Với thông báo này, mối quan hệ giữa hai nước trong năm 2019 được dự báo sẽ còn nhiều phức tạp.
Quyết định riêng của mỗi bên
Quan hệ giữa Kiev và Moscow đã và đang xấu đi kể từ đầu năm 2014 do các vấn đề Crimea và xung đột ở miền Đông Ukraine. Ngoại trưởng Klimkin cho biết công hàm nói trên, gồm 12 trang, là câu trả lời đối với quyết định của Ukraine về việc hủy bỏ hiệp ước.
Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Olena Zerkal cũng cho biết công hàm ngoại giao của phía Nga, bao gồm một lời xác nhận rằng, hiệp ước được ký năm 1997 sẽ chấm dứt hiệu lực vào ngày 1-4.
Trước đó, ngày 18-1, Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin tuyên bố, 49 thỏa thuận giữa nước này với Liên bang Nga đã bị hủy bỏ, và nhấn mạnh còn gần 50 thỏa thuận nữa có thể bị chấm dứt hiệu lực.
Việc Kiev lên kế hoạch phá vỡ thêm gần 50 thỏa thuận với Moscow cho thấy căng thẳng giữa hai nước đã lên tới đỉnh điểm. Không những thế, Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin còn khẳng định đây sẽ là cách tiếp cận nhất quán của Kiev trong quan hệ với Nga.
Cũng trong ngày 12-3, hãng tin Bloomberg dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Bulgaria Temothyzhka Petkova cho biết, Sofia đã nhận được thư chính thức từ công ty Gazprom Export của Nga, thông báo kế hoạch ngừng vận chuyển khí dọc hành lang xuyên Balkan từ tháng 1-2020, tức ngừng trung chuyển khí đốt qua Ukraine đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Từ tháng 12-2014, Moscow đã tuyên bố chấm dứt dự án đường ống dẫn khí “Dòng chảy phương Nam” do quan điểm thiếu xây dựng của Liên minh châu Âu (EU), để tập trung cho dự án “Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ” với 2 đường ống có công suất 15,75 tỷ m³/năm mỗi đường. Trong đó, đường ống thứ nhất được thiết kế để cung cấp khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ và đường ống thứ hai sẽ dẫn khí đốt đến các quốc gia Nam và Đông Nam Âu, dự kiến sẽ được khai trương vào cuối năm 2019.
Kiev mất vai trò quan trọng ở châu Âu
Với thông báo ngừng trung chuyển khí đốt qua Ukraine đến Thổ Nhĩ Kỳ, Kiev được xem đã bị mất vai trò là nước trung chuyển khí đốt quan trọng đối với châu Âu. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Kiev có nguy cơ bị các đối tác phía Tây phớt lờ, bất chấp các nỗ lực “kết thân” mà ông Poroshenko đang cố gắng thể hiện cho phương Tây thấy thái độ “bài Nga” sau khi áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Nga.
Các biện pháp này đã được Hội đồng An ninh quốc phòng Ukraine thông qua và được đánh giá là tương tự các biện pháp của Mỹ, trong đó liệt các tỷ phú và đồng minh thân cận Tổng thống Nga Vladimir Putin vào danh sách đen.
Hôm 22-2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố Nga sẽ không cho phép Ukraine tiến hành các cuộc khiêu khích mới ở eo biển Kerch, và Moscow đang thực hiện nỗ lực ngoại giao cần thiết. Cảnh cáo của Nga được đưa ra sau khi trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Serge Lavrov cho biết chính quyền Ukraine đang chuẩn bị một hành động khiêu khích khác ở eo biển Kerch và đang cố gắng lôi kéo các nước NATO can dự.
Thực tế, các vụ va chạm giữa Nga và Ukraine vẫn xảy ra thường xuyên tại các khu vực xung đột trong 5 năm qua. Tuy nhiên, vụ va chạm dẫn đến đối đầu quyết liệt giữa hai bên đã xảy ra vào ngày 25-11-2018, khi các tàu chiến Nga đã bắt giữ 3 tàu hải quân Ukraine với cáo buộc đang tìm cách vượt qua eo biển Kerch, vốn đã bị Moscow tạm phong tỏa vì lý do an ninh.
Cuộc đụng độ này là một trong những vụ việc căng thẳng nhất trong mối quan hệ qua eo biển Kerch giữa Nga và Ukraine, cho thấy mối nguy cơ ngày càng tăng của leo thang quân sự giữa hai quốc gia thuộc Liên Xô trước đây.