“Cách phổ biến Luật Khiếu nại, tố cáo bằng xử lý tình huống, trao đổi và giải quyết thắc mắc tại các buổi tập huấn giúp chúng tôi dễ hiểu hơn, đặc biệt là những điều luật liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ người khiếu nại tố cáo. Nhờ vậy chúng tôi có thể liên hệ thực tế, vận dụng vào các trường hợp cụ thể của chính mình để khiếu nại đúng thẩm quyền, đúng thời hạn” - ông Nguyễn Ba (khu phố 2, phường 14 quận 6) chia sẻ sau khi dự buổi tập huấn tuyên truyền Luật Khiếu nại, tố cáo.
Đa dạng hình thức tuyên truyền
“Gặp nhau ở chợ, bà H. hỏi bà M.:
- Chuyện chị khiếu nại quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh được UBND phường giải quyết đến đâu rồi?
- Sau khi được UBND phường mời ra đối thoại, trao đổi mấy lần, tôi thấy họ giải quyết cũng có tình có lý nên đang định ra phường rút lại đơn đây - bà M. trả lời.
- Chị không được rút đơn đâu, luật quy định là nếu phường không giải quyết đơn khiếu nại, chị tiếp tục khiếu nại lên quận hoặc ra tòa án - bà H. mách nước.
Theo anh (chị), bà H. nói như vậy đúng hay sai? Vì sao?”
Buổi tập huấn kiến thức pháp luật khiếu nại, tố cáo cho cán bộ, người dân ở phường 14 quận 6 bắt đầu với tình huống được đưa ra như trên. Không khí tranh luận ngày càng sôi nổi như một buổi thảo luận về Luật Khiếu nại, tố cáo. Có người cho rằng bà H. nói đúng, có người nói bà H. sai và cũng có người băn khoăn không biết bà H. nói như vậy là đúng hay sai.
Báo cáo viên hôm ấy - Chánh Thanh tra quận 6 Trần Thị Xuân Phượng - sau khi lắng nghe các ý kiến đã phân tích tình huống dựa trên các điều luật. Lần lượt như thế, ai có thắc mắc, băn khoăn về những vấn đề liên quan đến Luật Khiếu nại, tố cáo đều được đưa ra trao đổi. “Buổi tuyên truyền được kết thúc bằng một kỳ “sát hạch”, đó là cuộc thi trắc nghiệm trả lời các câu hỏi liên quan đến những nội dung vừa được trao đổi. Qua đó, chúng tôi nắm bắt tinh thần tiếp thu của cán bộ và người dân để rút kinh nghiệm cho những buổi tiếp theo”, bà Trần Thị Xuân Phượng cho biết.
Tuyên truyền kiến thức pháp luật thông qua xử lý tình huống là một trong những cách quận 6 thực hiện nhằm đem luật đến gần dân, nâng cao hiệu quả của Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo cho cán bộ, nhân dân ở xã, phường, thị trấn thuộc địa bàn TPHCM đến năm 2010” (gọi tắt là Đề án 3). Ngoài ra, hàng kỳ trên tờ tin quận 6 đều có chuyên trang, chuyên mục đăng tải thông tin, bài viết tuyên truyền, phổ biến pháp luật khiếu nại, tố cáo.
Mỗi tuần, trên chiếc xe di động, đài phát thanh các phường dành 4 tiếng đồng hồ chuyển tải nội dung Luật Khiếu nại, tố cáo, trong đó có nêu một số trường hợp cụ thể. Và mới đây, trước khi tổng kết 3 năm thực hiện Đề án 3 (2008- 2010), 14 phường của quận đều tổ chức hội thi “Công dân và pháp luật”, thu hút đông đảo người dân các khu phố, tổ dân phố tham gia, sau đó chọn đội xuất sắc tham gia thi cấp quận. Bên cạnh đó, với phương châm “tăng cường đối thoại, giảm khiếu nại”, công tác tiếp dân được cán bộ, lãnh đạo các phường trong quận quan tâm nâng cao chất lượng hơn. Riêng tại phường 14, công tác tiếp dân được thực hiện vào tất cả các ngày trong tuần thay vì 2 ngày/tuần theo hướng dẫn của TP.
Hiệu quả thiết thực
“Các hình thức, phương pháp tuyên truyền Đề án 3 thiết thực đã giúp cán bộ cơ sở có cơ hội trang bị thêm kiến thức pháp luật về khiếu nại, tố cáo, rèn luyện kỹ năng tiếp dân và rút kinh nghiệm qua những sai sót từ thực tế. Còn người dân được cung cấp kiến thức pháp luật, hiểu đúng quyền và nghĩa vụ của mình từ đó giảm thiểu đơn khiếu nại vượt cấp, khiếu kiện không đúng thẩm quyền”, ông Phùng Văn Phú, Chủ tịch UBND phường 14 quận 6 nhận định.
Ông Phú dẫn chứng: “Trước đây, cán bộ tiếp dân có lúc còn chủ quan, lập biên bản không đúng quy trình; trong khi đó, người dân thì cứ việc gì không vừa ý là thưa kiện, khiếu nại. Chẳng hạn, cán bộ ra quyết định sai lệch số liệu, thay vì đề nghị chỉnh sửa cho đúng, người dân lại làm đơn khiếu nại, khiến sự việc trở nên phức tạp. Hay cán bộ ra quyết định sai ngày, tháng, người dân cũng nộp đơn khiếu nại… Tuy nhiên từ năm 2009 đến nay, tình trạng ấy đã hạn chế, phần nào nhờ sự phát hiện và giải quyết kịp thời của cán bộ khu phố”.
Một minh chứng khác cho hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về khiếu nại, tố cáo: Đầu năm 2010, dự án cải tạo kênh Tân Hóa có 82 hộ nằm trong diện quy hoạch. 81 hộ đã đồng ý giải tỏa, chỉ riêng hộ bà Nguyễn Thị T. (phường 14) nộp đơn khiếu nại vì không đồng ý với phương thức đền bù. Sau khi được cán bộ tiếp dân và lãnh đạo phường giải thích, phân tích cặn kẽ, bà T. đã rút đơn khiếu nại và đồng ý giao nhận mặt bằng.
Qua 3 năm thực hiện Đề án 3, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn quận đã có nhiều chuyển biến tích cực. Từ năm 2008 đến nay, tại địa phương không có trường hợp khiếu nại đông người; trong 9 tháng đầu năm 2010, tổng số đơn nhận là 52 đơn (giảm 68 đơn so với cùng kỳ năm 2009), tỷ lệ giải quyết khiếu nại đạt 100% (trong đó có 10 trường hợp rút đơn).
“Thời gian tới, dù hết thời hạn thực hiện Đề án 3, theo tinh thần của Thanh tra TP và quận, chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật khiếu nại, tố cáo ngày càng sâu rộng trong nhân dân. Ngoài các hình thức cũ, chúng tôi sẽ áp dụng diễn tiểu phẩm về xử lý tình huống để gây ấn tượng và dễ đi vào trí nhớ của người dân hơn. Đồng thời cũng sẽ có những khen thưởng, tuyên dương kịp thời để khích lệ bà con tham gia”, bà Trần Thị Xuân Phượng chia sẻ.
THANH HỢP