Ngành bán lẻ tận dụng nền tảng số

Để tăng doanh số bán hàng, doanh nghiệp và nhà bán lẻ ngày càng quan tâm đến việc phát triển nhiều hình thức mua bán tạo ấn tượng cho người tiêu dùng (NTD) qua các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT).
Thương mại điện tử ngày càng được ứng dụng phổ biến và đa dạng dưới nhiều hình thức
Thương mại điện tử ngày càng được ứng dụng phổ biến và đa dạng dưới nhiều hình thức

Mua sắm online tăng nhanh

2 năm trở lại đây, chị Ngô Mai Anh (ngụ quận Tân Phú, TPHCM) thường xuyên đặt mua các món đồ thiết yếu như thực phẩm, nước giặt, quần áo… qua các app mua sắm như Saigon Co.op, Emartmall VN, Shopee… Theo chị Mai Anh, việc đặt hàng qua mạng giúp tiết kiệm thời gian, chọn món đồ yêu thích chỉ với một cú nhấp chuột. Còn với chị Nguyễn Ngọc Hân (ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai), chị chọn mua online vì có thể tìm kiếm, nghiên cứu thông tin sản phẩm, sau đó mới quyết định mua hàng. Ngoài ra, khi mua sắm online, NTD sẽ dễ dàng so sánh giá sản phẩm, các chương trình ưu đãi từ nhà bán lẻ.

Thực tế, nhiều NTD đã và đang góp phần thúc đẩy xu hướng mua sắm trực tuyến tăng trưởng nhanh. Cụ thể, theo Sách trắng thương mại điện tử Việt Nam 2022, hoạt động TMĐT Việt Nam tiếp tục phát triển trở thành kênh phân phối quan trọng với mức tăng trưởng 20% trong năm 2022 và quy mô ước đạt 16,4 tỷ USD. Ước tính, số lượng NTD Việt mua sắm trực tuyến trong nước năm 2022 từ 57-60 triệu người, giá trị mua sắm ước đạt 5,7-6,2 triệu đồng/người/năm. Năm 2023, theo một khảo sát được công bố vào cuối tháng 5 của Visa cho thấy, có tới 64% NTD được khảo sát cho biết thường mua sắm trên các nền tảng trực tuyến và doanh nghiệp hộ gia đình.

Ông Lê Văn Tòng, Trưởng ban kinh doanh trực tuyến của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), cũng khẳng định sự tăng trưởng của kênh mua sắm online. Theo ông Tòng, doanh số bán hàng tại sàn của Saigon Co.op trung bình cao hơn 2,4% so với việc mua hàng trực tiếp từ các đại lý, siêu thị. “Hiện nay, 70% dân số Việt Nam tiếp cận internet và đa phần là người trẻ trong thế hệ gen Z; và ước tính đến năm 2050, nhóm gen Z là đối tượng tiêu dùng và mua sắm chính. Đây là tiềm năng lớn để phát triển TMĐT”, ông Tòng chia sẻ.

Đa dạng phương thức tiếp cận

Nhận thấy tiềm năng lớn từ kênh TMĐT, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cùng các nhà bán lẻ truyền thống đã quan tâm hơn tới việc phát triển đa dạng các kênh bán hàng, tiếp thị, nhất là các kênh trên nền tảng số. Theo đó, bên cạnh website quảng bá, nhiều doanh nghiệp còn phát triển các trang mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu sản phẩm. “Chúng tôi chú trọng các bài viết chuẩn SEO (tối ưu hóa công cụ tìm kiếm), phù hợp với thuật toán của Google, triển khai chạy quảng cáo trên Facebook, Google Ads… để thông tin về sản phẩm của mình xuất hiện nhiều hơn trên các công cụ tìm kiếm, từ đó tiếp cận gần hơn với NTD”, ông Ngô Thanh Long, đại diện cơ sở sản xuất rượu vang Thanh Long Anna (Đồng Nai), cho biết. Trong khi đó, với Tập đoàn Xuân Nguyên, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ, Tổng Giám đốc, thông tin, trước đây Xuân Nguyên chỉ phân phối theo phương thức truyền thống tại các cửa hàng, siêu thị nhưng gần đây nhận thấy TMĐT là xu hướng được NTD chọn lựa nên đã đầu tư nhiều hơn cho bán hàng online. “Hiện việc bán hàng online đang chiếm gần 35% doanh thu của Xuân Nguyên, chúng tôi dự đoán thời gian tới kênh bán hàng này sẽ bán vượt kênh truyền thống. Do đó, công ty đang từng bước đưa sản phẩm phủ hết các sàn TMĐT với mục tiêu để NTD tìm mua sản phẩm của công ty dễ dàng hơn”, ông Vũ cho biết. Riêng với nhà bán lẻ, điển hình là Saigon Co.op, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho biết, trong năm 2023, nhà bán lẻ này sẽ thúc đẩy TMĐT, trong đó tích hợp trải nghiệm khách hàng tốt hơn thông qua công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI)... Dùng công nghệ thấu hiểu hơn hành vi của khách hàng, có tính dự báo thị trường để dẫn dắt thị trường và qua đó kết nối giữa NTD và nhà cung cấp hiệu quả hơn.

Theo các doanh nghiệp, thông qua những phương thức tiếp cận đa dạng trên nền tảng số, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ đáp ứng được theo thị hiếu của khách hàng, từ đó tăng doanh số bán hàng.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, cho biết, việc tiêu thụ hàng hóa của doanh nghiệp từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn do nhu cầu tiêu dùng trên thế giới và trong nước đều sụt giảm, thu hẹp. Trong khi đó, TMĐT là kênh tiếp cận khách hàng nhanh, ít tốn kém, có thể giúp doanh nghiệp thăm dò, nhận phản hồi từ khách hàng ở các thị trường mới, thị trường ngách, từ đó điều chỉnh, cải tiến sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách hàng.

Tin cùng chuyên mục