
Dư luận đang rất quan tâm tới việc thu thuế thu nhập cá nhân, đặc biệt là của giới nghệ sĩ. Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Ninh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, đã trao đổi với PV Báo SGGP.
- PV: Thuế thu nhập của các ca sĩ, nghệ sĩ đang được dư luận rất quan tâm,nhưng xem ra Tổng cục Thuế vẫn giữ thái độ im lặng?
- Ông Nguyễn Văn Ninh: Tổng cục Thuế không im lặng! Bằng chứng là hiện nay có nhiều ca sĩ đã đến đăng ký kê khai nộp thuế. Nhiều tổ chức biểu diễn cũng đã đến thông tin cho biết các chương trình biểu diễn của các ca sĩ và họ khấu trừ một khoản tiền từ cát-xê. Thực tế đã có nhiều ca sĩ như Mỹ Linh, Đan Trường, Quý Dương... cũng đã ý thức được điều này và họ đã đến đăng ký kê khai.

Ông Nguyễn Văn Ninh.
- Nhưng nhiều ca sĩ cho biết, họ không nhớ nổi thu nhập của họ trong năm 2004 là bao nhiêu. Ý kiến của riêng ông về việc này?
- Thực ra nhớ hay không nhớ đó là do ca sĩ nói thế, còn nơi chi trả thì vẫn giữ lại hóa đơn, chứng từ. Do vậy, việc kê khai thu nhập sẽ không phải là chuyện đáng bàn. Tôi nghĩ, các nghệ sĩ đã nổi tiếng về lĩnh vực nghệ thuật rồi thì họ cũng cần phải nổi tiếng về việc... nộp thuế nữa!
- Tổng cục Thuế đang tổ chức các đoàn cán bộ đến các đơn vị tuyên truyền về thuế TNCN, theo ông, đây có phải là một “cú hích” của Tổng cục Thuế về vấn đề này?
- Theo tôi, đây không hẳn là một “cú hích” mà là việc phải làm tốt hơn, mạnh hơn, bởi từ trước đến nay, ta làm việc này chưa thật tốt, nhất là khâu tuyên truyền. Mỗi người đều hiểu rõ, nâng cao tính tuân thủ, tự nguyện nộp thuế TNCN chứ không nên hiểu đó là sự thúc ép. Việc nhiều người chưa nộp thuế là do thiếu hiểu biết chứ không phải họ chống lại nghĩa vụ, điều này không chỉ đối với những người có trình độ thấp mà ngay cả với những người có trình độ cao như các nghệ sĩ, ca sĩ, vận động viên... Đối với những người đã được tuyên truyền rồi mà vẫn không chịu nộp thuế thì bắt buộc phải xử lý bằng pháp luật, phải bị đưa lên các phương tiện truyền thông đại chúng.
Từ năm 2005, chúng tôi sẽ làm mạnh hơn, kỹ càng hơn như việc gửi các bản hướng dẫn đến từng cá nhân có thu nhập, thông tin đến từng đơn vị tổ chức các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thể dục thể thao, các đơn vị tổ chức luyện thi... để họ nắm rõ chính sách và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, giúp cơ quan thuế khấu trừ từ các khoản chi trả...
- Thưa ông, có ý kiến rằng, việc khó thu thuế thu nhập cá nhân cũng có lý do là do các quy định của pháp luật chưa hoàn chỉnh. Vậy, tiến trình xây dựng luật thuế thu nhập cá nhân đã làm được tới đâu?
- Luật thuế thu nhập cá nhân là luật lớn và phức tạp vì diện điều chỉnh nhiều, có thể lên tới chục triệu đối tượng nộp thuế. Hơn nữa, loại thuế này lại đánh trực tiếp vào thu nhập của người lao động và động chạm đến quyền lợi của quảng đại người lao động nên việc xây dựng luật đòi hỏi thời gian. Người lao động ở nước nào cũng phức tạp, không chỉ có những đối tượng làm công chức mà còn có các đối tượng làm nghề tự do như ca sĩ, nghệ sĩ, diễn viên, bác sĩ tư... nên xác định thu nhập của họ rất phức tạp. Do vậy, kiểm soát thu nhập của doanh nghiệp còn dễ hơn kiểm soát thu nhập của cá nhân. Bởi doanh nghiệp vẫn thanh toán chi trả nhiều qua ngân hàng tín dụng còn cá nhân thường thanh toán bằng tiền mặt nên đây là thách thức lớn của Luật thuế TNCN.
- Hiện nay, có phải Chính phủ đang dự kiến sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng luật thuế lên sớm hơn, thưa ông?
- Về mặt xã hội có thể thấy mặt bằng thu nhập của Việt Nam chưa cao nên việc đưa luật ra thời điểm nào thì cũng cần phải cân nhắc kỹ. Trong chiến lược của Chính phủ trong các năm tới, chắc chắn luật này sẽ phải xây dựng, trình và thực hiện. Ban soạn thảo đang nghiên cứu rất kỹ để có thể đến cuối năm 2007, có thể trình xin ý kiến và dự kiến, cuối năm 2008, sẽ tổ chức thực hiện.
- Xin cảm ơn ông.
HOÀNG KHUYÊN
Tiến sĩ - Luật sư Phan Đăng Thanh (Đoàn Luật sư TPHCM): |