Chi tiêu cho hàng tiêu dùng tăng mạnh
Theo kết quả khảo sát về thị trường hàng tiêu dùng vừa được công bố bởi Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, chi tiêu cho ngành hàng tiêu dùng nhanh tăng đột biến trong quý đầu tiên năm nay, đạt mức tăng trưởng 2 con số. 4 nhóm hàng hóa tiêu thụ mạnh là nhu yếu phẩm, thực phẩm tiện lợi, sản phẩm tăng cường sức khỏe và vệ sinh, cho thấy mức độ ưu tiên của người tiêu dùng hiện đang nghiêng về các ngành hàng thiết yếu cho việc chống dịch. Bên cạnh các sản phẩm tốt cho sức khỏe, đảm bảo vệ sinh và an toàn, sự tăng trưởng của các mặt hàng như gia vị nấu ăn, đồ ăn nhẹ, hay các sản phẩm ăn giữa buổi là minh chứng cho những thói quen mới hình thành khi ở nhà nhiều hơn.
Những thay đổi của thị trường đã tạo ra cơ hội lớn cho cả các nhà bán lẻ lẫn DN sản xuất tiêu dùng. Theo đó, nhà bán lẻ truyền thống như Saigon Co.op, Big C, Mega Market… đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng trong khoảng thời gian trước khi thực hiện lệnh giãn cách xã hội. Thậm chí sau thời gian cách ly xã hội, doanh số của các nhà bán lẻ vẫn đạt mức khả quan. Ghi nhận của Saigon Co.op cho thấy, chỉ riêng trong dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, trái với sự lo ngại doanh thu bán lẻ sẽ giảm, doanh số của hệ thống siêu thị này đã tăng trung bình hơn 30% so với thời điểm trước khi cách ly xã hội. Những mặt hàng được người dân lựa chọn chủ yếu là thủy hải sản, các loại thịt gia cầm, rau củ quả, nước giải khát, kem chống nắng, khẩu trang và các sản phẩm nhà bếp có khuyến mãi giảm giá mạnh. Các mặt hàng hải sản cao cấp như cua, tôm nhập khẩu và tôm hùm xanh trong nước bị cháy hàng tại một số siêu thị. Riêng các loại thịt gà, thịt bò, tôm, cá, mực, hải sản, một số mặt hàng đông lạnh và các loại rau lá, sức mua cũng tăng gấp đôi trong giai đoạn này.
Việc doanh số bán ra của các nhà bán lẻ tăng mạnh, tập trung vào hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng đã phần nào phản ánh bức tranh tiêu dùng của người Việt trong các tháng đầu năm nay, và mở ra cơ hội cho những nhà sản xuất hàng tiêu dùng. Thực tế với các DN sản xuất hàng tiêu dùng, kể từ sau tết tới nay luôn ghi nhận đơn hàng tăng ở mức trung bình 20%-40% so với trước đây.
Tìm được nhiều cơ hội
Theo giới chuyên gia, ở thời điểm hiện tại, việc Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh đã tạo sự tin tưởng cho DN, giúp họ sẵn sàng tâm thế mới để gia tăng sản xuất, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Và, ngành chế biến thực phẩm đang làm rất tốt khi bắt kịp xu hướng tiêu dùng của người Việt. Sở Công thương TPHCM cho biết, ngành chế biến lương thực thực phẩm chiếm tỷ trọng 27% trong 4 ngành trọng điểm ưu tiên của thành phố. Do đó, việc tăng tốc sản xuất, tăng doanh thu trong thời điểm hậu dịch bệnh cũng góp phần quan trọng vào việc hạn chế đà suy giảm của ngành công nghiệp do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Hiện tại thành phố đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ DN đầu tư phát triển sản xuất, kết nối ngân hàng và DN, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại ngành thực phẩm trong và ngoài nước. Hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối với hơn 2.300 cửa hàng tiện lợi, tăng gần 5.000 điểm bán bình ổn thị trường mặt hàng lương thực thực phẩm. Đặc biệt, thành phố đã đưa nhóm sản phẩm thực phẩm và đồ uống vào danh mục nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực của TPHCM, đồng thời triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển ngành.
Ông Phạm Thanh Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ba Huân, thông tin công ty đã hoàn chỉnh chuỗi an toàn vệ sinh thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn, với nhà máy xử lý trứng gia cầm quy mô 2ha, công suất 185.000 trứng/giờ tại TPHCM; đồng thời cho ra mắt các dòng sản phẩm mới hợp thời, hợp xu hướng với thị hiếu của người tiêu dùng.
Có thể thấy, dù dịch bệnh đang tàn phá nhiều ngành sản xuất nhưng ngành hàng tiêu dùng, cụ thể là thực phẩm, vẫn đang tìm được cơ hội và từng ngày có những thay đổi kịp thời để đáp ứng các xu hướng của người Việt.
Theo ông Lưu Huỳnh, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Meizan, từ tháng 2 tới nay, công ty duy trì mức tăng khoảng 30%-40% tổng sản lượng so với cùng kỳ năm ngoái và dự báo sẽ giữ đà tăng này cho đến hết năm 2020. Acecook Việt Nam cũng cho biết DN sản xuất hơn 450.000 thùng mì/ngày, tăng 50% so với cùng kỳ, doanh thu tăng 150%. Các DN hàng tiêu dùng khác như Vissan, Tường An, Saigon Food… cũng ghi nhận mức bán ra tăng mạnh đối với các ngành hàng thực phẩm chế biến, có hạn sử dụng dài ngày. |