Ngân hàng phải chia sẻ thiết thực với doanh nghiệp

Ngày 16-7, theo Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất lương thực thực phẩm đã kích hoạt hệ thống duy trì sản xuất với tinh thần “3 tại chỗ” theo chỉ đạo của UBND TPHCM. Ý thức được trách nhiệm sản xuất hàng hóa thiết yếu cho người dân nên các DN trong lĩnh vực này đã chuẩn bị sẵn các giải pháp đảm bảo an toàn trước đó để cố gắng không bị gián đoạn. Về lâu dài, nhiều DN rất mong được tiếp sức kịp thời.

Cắm trại, phân khu để sản xuất

Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, có đến 60% DN chế biến lương thực thực phẩm trong cả nước hoạt động tại địa bàn TPHCM. Việc tạm ngưng sản xuất của các DN này sẽ dẫn đến nguy cơ đứt gãy thị trường. Do đó, ngay từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, Hội Lương thực thực phẩm TPHCM đã phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố triển khai nhiều giải pháp khuyến nghị và hỗ trợ tư vấn DN xây dựng các kế hoạch, phương án ứng phó trong tình huống dịch xấu nhất; trong đó, tập trung cho việc “3 tại chỗ”. Do đó, khi thành phố có chỉ đạo thì đa phần các DN thành viên ngay lập tức kích hoạt và sẵn sàng áp dụng ngay các phương án phòng dịch thắt chặt để vừa bảo vệ người lao động, vừa đáp ứng chuỗi cung ứng sản xuất.

Ghi nhận thực tế trong những ngày qua cho thấy, đối với nhóm thịt heo tươi sống, các DN thành viên đều đã kích hoạt hoàn toàn hệ thống đảm bảo an toàn. Cụ thể, đại diện Công ty CP Việt Nam kỹ nghệ súc sản (Vissan) đã tổ chức cắm trại tập trung sản xuất cho khoảng 1.500 công nhân từ cuối tháng 6 và dự kiến sẽ kéo dài đến khi tình hình dịch bệnh tại TPHCM được kiểm soát. Hiện lượng heo giết mổ ở Vissan bình quân 1.200 - 1.300 con/ngày, tương đương 120 tấn/ngày và đơn vị đảm bảo nâng sản lượng lên cao nhất nếu nhu cầu thị trường tăng. 

Ngân hàng phải chia sẻ thiết thực với doanh nghiệp ảnh 1 Vissan cam kết đảm bảo cung ứng nguồn thịt heo với giá bình ổn trong 3-6 tháng tới 

Tương tự trường hợp Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam, tại các trang trại của công ty đã triển khai toàn bộ hệ thống đảm bảo “3 tại chỗ” và đều quy định các cá nhân mỗi khu không được trao đổi qua lại. Hiện sản lượng thịt heo tươi sống của đơn vị cung cấp cho thị trường từ 350-600 con/ngày. Công ty đảm bảo cung cấp đầy đủ và giữ bình ổn giá được 6 tháng do chủ động về chăn nuôi.

Đại diện Công ty CP Ba Huân cho biết đã phân nhà máy thành 3 khu để bố trí cho công nhân ăn ở tại chỗ. Riêng với đội vận chuyển và giao nhận được trang bị trang phục bảo hộ để tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh. Toàn bộ nhân viên đã được công ty thuê đội y tế quận 6 về xét nghiệm 2 lần/tuần vào thứ hai và thứ năm. Còn với công ty Vĩnh Thành Đạt, San Hà… thì bố trí nhiều khu ở biệt lập trong nhà máy, nhà kho và khuôn viên của công ty. Các công nhân cũng được khuyến cáo không được qua lại giữa các khu nhằm ngăn nguy cơ lây nhiễm bệnh nếu chẳng may có trường hợp mắc Covid-19. 

Riêng các DN sản xuất, kinh doanh mặt hàng gạo, gia vị, nước chấm, bột mì… việc thực hiện “3 tại chỗ” khá dễ dàng do các mặt hàng này đều có khả năng trữ với số lượng lớn. Từ tháng 4 đến nay, các DN đã chủ động duy trì lượng tồn kho lớn, dự trữ đảm bảo đủ cung ứng đến cuối năm.

DN cần được giảm, giãn thuế, lãi suất vay ngay

Theo ý kiến chung của nhiều DN, để bố trí “3 tại chỗ” cho công nhân, DN đã phải chi rất nhiều khoản. Điều này đã bào mòn gần hết lợi nhuận của DN trong 6 tháng đầu năm nay. Đã vậy, các DN đang phải đối mặt với chi phí xét nghiệm Covid-19 quá cao. Trung bình, một tài xế xe đi và về từ An Giang để vận chuyển nguyên liệu sản xuất phải tốn 2,7 triệu đồng chi phí xét nghiệm. Chưa kể, chi phí xét nghiệm cho hàng ngàn công nhân tại nhà máy 7 ngày/lần. Do vậy, để giúp DN giảm chi phí phát sinh vốn đang tăng cao, cần thiết xã hội hóa công tác xét nghiệm, tăng nguồn cung để DN có thể mua với giá phải chăng và tự tiến hành kiểm soát dịch bệnh tại nhà máy. 

Có thể nói, thời điểm này, để giúp DN giảm bớt gánh nặng do phải “gồng” chi phí phát sinh tăng thêm, đảm bảo “mục tiêu kép” của Chính phủ, rất cần có sự hỗ trợ chia sẻ khó khăn từ các bộ ngành, nhất là giảm chi phí xét nghiệm và tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ, giảm lãi suất vốn vay. Đặc biệt, cần phải chế tài những ngân hàng chưa áp dụng chính sách hỗ trợ vốn cho DN.

Ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Các DN khu chế xuất - khu công nghiệp TPHCM, bức xúc, Ngân hàng Nhà nước có ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN ngày 2-4-2021 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thế nhưng, cho đến nay vẫn chưa có DN nào nhận được hỗ trợ này. Vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm ngay 1% lãi suất tín dụng cho các DN, nhưng hiện các DN cho biết vẫn chưa tiếp cận được.

Tin cùng chuyên mục