Ngành bán lẻ hướng đến thanh toán không dùng tiền mặt

Xu hướng người tiêu dùng ít sử dụng tiền mặt mà thay vào đó là sử dụng các hình thức thanh toán số như quẹt thẻ, sử dụng ví điện tử, mã QR… ngày càng nở rộ. Cùng xu hướng này, nhiều nhà bán lẻ đang tích cực chủ động đầu tư hạ tầng, liên kết các đơn vị dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Nở rộ thanh toán số

Làn sóng mua sắm không tiền mặt ở Việt Nam, nhất là tại các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội… đang diễn ra ngày càng phổ biến. Theo đó, người tiêu dùng khi mua sắm các món hàng từ bó rau, con cá ở chợ hay siêu thị đều tận dụng sự tiện lợi của thanh toán số qua việc quét mã QR hoặc quẹt thẻ một cách nhanh chóng, tiện lợi.

XHH 8A.jpg
Thanh toán không tiền mặt ngày càng thu hút người tiêu dùng

Chị Ngô Hồng Ngọc (ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) chia sẻ, các năm trước khi ra đường phải có tiền mặt trong ví mới yên tâm thì nay chị chủ yếu sử dụng các hình thức mua sắm như ví điện tử, mã QR… khá linh hoạt. “Mua hàng ở siêu thị, cửa hàng tiện lợi tôi đều quẹt thẻ, quẹt ví điện tử vì khá tiện lợi, an toàn. Có lần gửi xe ở một quán cà phê chỉ 5.000 đồng cũng được họ hướng dẫn quét mã”, chị Ngọc kể và cho biết rất hào hứng khi chuyển qua thanh toán điện tử bởi ngoài sự tiện lợi còn giúp chị kiểm soát được chi tiêu hàng tháng.

Tương tự, anh Lâm Quốc Vương (quận Bình Thạnh, TPHCM) cho biết, anh thanh toán điện tử trong phần lớn giao dịch từ mua hàng, đi Grab, đổ xăng, mua sách… “Giờ tôi không phải đi ra trụ ATM rút tiền mặt như trước. Đó là chưa kể, sử dụng ví điện tử để mua hàng, mua vé tàu xe còn được giảm giá, rất tiện lợi”, anh Vương nói.

Trong một nghiên cứu về “Thái độ thanh toán của người tiêu dùng Việt Nam” vừa được Công ty công nghệ thanh toán điện tử Visa công bố trung tuần tháng 3-2024 cho thấy, bên cạnh giao dịch tiền mặt vốn phổ biến, xu hướng chuyển đổi sang các phương thức thanh toán điện tử hiện đại ngày càng được ưa chuộng tại Việt Nam.

Theo đó, có 56% người dùng Việt tham dự khảo sát ít mang theo tiền mặt hơn so với năm trước, thể hiện sự chủ động nắm bắt các công nghệ tài chính mới của người tiêu dùng. Đặc biệt, người dùng thế hệ gen X (những người sinh từ năm 1965 đến 1980) và gen Y (những người sinh từ năm 1981 đến 1996) hiện đóng vai trò như thế hệ tiên phong thúc đẩy tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt, với 89% người tham gia khảo sát đã tiếp cận thành công các phương thức thanh toán kỹ thuật số trong đời sống hàng ngày.

Đáng chú ý, cũng theo nghiên cứu, đà tăng trưởng của phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt qua mã QR và ví điện tử, có thể nhận thấy rõ ở các lĩnh vực như thực phẩm và ăn uống (F&B), bán lẻ và cửa hàng tiện lợi. Hoạt động mua sắm tại cửa hàng cũng chứng kiến nhiều thay đổi đáng kể khi nhiều đơn vị bán lẻ tích cực ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để mang đến trải nghiệm mua sắm mới mẻ cho người dùng, từ đó thúc đẩy doanh thu.

