Ngăn group chat thành “thiên đường” phát tán tin giả

Cùng với sự phát triển của mạng xã hội cũng như những ứng dụng gọi điện, nhắn tin miễn phí như Zalo, Viber… là sự ra đời của những group chat (nhóm những người trong cùng một nền tảng ứng dụng có thể tương tác và trò chuyện với nhau).

Gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khi nhiều địa phương phải giãn cách xã hội nghiêm ngặt, ai ở đâu thì ở yên đó, hình thức giao tiếp thông qua group chat càng bùng nổ. Hiện nay, việc một cá nhân sở hữu từ vài nhóm đến hàng chục, thậm chí hàng trăm group chat khắp các ứng dụng là chuyện bình thường. Có group chat chỉ vài người nhưng cũng có group chat đến hàng chục, hàng ngàn người, nhất là trong những cộng đồng dân cư tập trung như khu chung cư.

Bên cạnh rất nhiều ưu điểm như tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin, hỗ trợ lẫn nhau, gắn kết tình nghĩa cộng đồng khu dân cư…, những group chat nói trên cũng trở thành “thiên đường” để phát tán, lan truyền những tin tức giả, độc hại. Nói không ngoa, group chat đã trở thành những “xóm nhà lá” thời 4.0. Qua lan truyền người này sang người kia, từ nhóm này đến nhóm kia theo dạng “nghe nói”, “nghe đồn”, từ một thông tin không rõ nguồn gốc, dần dà trở thành những cơn “địa chấn” dẫn dắt cảm xúc, gây hoang mang, thậm chí phẫn nộ trong cộng đồng.

Những ngày qua, nhan nhản những tin nhắn hoặc hình ảnh chụp màn hình một tin nhắn nào đó đại loại “người nhà đang ở ABC cho biết chuyện XYZ (đa phần đều mang tính tiêu cực hoặc mang tính cảnh báo nguy hiểm không đúng sự thật) được gửi tràn lan trong các group chat như thế. Quản trị viên một nhóm cư dân trên ứng dụng Zalo tại một khu căn hộ cho biết, mặc dù đã đưa vào nội quy và thường xuyên nhắc đi nhắc lại nhưng mỗi ngày anh xóa không biết bao nhiêu những tin nhắn lan truyền không có kiểm chứng như thế từ cư dân. Điều nguy hiểm là dạng lan truyền này tạo nên ảnh hưởng rất lớn bởi được chia sẻ từ những mối quan hệ quen biết thân tình nên thường tạo ra sự tin cậy rất cao.

Do vậy, dù mức độ ảnh hưởng không hề kém việc phát tán, lan truyền trên các trang mạng xã hội nhưng việc lan truyền, phát tán thông tin, nhất là tin độc hại, tin giả trong các group chat, rất khó để cơ quan chức năng phát hiện, xử lý nếu không nói gần như không thể! Do tính khó phát hiện, khó xử lý này mà hình thức group chat hiện đang được không ít phần tử phản động, các hội nhóm mang màu sắc tâm linh sử dụng triệt để nhằm tuyên truyền sai lệch, kích động gây rối an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Rõ ràng, dù biết rằng với không gian mạng mở vô tận như hiện nay, việc kiểm soát triệt để những thông tin xấu, độc hại phát tán trên các nền tảng mạng xã hội nói chung cũng như group chat nói riêng là rất khó nhưng cũng cần nhận diện một cách nghiêm túc mặt trái của nó để từ đó đưa ra các giải pháp hạn chế đến mức thấp nhất những hậu quả có thể mang đến cho cộng đồng và xã hội. Đặc biệt, ý thức của mỗi cá nhân chính là “phòng tuyến” cực kỳ quan trọng trước vấn nạn tin giả, tin độc hại ngày càng tràn lan như hiện nay. Hãy tỉnh táo và có trách nhiệm trước mỗi thông tin muốn chia sẻ. Đừng lan truyền những thông tin chưa được kiểm chứng, nhất là những thông tin góp phần gây hoang mang, hoảng loạn cho cộng đồng.

Giữa những ngày cả nước, nhất là TPHCM chúng ta, phải hứng chịu sự tổn thương đến gần như quỵ ngã bởi đại dịch Covid-19, hãy lan tỏa cho nhau niềm tin, động lực để cùng nỗ lực vượt qua thời đoạn khắc nghiệt và khốc liệt này.

Tin cùng chuyên mục