Ngành nông nghiệp Bình Dương nỗ lực vượt khó

Để phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, ngành chức năng tỉnh Bình Dương đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, sát cánh đồng hành người nông dân trong hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, du lịch sinh thái và liên kết tiêu thụ nông sản.

Đẩy mạnh liên kết, thực hành nông nghiệp thông minh

Ông Trịnh Minh Thành, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đồng Thuận Phát (huyện Bắc Tân Uyên) cho rằng, các HTX và doanh nghiệp cần thực hiện tốt chính sách liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP. Đầu ra sản phẩm nông nghiệp của nông dân bấp bênh nên việc liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị là xu thế và yêu cầu trong quá trình phát triển.

Trong chuỗi liên kết 6 nhà (Nhà nước, nhà nông, doanh nghiệp, ngân hàng, nhà khoa học, nhà phân phối), mối liên kết trung tâm giữa nhà nông - doanh nghiệp còn gặp nhiều thử thách, thậm chí có lúc bị đứt gãy. Vấn đề đặt ra cho nông nghiệp Bình Dương hiện nay là cần tập trung giải quyết mối liên kết này.

Hiện nay, ngành nông nghiệp chủ trương sản xuất theo tín hiệu thị trường, thế nhưng, nhiều nông dân vẫn gặp khó khăn trong việc định hướng sản xuất, tiếp nhận thông tin thị trường và hỗ trợ tổ chức sản xuất.

Ông Tống Văn Hướng, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân tỷ phú tỉnh Bình Dương, cho rằng, cần thiết phải định hướng thông tin thị trường, phát chỉ báo cho nông dân sản xuất theo tín hiệu thị trường. “Cần đảm bảo sản xuất hàng hóa của nông dân không rơi vào tình trạng được mùa rớt giá; nông sản hàng hóa thừa, thiếu cục bộ. Điển hình là tình hình trồng cây có múi trên địa bàn tỉnh hiện nay”.

Chị Nguyễn Thị Minh Tâm, nông dân xã Phú An (thị xã Bến Cát), cho biết, phong trào khởi nghiệp quốc gia được Đảng, Nhà nước rất quan tâm, tuy nhiên khởi nghiệp trong nông nghiệp không dễ vì nhiều rủi ro và cần đầu tư lâu dài. Thực tế cho thấy, các ý tưởng, mô hình khởi nghiệp do nông dân khởi xướng xuất phát từ nhu cầu thiết thực, nhưng việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi còn gặp nhiều khó khăn. “Tỉnh Bình Dương cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể hơn cho những nông dân trẻ khởi nghiệp từ nông nghiệp”, chị Minh Tâm đề xuất.

xhh7a-4238.jpg
Sơ chế, đóng gói chuối xuất khẩu tại một công ty ở huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương

Chuyển đổi số trong nông nghiệp là 1 trong 8 nội dung của Chương trình chuyển đổi số quốc gia và theo chị Phan Thị Mai Thảo, nông dân phường Đông Hòa (TP Dĩ An), muốn có một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông thôn hiện đại thì Bình Dương cần có những nông dân văn minh, có tri thức “Do vậy, yêu cầu đặt ra là tỉnh phải đào tạo, bồi dưỡng nông dân đủ tri thức, văn hóa, kỹ năng sản xuất nông nghiệp để thực hiện vai trò chủ thể của mình, có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước trong khu vực và trên thế giới”.

Giải quyết lợi ích chính đáng của nông dân

Theo ông Đỗ Ngọc Huy, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bình Dương, phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân và người dân nông thôn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; do đó, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các sở, ngành tập trung phát triển nông nghiệp hiệu quả, bảo vệ môi trường sinh thái; xây dựng nông thôn hiện đại, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Dù tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu tổng sản phẩm (GRDP) trong nền kinh tế của tỉnh Bình Dương không cao (2,62%); tỷ lệ cư dân nông thôn không nhiều (15,8%), thế nhưng mức tăng trưởng nông nghiệp của tỉnh trong thời gian qua luôn đạt mức khá (3,65%).

Tuy nhiên, tình hình nông nghiệp, nông dân và nông thôn của Bình Dương còn nhiều vấn đề cần được quan tâm. Hội viên nông dân còn nhiều tâm tư, vướng mắc cần sớm được tháo gỡ. “Đó là liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị; sản xuất theo tín hiệu thị trường; khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi số trong nông nghiệp”, ông Huy nói.

cu-lao-bach-dang-xa-bach-dang-tp-tan-uyen-tinh-binh-duong-duoc-phu-sa-song-dong-nai-boi-dap-da-tro-thanh-vung-chuyen-canh-cay-buoi-va-la-diem-du-lich-8673.jpg
Cù lao Bạch Đằng (xã Bạch Đằng, TP Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) được phù sa sông Đồng Nai bồi đắp đã trở thành vùng chuyên canh cây bưởi và là điểm du lịch

Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách để nông dân phát triển sản xuất, đẩy mạnh chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Ngoài nông nghiệp hữu cơ, Bình Dương xác định đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch tại 4 huyện phía Bắc.

Trọng tâm của các chính sách này nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh, hội nhập quốc tế, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững. Và để phát huy nội lực, lợi thế của tỉnh, cần đẩy mạnh phong trào nông dân, phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững, các đơn vị, địa phương cần rà soát lại những chính sách liên quan để tiếp tục tham mưu xây dựng thêm chính sách, cơ chế đặc thù của Bình Dương có liên quan trực tiếp đến nông dân.

Tin cùng chuyên mục