Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các thành viên Chính phủ trước Quốc hội (QH) đã bắt đầu vào sáng qua, 23-11. Với 24 câu hỏi chất vấn, trong đó có 4 đại biểu chất vấn 2 lần, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn, đã được yêu cầu làm rõ các vấn đề liên quan đến tai nạn, ùn tắc giao thông; chất lượng thi công và tiến độ các công trình giao thông trong điều kiện phải tiết giảm chi tiêu công.
Chiều cùng ngày, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã trả lời chất vấn về chính sách, giải pháp đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt; biện pháp đảm bảo giữ được 3,8 triệu ha đất lúa, các biện pháp bảo vệ rừng… 4 vị bộ trưởng Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư cũng đã lần lượt được mời giải trình thêm nhiều vấn đề.
Tai nạn giao thông: sẽ phấn đấu giảm 5%-10%/năm từ năm 2012
Thừa nhận mức độ nghiêm trọng của tình hình tai nạn giao thông hiện nay và coi đây là hệ quả của rất nhiều yếu tố, từ cơ sở hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ đến quản lý nhà nước còn bất cập, ý thức người tham gia giao thông chưa cao, song Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định, nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là hiệu quả quản lý nhà nước còn yếu kém. Đây được coi là khâu đột phá quan trọng sẽ được vị Tư lệnh ngành quan tâm chỉ đạo sâu sát.
Chưa hài lòng với “giải pháp chung chung”, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) chất vấn lại lần thứ 2: “Bộ trưởng có thể cam kết trong mấy năm thì giảm được tai nạn, ùn tắc”? Đây cũng là vấn đề được Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đặt ra. Ông Nghĩa “đòi” quyền phát biểu hết 2 phút và kết luận bằng chất vấn: “Đề nghị Bộ trưởng phối hợp với Bộ Công an đưa ra chỉ tiêu cụ thể về vấn đề này để cử tri theo dõi, giám sát”?
Đáp lời, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, Chính phủ đã xác định mục tiêu kể từ năm 2012 mỗi năm giảm 5%-10% số vụ tai nạn giao thông. Trước mắt, năm 2012 được ngành giao thông lựa chọn là năm An toàn giao thông. Bộ trưởng Đinh La Thăng chia sẻ thêm: “Khó có thể nói được bao giờ thì hết được tình trạng tai nạn, ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn, đó là vấn nạn song hành cùng với quá trình phát triển, cần có nhiều giải pháp đồng bộ. Nhưng Bộ Giao thông Vận tải sẽ không ngồi đợi mà làm được gì thì sẽ làm ngay, làm kiên quyết”.
Tư lệnh ngành giao thông cũng kêu gọi toàn hệ thống chính trị và mọi người dân tham gia giao thông cùng chung sức thực hiện mục tiêu này.
Khắc phục tình trạng công trình làm chậm, hỏng nhanh
Một thực tế được nhiều đại biểu như ông Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), bà Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh)… phản ánh là chất lượng một số công trình giao thông kém, tiến độ thi công chậm góp phần gây ùn tắc, tai nạn giao thông. Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) phê bình một cách hình ảnh: “Công trình làm chậm, hỏng nhanh, trách nhiệm loanh quanh, hậu quả người dân gánh”.
Bộ trưởng Đinh La Thăng thừa nhận, bên cạnh nguyên nhân khách quan là phải thắt chặt chi tiêu ngân sách, dẫn đến tình trạng một số công trình thiếu vốn nên không đảm bảo tiến độ thi công, còn có những nguyên nhân chủ quan liên quan đến chất lượng ban quản lý dự án, chất lượng nhà thầu.
“Không loại trừ có tình trạng bán thầu, thậm chí tiêu cực như đại biểu đã nêu. Thời gian tới, Bộ sẽ tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động của các ban quản lý, các đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và các nhà thầu. Đơn vị nào có sai phạm sẽ xử lý thích đáng, sai phạm nặng thì kiên quyết thay thế”, ông Thăng nói.
Một động thái được ông nêu ra để dẫn chứng cho quyết tâm này là việc đình chỉ công tác đối với Giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc TPHCM – Trung Lương để làm rõ trách nhiệm.
Bộ trưởng cho biết, sau khi nhận được thông tin về chất lượng kém của công trình này, sáng Chủ nhật vừa rồi ông đã vào tận nơi kiểm tra và xác nhận nhiều đoạn đường không đảm bảo. Ngoài việc đình chỉ công tác của Giám đốc Ban quản lý dự án, Bộ đã yêu cầu nhà thầu thi công phải khẩn trương khắc phục và phải chịu mọi chi phí.
