Ngày tết, gặp người sưu tầm gốm sứ Nhật Bản nhiều nhất tỉnh Quảng Ngãi

Sau nhiều năm nghiên cứu, sưu tầm, ông Nguyễn Ninh (phường Lê Hồng Phong, TP Quảng Ngãi) hiện đang sở hữu hàng ngàn bộ gốm sứ Nhật Bản đa dạng các loại, kiểu dáng, phong cách khác nhau, trong số đó, nhiều đồ gốm Nhật Bản có tuổi đời đến hàng trăm năm.

Ngày tết, thưởng thức hương trà từ bộ ấm trà Fukugawa Nhật Bản và nghe ông Ninh chia sẻ về gốm sứ Nhật Bản mới thấy nét độc đáo, hấp dẫn, đặc sắc của xứ sở Phù Tang.

ninh-gom-su-duoc-chon-3-3770.jpg
Ông Nguyễn Ninh (phường Lê Hồng Phong, TP Quảng Ngãi) hiện đang sở hữu hàng nghìn bộ gốm sứ Nhật Bản. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Khoảnh khắc ông Ninh “bén duyên” với gốm sứ Nhật Bản bắt đầu từ 10 năm trước, trong một lần, ông thấy bộ ấm trà Fukugawa Nhật Bản của người cha để lại chỉ còn một cái bình, ông muốn sưu tầm thêm mấy cái ly để đủ bộ. Cũng chính từ những lần tìm kiếm, ông Ninh bắt gặp “muôn hình muôn vẻ”, đa dạng màu sắc của đồ gốm sứ Nhật Bản và rồi say mê với gốm lúc nào không biết.

Ông Ninh cho biết: “Tôi có cơ hội đi nhiều nơi, tiếp xúc và học hỏi về các dòng gốm Nhật. Chỉ 10 năm, tôi đã sưu tầm rất nhiều đồ gốm sứ khác nhau như bình hoa, chén, bát, ấm trà, đĩa treo tường,… trong đó có những đồ gốm sứ đặc biệt, gốm hiện tại, gốm cổ xưa cũng có”.

Giờ đây, ông Ninh là người sưu tầm gốm sứ Nhật Bản nhiều nhất tỉnh Quảng Ngãi với hơn 1.000 bộ gốm sứ đa dạng kiểu dáng, phong cách.

ong-ninh-gom-su-nhat-4-1-of-1-1416.jpg
Một đĩa gốm sứ Nhật Bản với hình ảnh hoa và khổng tước. Ảnh: NGUYỄN TRANG
ong-ninh-gom-su-nhat-8-1-of-1-561.jpg
Bộ sưu tập ấm trà, ly các loại đồ gốm Kutani với các đặc trưng màu đỏ và trang trí họa tiết. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Nghệ thuật gốm sứ Nhật Bản được đánh giá là một trong những nghệ thuật gốm sứ tinh xảo nhất thế giới, thể hiện triết lý sống wabi sabi, vẻ đẹp của sự đơn giản, không hoàn hảo, đôi khi phảng phất vẻ đẹp hao mòn tự nhiên.

Ông Ninh sở hữu bộ sưu tập ấm trà, ly các loại của gốm Mokubei, là một trong những mẫu truyền thống đại diện cho đồ gốm Kutani. Gốm Mokubei được tạo từ một thợ gốm đến từ Kyoto là Aoki Mokubei, người thợ muốn hồi sinh đồ gốm Kutani khoảng 100 năm sau khi ngừng sản xuất. Ông cho biết: “Màu sắc chủ đạo của gốm này là màu đỏ, sau đó người thợ vẽ người, đồ vật, hoa lá bằng các màu xanh, vàng, tím,…”

Ông Ninh cũng có một số bộ ấm chén là gốm Hagiyaki, một dòng gốm cổ của vùng Hagi, ông chia sẻ, chất liệu gốm của vùng Hagi mịn và nó chuyển màu theo thời gian sử dụng, mỗi bộ ấm chén của gốm Hagiyaki đều có chữ ký các nghệ nhân, đây được xem là “tính độc bản”.

ninh-gom-su-duoc-chon-2-2841.jpg
Một tủ trưng bày gốm trong phòng khách, còn lại toàn bộ căn nhà của ông Ninh đều là nơi cất giữ, sưu tầm gốm sứ Nhật Bản. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Ông Ninh cho biết: “Từ khi sưu tầm gốm sứ Nhật Bản, tôi cũng bắt đầu tìm hiểu bằng cách hỏi những người sưu tầm gốm khác, tìm hiểu trên mạng, các trang chuyên về các dòng gốm. Tôi đọc để hiểu về nguồn gốc, xuất xứ, họa tiết cơ bản, hoa văn và lịch sử từng dòng gốm. Một số gốm Nhật Bản sẽ khắc chữ Nhật hoặc triện, con dấu này ngay dưới đáy sản phẩm. Mỗi nghệ nhân đều có chữ ký riêng biệt. Thông qua gốm, nghệ nhân gửi gắm thông điệp về Chân-Thiện-Mỹ đồng thời khắc họa điển cổ điển tích, văn hóa xứ Phù Tang”.

Các lò nung chính ở Nhật Bản thường tập trung vào tính chất đất sét đặc trưng địa phương đó, hiện nay có 6 lò nung chính ở Nhật là Bizen (Okama), Shigaraki (Shiga), Seto (Aichi), Echizen (Fukui), Tamba (Hyogo), Tokoname (Aichi), một số có niên đại từ thế kỷ XII và nhiều đồ gốm khác.

Ông Ninh cho biết: “Hiện nay còn một số đồ gốm như Arita còn sản xuất, chủ yếu đồ gốm sứ nhà khách và nhà bếp; còn đồ gốm Tokoname có đặc điểm gần với đất sét, người thợ lọc, lấy tinh đất sét, không pha tạp chất và cũng còn sản xuất; riêng gốm Setsuma điển hình mà ta thường tiếp xúc nhất là đồ đất nung màu vàng, trang trí họa tiết đến nay vẫn còn sản xuất nhưng ít hơn và giá trị không bằng ngày xưa”.

ong-ninh-gom-su-nhat-6-1-of-1-255.jpg
Hình ảnh rồng trong văn hóa Nhật Bản được trang trí trên đồ gốm sứ. Ảnh: NGUYỄN TRANG
ong-ninh-gom-su-nhat-3-1-of-1-9067.jpg
Một tủ đồ gốm sứ các loại trong phòng khách của ông Ninh. Ảnh: NGUYỄN TRANG

Gốm Setsuma được dùng trong hoàng gia Nhật Bản với các họa tiết chính là rồng, khổng tước, hoa mẫu đơn. Ông Ninh cho biết: “Rồng trong gốm Nhật Bản chỉ có 3 móng, có ý nghĩa đại diện sức mạnh, chính nghĩa và thường vẽ đồ dùng cho hoàng gia Nhật Bản. Tương tự như khổng tước và hoa mẫu đơn thể hiện vẻ đẹp quyền quý và sang trọng”. Đồng thời, trong 12 con giáp truyền thống của người Nhật thì có 3 con giáp khác với người Việt là con thỏ thay con mèo, con bò thay con trâu, con cừu thay con dê.

Gốm sứ có một sức hút kỳ lạ với nét mộc mạc, trang trọng và thanh tao, nghệ thuật tạo hình và trang trí trên gốm thể hiện thăng trầm, biến cố thời gian. Dù là dòng gốm nào thì người ta đều dựa vào 4 tiêu chí “Nhất dáng, nhì xương, tam men, tứ trí” để nói về nghệ thuật làm gốm…

Tin cùng chuyên mục