Tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư đối với ngành sản xuất nguyên phụ liệu thấp, thời gian thu hồi vốn lâu. Mặt khác, mức độ rủi ro đầu tư cao do chính sách kinh tế thường xuyên thay đổi. Đó là nguyên nhân khiến cho các doanh nghiệp (DN) không mặn mà đầu tư sản xuất nguyên phụ liệu, dù những lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được áp dụng.
Một máy dệt sợi = nhà máy dệt may
Tại cuộc họp về phát triển ngành nguyên phụ liệu dệt may do Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) tổ chức, nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định, cơ cấu ngành dệt may Việt Nam vẫn đang phát triển theo hướng phình rộng phần đầu tư cho dệt may, trong khi ngành sản xuất phụ liệu vẫn hạn chế. Cụ thể, hiện cả nước có 5.028 DN dệt may nhưng trong số này chỉ có 604 DN sản xuất nguyên liệu phụ trợ cho ngành. Đây là lý do mà ngành dệt may Việt Nam sau bao nhiêu năm phát triển vẫn luôn khủng hoảng thiếu nguyên phụ liệu sản xuất. Điều đáng nói là thực trạng này sẽ chưa thể khắc phục trong thời gian ít nhất là 5 năm tới.
Không đảm bảo khâu cung ứng nguyên liệu cũng đồng nghĩa là DN dệt may Việt Nam sẽ không thể kỳ vọng tạo nên những đột phá trong hoạt động xuất khẩu sản phẩm sang thị trường thế giới, nhất là những nước đã ký FTA với Việt Nam. Thống kê từ Bộ Công thương cho thấy, ngoại trừ thị trường Hàn Quốc đang có đến 85% sản phẩm Việt Nam xuất khẩu đã được hưởng thuế suất ưu đãi, còn với các FTA khác, chỉ có 35% - 40% lượng hàng hóa xuất khẩu của nước ta được hưởng ưu đãi thuế suất, số còn lại vẫn phải chịu mức thuế từ 12% - 25%.
Nguồn cung ứng nguyên phụ liệu tại thị trường trong nước thiếu hụt đã tạo dư địa lớn cho nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này. Thế nhưng cho đến nay, việc tận dụng dư địa này chủ yếu mới tập trung vào những DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Theo số liệu của Hiệp hội Dệt May Việt Nam, tính đến hết năm 2015, vốn FDI vào ngành dệt may đã chạm ngưỡng 2 tỷ USD.
Sự vắng bóng đầu tư của các DN nội trong lĩnh vực này cũng được lý giải do thiếu vốn, thiếu cơ chế hỗ trợ. Đại diện Công ty Hoàn Mỹ khẳng định, chỉ cần vài trăm tỷ đồng là DN đã có thể xây dựng nhà máy may hiện đại với quy mô sản xuất vừa và lớn, thế nhưng số tiền trên lại chỉ đủ để đầu tư một máy sản xuất nguyên phụ liệu. Đơn cử, để đầu tư một máy sản xuất phụ liệu dây kéo, công ty phải bỏ ra số vốn lên đến 25 triệu USD. Với những loại máy dệt sợi thì chi phí đầu tư còn cao hơn rất nhiều lần. Mặt khác, nhiều tỉnh, thành hạn chế cấp phép cho lĩnh vực dệt nhuộm - khâu không thể thiếu để tạo ra vải thành phẩm - cũng là nguyên nhân khiến cho quy trình xuất xứ sản phẩm dệt may Việt Nam không hoàn chỉnh, không được hưởng ưu đãi về thuế do không đảm bảo về quy tắc xuất xứ.
Tỷ suất lợi nhuận không cao là nguyên nhân cản trở phát triển ngành sản xuất nguyên phụ liệu dệt may. Ảnh: CAO THĂNG
Tận dụng cơ hội ngắn hạn để đẩy mạnh đầu tư dài hạn
Đó là giải pháp tốt nhất mà DN nội đang áp dụng nhằm đẩy mạnh xuất khẩu dệt may. Phân tích kỹ những điều khoản trong các FTA cho thấy, với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hẳn chương quy định danh mục thiếu hụt cho phép. Theo đó, có khoảng 204 danh mục mặt hàng vải mà DN được phép lấy từ những nước không phải là thành viên TPP. Trong đó, có 8 mã được lấy nguồn cung từ ngoài trong thời hạn là 5 năm kể từ khi TPP có hiệu lực; những mã hàng còn lại thì được lấy nguồn cung ứng ngoài vĩnh viễn. Hay như FTA Việt Nam - Nhật Bản, có những ngoại lệ cho một số danh mục nguyên liệu sản phẩm (từ vải thô đến vải thành phẩm). Theo đó, DN có thể nhập vải thô từ một nước thành viên FTA Việt Nam - Nhật Bản, ASEAN - Nhật Bản và gia công thành phẩm tại một nước khác ngoài thành viên FTA hoặc Cộng đồng kinh tế ASEAN, sau đó cắt may tại Việt Nam thì vẫn được hưởng ưu đãi thuế suất về quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản… Tương tự, với nhiều FTA khác, tùy vào quy tắc linh hoạt, cho phép DN được chọn mức độ vi phạm quy tắc xuất xứ khoảng 10% áp dụng với giá trị hoặc trọng lượng đơn hàng. Đây được xem là những cơ hội hay còn gọi là điểm đèn vàng để DN Việt Nam có thể tận dụng.
Ngoài ra, về lâu dài, cần thiết phải cải thiện cơ cấu sản xuất để tranh thủ tối đa lợi thế từ các FTA. Bà Vũ Tường Anh, Giám đốc Chương trình sử dụng hiệu quả tài nguyên IFC, cho biết DN cần thiết phải tận dụng nguồn vốn hỗ trợ. Hiện đang có 60 ngân hàng đã được kết nối để tham gia tài trợ dự án đầu tư sản xuất có tính đến yếu tố thân thiện với môi trường. Theo đó, với lĩnh vực dệt may, những DN có nhu cầu đầu tư những dự án xử lý chất thải trong quá trình dệt nhuộm, cải thiện dây chuyền sản xuất theo hướng tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguyên phụ liệu đều có cơ hội nhận được những khoản hỗ trợ đầu tư vốn lên đến hàng triệu USD. Đơn cử, IFC (thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới WBG, tập trung vào khối tư nhân, chuyên về hoạt động đầu tư, tư vấn, huy động tài chính) và ngân hàng đối tác, các Công ty Dịch vụ năng lượng (ESCO), Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, Văn phòng Tiết kiệm năng lượng thuộc Bộ Công thương, Quỹ Tín dụng xanh đang có những chính sách hỗ trợ đầu tư cho ngành dệt may, với quy mô tín dụng giao động từ 10.000USD đến 1 triệu USD. Doanh nghiệp cũng có thể được bảo lãnh 50% tổng vốn vay tại ngân hàng (tối đa 1 triệu USD). Đồng thời có thể tài trợ (trả thưởng) đến 25% tổng vốn đầu tư nếu dự án đạt được vấn đề cải thiện môi trường, được đo đạc thông qua các thông số định trước… Vấn đề còn lại là DN sẽ tận dụng nguồn lực này như thế nào để cải thiện cơ cấu sản xuất của ngành dệt may hiện nay.
| |
ÁI VÂN