Là một trong 4 đại biểu đăng ký chất vấn tới 2 lần, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) kiên trì yêu cầu Bộ trưởng cho biết về tuổi thọ công trình gắn với suất đầu tư một cách cụ thể. Mặc dù cho rằng vấn đề này còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như điều kiện sử dụng, tải lượng, điều kiện thời tiết… và cho đến nay chưa có văn bản nào quy định; song tiếp thu ý kiến đại biểu, Bộ trưởng hứa sẽ chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng tiêu chuẩn theo hướng này để cử tri có thể giám sát, kiểm tra.
Nhiều vấn đề khác như định hướng quy hoạch đầu tư mạng lưới đường sắt, kiểm định chất lượng các cơ sở đào tạo lái xe, xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu bia; minh bạch hóa thu – chi quỹ bảo trì đường bộ cũng đã được Bộ trưởng Đinh La Thăng thẳng thắn trao đổi với các đại biểu.
Bộ trưởng Thăng cho biết, việc thu phí bảo trì đường bộ sẽ được thu trực tiếp trên đầu phương tiện, vì thế không có chuyện tùy tiện sử dụng tiền thuế của người dân vào mục đích duy tu, sửa chữa đường bộ.
- Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát: Sản xuất lớn thực sự là bài toán khó
Liên quan đến câu hỏi của nhiều đại biểu về đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn - Bộ trưởng Cao Đức Phát và sau đó là Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đều khẳng định, trong những năm qua, tổng chi và tỷ lệ chi ngân sách cho nông nghiệp, nông thôn hàng năm đều tăng so với các năm, năm 2010 là 39,3%, 2011: 38,9% và 2012 là 40,9% tổng chi ngân sách nhà nước.
Trả lời đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TPHCM) về tích tụ ruộng đất để có thể sản xuất sản phẩm nông nghiệp quy mô lớn, áp dụng công nghệ hiện đại, bộ trưởng cho biết, Việt Nam có 13,5 triệu hộ nông dân và hàng chục triệu mảnh ruộng nhỏ, do đó sản xuất quy mô lớn thực sự là bài toán khó. Tuy nhiên, chúng ta cũng đã có những vùng sản xuất quy mô lớn, cả với trồng trọt và chăn nuôi. Chính phủ đã có nhiều giải pháp hướng dẫn nông dân góp ruộng, sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ thông qua việc đầu tư xây dựng công trình thủy lợi và hỗ trợ trực tiếp cho một số loại cây trồng…
Phát biểu sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang bổ sung giải pháp tích tụ ruộng thông qua chuyển nhượng, thuê đất. “Doanh nghiệp nên chú trọng giải pháp thuê đất của hộ gia đình, sau đó sử dụng chính những lao động đó làm việc cho doanh nghiệp”, ông gợi ý.
Về việc dạy nghề cho nông dân, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đặt vấn đề: Trong lĩnh vực này hiện đang có 4 không: không đúng (tiền đem xây dựng trung tâm rồi không mấy ai đến học); không trúng (dạy ít nghề, kiến thức cũ), không cao, không mạnh (chưa huy động nhiều nhà khoa học, chuyên môn). Bộ trưởng có hướng xử lý như thế nào”? Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, tuy cũng còn rất nhiều việc phải làm, phải đổi mới, nhưng chắc cũng không đến nỗi 4 “không”, dù tôi hiểu rằng đại biểu muốn dùng cách nói khái quát hóa đó để nhắc nhở chúng tôi cố gắng hơn nữa”, tư lệnh ngành nông nghiệp điềm đạm giải thích.
Cùng đó, Bộ trưởng Cao Đức Phát và Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đã giải đáp chất vấn của nhiều đại biểu QH về việc nâng cao tính cạnh tranh cho nông sản Việt Nam và xây dựng hàng rào kỹ thuật để ngăn chặn những nông sản kém chất lượng “chảy” vào nước ta, vấn đề ngăn chặn sự lạm dụng hóa chất trong các hoạt động nông nghiệp; quản lý giá và thị phần thức ăn gia súc để đảm bảo quyền lợi cho người nông dân...
Đại biểu Dương Trung Quốc thêm một lần nữa làm nóng nghị trường với cách nói đầy hình ảnh “mượn voi về dạy sử”, khi ông lên tiếng cảnh báo về sự mất mát tài nguyên rừng. Ông nói: “Sau sự ra đi của con tê giác duy nhất còn lại, tới đây sẽ là voi. Và nếu quản lý rừng yếu kém như thế này thì tôi e mai đây chúng ta sẽ phải mượn voi từ nước bạn về để dạy bài học về Hai Bà Trưng cưỡi voi đánh giặc”.
Cũng trong nhóm vấn đề này, các đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam), Huỳnh Thành Đạt (TPHCM), Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) cùng bày tỏ lo ngại về những ảnh hưởng nghiêm trọng của lũ lụt, biến đổi khí hậu… đến đời sống của nhân dân, đặc biệt là ở những khu vực nông thôn và muốn được biết rõ những đối sách của Chính phủ.
| |
ANH PHƯƠNG