũ Quốc Hùng cho biết, hiện nhiều vụ việc thường bị động trong xử lý, “co lại”, trên nói gì dưới làm như thế, chưa tính tới động cơ, mục đích. Do đó, cần chủ động và kiên quyết đấu tranh xử lý sai phạm. Tuy nhiên, nếu các sai phạm chưa đến mức xử lý cũng không nên xử lý. Không thể say sưa trong xử lý, xử lý để lấy thành tích. Không phải bao nhiêu “củi” cho vào “lò” mới là thành tích, không thể có bệnh thành tích trong xử lý cán bộ. Bởi xử lý con người là vấn đề phức tạp. Nhưng hữu khuynh, tiêu cực, nhút nhát không dám xử lý lại là đáng trách; hung hăng, thiếu suy nghĩ, xử lý không đúng người, đúng tội cũng không được.

Tin cùng chuyên mục