“Làn sóng nền kinh tế không dùng tiền mặt tại Việt Nam đang mang đến nhiều tiềm năng tăng trưởng, mở ra cơ hội cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp trong bối cảnh thanh toán không dùng tiền mặt đang thay đổi từng ngày”, bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa Việt Nam và Lào, đánh giá.

Gen Z thích mua sắm trên sàn thương mại điện tử

Trong một khảo sát do bộ phận hồ sơ của Công ty nghiên cứu thị trường Kantar thực hiện với hơn 2.400 người tham gia, cho thấy 73% người tiêu dùng cá nhân thuộc gen Z thích mua sắm trên nền tảng thương mại điện tử cả khi khám phá các kênh nghiên cứu thay thế. Ngoài ra, 56% người ban đầu tham gia nghiên cứu sản phẩm, hàng hóa trên nền tảng thương mại xã hội thích chuyển sang thương mại điện tử để hoàn tất giao dịch.

Động thái này được thúc đẩy bởi các yếu tố chính, gồm sự đa dạng của sản phẩm (79%), chất lượng (77%) và phương thức thanh toán thuận tiện (59%) trên sàn thương mại điện tử. Cuộc khảo sát cũng cho thấy cứ 3 người mua sắm thuộc gen Z thì có một người dành ít nhất 5 ngày để nghiên cứu giao dịch mua hàng vì họ ưu tiên quy trình hoàn trả liền mạch và giao hàng vào hôm sau.

ÁNH TUYẾT

Bán lẻ sớm nhập cuộc

Với làn sóng trên, nhiều nhà bán lẻ tại Việt Nam đã và đang hợp tác cùng các ngân hàng, ví điện tử, cổng thanh toán… nhằm mang tới những trải nghiệm thanh toán tiện lợi cho khách hàng khi mua sắm.

Điển hình là nhà bán lẻ Saigon Co.op. Theo ghi nhận của phóng viên, tại các hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op như Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… đều bố trí đầu đọc thẻ và thường xuyên phối hợp các ngân hàng tổ chức khuyến mãi, tặng điểm, tặng quà, thưởng tiền trực tiếp vào thẻ cho khách khi thanh toán qua các hình thức này.

Nhờ vậy, đến cuối năm 2023, tỷ lệ thanh toán không tiền mặt tại các siêu thị Co.opmart chiếm khoảng 10%. Kết quả này, theo Saigon Co.op, đến từ sự chủ động hợp tác của doanh nghiệp với các ngân hàng và doanh nghiệp đầu ngành như ví điện tử MoMo, cổng thanh toán VNPAY, giải pháp thanh toán Visa...

Chẳng hạn, Saigon Co.op hợp tác với Công ty CP Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPAY) để cung cấp các giải pháp thúc đẩy doanh số bán hàng không tiền mặt VNPAY-QR, thiết bị VNPAY-POS tại toàn bộ hệ thống cửa hàng cũng như trên trang thương mại điện tử của 2 thương hiệu siêu thị Co.opmart và đại siêu thị Co.opXtra. Còn với UrBox, việc hợp tác nhằm ra mắt phiếu mua hàng điện tử Co.opmart (E-Voucher).

Đặc biệt, theo Saigon Co.op, với hơn 800 điểm bán phân bố rộng khắp cả nước và đón trung bình 1 triệu lượt khách tham quan mua sắm mỗi ngày thì việc áp dụng thanh toán không tiền mặt là phương thức để tăng vị thế cạnh tranh.

Trong kế hoạch sắp tới, nhà bán lẻ này cho biết vẫn đang thực hiện mạnh mẽ công tác chuyển đổi số trong chăm sóc khách hàng, thông qua chiến lược sử dụng công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả quản trị, cũng như cập nhật gần như tất cả các công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt đang có trên thị trường. Bởi lẽ khi thanh toán không tiền mặt càng phát triển, doanh nghiệp bán lẻ càng được lợi bởi thời gian thanh toán nhanh, đỡ mất công kiểm đếm tiền, giảm sai sót, đỡ phải đổi tiền lẻ để thối cho khách…

Tin cùng chuyên mục