Ngăn ngừa lợi ích nhóm khi xây dựng văn bản pháp luật

(SGGP).- Hôm qua 13-8, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo “Vai trò của doanh nghiệp trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”.

(SGGP).- Hôm qua 13-8, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo “Vai trò của doanh nghiệp trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”.

Kết quả khảo sát của VCCI cho thấy, trong số 212 doanh nghiệp (DN) phản hồi khảo sát, có đến 111 DN chỉ biết đến văn bản pháp luật khi đã ban hành, 104 DN khi thực hiện mới biết, 101 chỉ biết khi có hiệu lực… Còn trong giai đoạn ban đầu chỉ có 26 DN biết ý tưởng, 60 DN biết khi còn là dự thảo. Xét về quy mô, việc lấy ý kiến DN cũng không có nhiều chuyển biến. Theo đó, khoảng 85% DN có quy mô vốn dưới 1 tỷ đồng chưa lần nào được cơ quan nhà nước lấy ý kiến khi soạn thảo; trên 1 tỷ đồng khoảng 75% và trên 10 tỷ đồng khoảng 50%.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cần quy định các văn bản động đến người dân, DN dứt khoát phải có phản biện từ đối tượng chịu tác động và phải để các đối tượng này tham gia từ ý tưởng ban đầu, đến giai đoạn soạn thảo và phải từ văn bản đầu đến văn bản cuối cùng. Còn ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, cho rằng để ngăn ngừa lợi ích nhóm chi phối cũng như sự phức tạp, bất cập của các văn bản quy phạm pháp luật khi ban hành cần minh bạch và dân chủ trong quá trình xây dựng. Nếu làm được điều đó thì hệ thống pháp luật Việt Nam sẽ không còn “phức tạp nhất thế giới” như Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường từng phát biểu.

NGỌC QUANG

Tin cùng chuyên mục