Ngăn cháy ở khu công nghiệp, cách nào?

Tại 18 khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao (gọi tắt là các khu sản xuất) của TPHCM hiện có  1.221 doanh nghiệp hoạt động, tập trung vào các lĩnh vực may mặc, giày da, nhựa, gỗ, cơ khí, dược phẩm, điện tử, thực phẩm… Việc sản xuất, lắp ráp, chế biến hàng hóa của các cơ sở, doanh nghiệp trong các khu sản xuất sử dụng nhiều nguồn lửa, nguồn nhiệt, hóa chất, chất dễ cháy, do đó nguy cơ cháy nổ luôn tiềm ẩn ở các khu vực này. Nguy hiểm là vậy nhưng công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) hiện nay tại nhiều khu sản xuất tồn tại nhiều bất cập, hạn chế, thậm chí có nơi còn vi phạm những lỗi cơ bản khiến nguy cơ cháy nổ tăng cao.

Khu công nghệ cao thành phố có quy mô 913ha, với hàng trăm doanh nghiệp hoạt động ở đa lĩnh vực, nguy cơ cháy nổ ở đây là rất lớn, thế nhưng khu này lại không có Đội PCCC chuyên ngành. Trong khi đó, tại các khu công nghiệp Tây Bắc, Tân Phú Trung (huyện Củ Chi), Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) lại thiếu nhiều xe chữa cháy… Đó là chưa kể, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các khu sản xuất chưa quan tâm đầu tư trang thiết bị - phương tiện, tập huấn nghiệp vụ PCCC cho lực lượng tại chỗ, không thực tập phương án chữa cháy… Với hàng loạt tồn tại trên, nếu cháy nổ xảy ra, công tác ứng phó, chữa cháy, xử lý sự cố tại các khu sản xuất sẽ gặp nhiều khó khăn, dễ dẫn đến cháy lan cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Trên thực tế, nhiều năm qua, trên địa bàn TPHCM đã xảy ra không ít vụ cháy tại các khu sản xuất. Tính từ năm 2008 đến nay, thành phố xảy ra 105 vụ cháy nổ làm 1 người chết, 25 người bị thương, trong đó có 1 vụ cháy lớn làm thiệt hại tài sản lên đến gần 400 tỷ đồng. Qua công tác điều tra, Cảnh sát PC&CC TPHCM cho biết nguyên nhân gây cháy của hơn 2/3 số vụ xuất phát từ các vi phạm trong sử dụng điện, hàn cắt kim loại, lưu trữ hóa chất không đảm bảo kỹ thuật… Có thể khẳng định rằng, dù là nguyên nhân nào thì cũng đều xuất phát từ yếu tố con người. Cụ thể ở đây là ý thức của chủ các doanh nghiệp, công nhân lao động về việc chấp hành các quy định PCCC còn hạn chế; công tác quản lý địa bàn của chính quyền địa phương còn buông lỏng; việc kiểm tra, xử lý các vi phạm của ngành phòng cháy còn hời hợt, du di, thậm chí có nơi có tiêu cực, tiếp tay cho vi phạm tồn tại…

Để triệt tiêu các nguy cơ cháy nổ, kéo giảm số vụ cháy nổ xảy ra, nhất là cháy lan cháy lớn ở các khu sản xuất, thiết nghĩ ngay lúc này, Cảnh sát PC&CC TP cần phối hợp cùng các sở ngành, UBND các quận huyện tổng rà soát, phân loại các vi phạm để triển khai các giải pháp hợp lý, hiệu quả ở trước mắt và trong lâu dài. Đặc biệt, phải sớm thực hiện việc trang bị, lắp đặt hệ thống cảnh báo cháy kết nối tại các cơ sở nguy hiểm, có nguy cơ cháy nổ cao ở các khu sản xuất đến Trung tâm thông tin chỉ huy (Cảnh sát PC&CC TPHCM); trang bị đầy đủ phương tiện, tăng cường tập huấn, đào tạo nghiệp vụ PCCC cho lực lượng chữa cháy tại chỗ…

Bên cạnh đó, Cảnh sát PC&CC TP cần chủ động kiến nghị với các cơ quan cấp trên, cơ quan ban hành luật điều chỉnh các văn bản luật còn chồng chéo, không còn phù hợp với thực tế, như Thông tư 66/2014/TT-BCA của Bộ Công an có nội dung quy định, chỉ có khu công nghiệp, khu chế xuất có diện tích hơn 50ha mới thành lập Đội PCCC chuyên ngành, không đề cập khu công nghệ cao… Một khi các vi phạm, tồn tại, hạn chế nêu trên được khắc phục, nguy cơ cháy nổ ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao ở TPHCM mới không còn, sự cố - tai nạn đáng tiếc mới không xảy ra, hoạt động sản xuất mới ổn định hơn, hiệu quả hơn.

TUẤN VŨ

Tin cùng chuyên mục