Ông Gaku Echizenya, Giám đốc điều hành VietnamWorks, cho biết nửa đầu năm 2015, nhu cầu tuyển dụng trực tuyến tăng trưởng vượt bậc ở mức 34%. Đồng nghĩa, đây là thời điểm có số lượng công việc nhiều nhất trong vòng 3 năm qua (cùng kỳ năm 2014 là 25%, còn năm 2013 là 5%).
Người tìm việc đang có nhiều lựa chọn hơn bao giờ hết để tìm được công việc mơ ước cho mình. Các ngành tăng trưởng nhanh nhất là kiến trúc - thiết kế nội thất (tăng 98%), tư vấn (95%), bán hàng (58%), sản xuất (49%)… Ngành công nghệ thông tin tăng thêm hơn 1.200 việc làm so với cùng kỳ năm 2014; ngành kiến trúc - thiết kế nội thất, vốn chỉ có nhu cầu tuyển dụng bằng một phần năm ngành trên, đã tăng đến hơn 600 việc làm trong nửa đầu năm 2015. Nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất là vị trí nhân viên có kinh nghiệm, chiếm 66%.
Trong khi đó, trang web phân tích nghề nghiệp Techlooper.com cũng đưa ra phân tích cho thấy ngành lập trình di động hiện là 1 trong 4 ngành dẫn đầu về nhu cầu tuyển dụng trong nhóm ngành công nghệ thông tin. Tiếp đó, các xu hướng công nghệ thông tin khác mà giới công nghệ Việt Nam quan tâm nổi bật như: xu hướng Big Data - dữ liệu lớn (55% quan tâm), một xu hướng đang ngày càng “nóng” dần trong những năm gần đây đối với các doanh nghiệp lớn có nguồn dữ liệu khổng lồ. Ngoài ra, xu hướng Start Up - khởi nghiệp trong ngành công nghệ (46% quan tâm) cũng tạo được sự chú ý của đông đảo giới chuyên nghiệp ngành công nghệ thông tin.
Về nguồn cung nhân lực tăng chậm hơn, ở mức 17% so với cùng kỳ năm 2014. Điều này tuy thể hiện sự hồi phục của nguồn cung nhưng vẫn chưa theo kịp nhu cầu nhân lực. Sự tăng trưởng vượt bậc của “cầu” nhân lực và tăng trưởng chậm hơn về “cung” đã tạo nên một thị trường rất khả quan cho người tìm việc. “Cung - cầu” lao động đang chênh lệch theo hướng có lợi cho người lao động hơn. Tỷ lệ cạnh tranh trung bình trong nửa đầu năm 2015 là 1:46, nghĩa là 1 ứng viên phải cạnh tranh với 45 người khác cho một vị trí làm việc. Tỷ lệ này có sự chênh lệch lớn giữa các ngành. Những ngành “nóng” như kế toán vẫn có tỷ lệ cạnh tranh rất gay gắt ở mức 1:85.
Ông Gaku Echizenya cho biết, 59% người lao động được khảo sát không nắm rõ mình có đủ kỹ năng cho công việc hay không trước khi bước vào vòng phỏng vấn. Theo ông, trong thời đại hiện nay, ngoài việc sở hữu những kỹ năng cần thiết đáp ứng yêu cầu của công việc, người tìm việc cần phải tích cực tham gia vào các cộng đồng nghề nghiệp, đặc biệt trong các ngành như công nghệ thông tin, vốn đang tăng mạnh nhu cầu tuyển dụng hơn 39% trong năm 2015 so với 2014. Việc chia sẻ và cập nhật thông tin mới nhất từ các cộng đồng công nghệ thông tin cho phép các ứng viên ngành này bắt kịp xu hướng phát triển của ngành cũng như nhu cầu của nhà tuyển dụng, từ đó trang bị tốt hơn cho bản thân.
MẠNH HÒA