Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bão lũ khu vực miền Trung và Tây Nguyên

Ngày 4-12, tại tỉnh Quảng Nam, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức hội nghị giải pháp tín dụng hỗ trợ giúp người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ tại các tỉnh khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng nhà nước Việt Nam phát biểu tại hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng nhà nước Việt Nam cho biết rất chia sẻ với bà con các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên trong đợt bão chồng bão, lũ chồng lũ vừa qua, thiệt hại lớn về người và tài sản.

Ngân hàng nhà nước sẽ phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố triển khai chương trình kết nối nhà nước và doanh nghiệp với nhiều hình thức để nắm bắt, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, khách hàng bị ảnh hưởng bão lũ. Đối với Ngân hàng Chính sách xã hội khẩn trương phối hợp với các đơn vị có liên quan rà soát, xác định khách hàng có dư nợ vay bị thiệt hại để hoàn thiện các thủ tục gia hạn nợ, khoanh nợ, xóa nợ cho khách hàng theo quy định.

Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bão lũ khu vực miền Trung và Tây Nguyên ảnh 2 Quang cảnh hội nghị
“Để kịp thời hỗ trợ người dân vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, NHNN đã ban hành các Công văn 7751/NHNN-TD ngày 23-10-2020 và 8247/NHNN-TD ngày 12-11-2020 chỉ đạo các TCTD khẩn trương áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm, hạ lãi suất vay vốn, đơn giản hóa các thủ tục vay vốn để tạo điều kiện cho khách hàng giảm bớt áp lực về tài chính, tiếp cận vốn vay khôi phục sản xuất sau bão lũ; hướng dẫn và hỗ trợ khách hàng hoàn thiện hồ sơ đề nghị xử lý khoanh nợ theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09-6-2015, Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7-9-2018 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; hoàn thiện các thủ tục gia hạn nợ, khoanh nợ, xóa nợ theo Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28-7-2010 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội”, ông Đào Minh Tú thông tin.

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, trong nửa đầu năm 2020, kinh tế hai vùng miền Trung và Tây Nguyên đang giảm nhanh, ở mức thấp nhất trong 10 năm qua; một số ngành công nghiệp như công nghiệp chế biến, chế tạo, khai khoáng, sản xuất và phân phối điện, khí đốt, xây dựng, bất động sản giảm so với cùng kỳ; du lịch, dịch vụ có bước hồi phục nhưng còn nhiều khó khăn, sức mua thị trường giảm, lao động bị mất việc làm, giãn việc tăng.

Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bão lũ khu vực miền Trung và Tây Nguyên ảnh 3 Ngoài ruộng vườn hoa màu bị vùi lấp còn có hàng trăm ha Quế của người dân ngã đổ trơ gốc
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - ngân hàng Nhà nước cho hay, trong thời gian tới, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành, chia sẻ với khó khăn của người dân, doanh nghiệp tại miền Trung và Tây Nguyên vượt qua khó khăn của bão lũ thông qua việc tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp: NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng an toàn, hiệu quả trên địa bàn; phối hợp với các sở, ngành kịp thời nắm bắt, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp thông qua diễn đàn kết nối ngân hàng - doanh nghiệp với các hình thức tổ chức phù hợp; chỉ đạo các TCTD tiếp tục ưu tiên tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, các ngành, lĩnh vực thế mạnh của khu vực, cho vay các công trình, dự án kinh tế trọng điểm, các dự án và các chương trình phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu của vùng; triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, góp phần khôi phục kinh tế các địa phương sau dịch.

Ngân hàng nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố báo cáo, tính đến ngày 30-11 dư nợ bị ảnh hưởng bởi đợt bão lũ năm nay là khoảng 34.000 tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng đang hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại qua các giải pháp như: cơ cấu thời hạn trả nợ cho 4.706 khách hàng với dư nợ 262 tỷ đồng, miễn, giảm lãi vay cho 30.439 khách hàng với dư nợ 31.958 tỷ đồng, cho vay mới 40.077 khách hàng với số tiền cho vay mới 8.375 tỷ đồng. Ngoài ra các tổ chức tín dụng đang xem xét để khoanh nợ cho một số khách hàng, riêng ngân hàng chính sách xã hội đang thực hiện khoanh nợ số tiền khoảng 85 tỷ đồng, xóa nợ 470 triệu đồng cho 23 khách hàng.

Tin cùng chuyên mục