Ngõ xóm rộn ràng, những nụ cười rạng rỡ. Xe vừa dừng lại trong sân nhà, cửa mở, mấy đứa cháu, đứa nào cũng chỉ nhỉnh hơn con gái tôi một chút, ríu rít xúm lại. “Cô ơi để cháu bế em nhé”. “Em có mệt không?”. Con gái tôi liền sà ngay vào vòng tay yêu thương của những người anh người chị còn lạ mặt. Đây là lần đầu tiên tôi cho con về quê ngoại ăn tết.
Căn nhà tuổi thơ của tôi đã có thay đổi đáng kể. Biết tin cháu ngoại về chơi, bố mẹ tôi dành hơn một tháng để sửa sang nhà cửa. Những bức tường ẩm mốc do bị nứt và ngấm nước mưa được sơn mới hoàn toàn, khoác lên màu vàng ấm áp. Bố mẹ xây thêm một khu nhà kho ở bên phải. Nhưng ngạc nhiên nhất là toàn bộ sân vườn nền bê tông trơn trượt đã được lát lại bằng gạch hoa màu xanh xám. Bố tôi bảo cho cháu có chỗ chạy nhảy sạch sẽ và an toàn.
Buổi sớm tỉnh giấc, tôi lắng tai nghe tiếng gà trống gáy sáng, tiếng chim lích chích đầu hồi. Mặc thêm áo ấm, đội mũ len, tôi khoan khoái bước ra cửa, hít hà không khí trong trẻo rất riêng nơi làng quê. Mặt trời mới nhô lên he hé ở phía chân trời đằng đông, sương sớm vẫn còn bảng lảng. Khoảnh khắc bình yên đến dịu ngọt. Vài người ngang qua cổng thấy tôi liền dừng lại hỏi han. Trở về với gia đình và tình làng nghĩa xóm nồng đượm, lòng tôi nhẹ bẫng, tạm quên đi những bộn bề của guồng quay cơm áo gạo tiền.
Tôi nhẩn nha ngắm nghía những chậu cây bố trồng. Mọi năm bố tôi kỳ công chăm chút, nên vào dịp tết, hoa nở rực rỡ khắp sân. Dạ ngọc minh châu trĩu trịt trắng cành. Hồng Sapa, hồng Pháp, hồng cổ đủ màu vui mắt. Nhài Nhật dập dìu như những cánh bướm. Hoa mộc tỏa vào trong gió mùi thơm nức nở chẳng kém gì nước hoa thượng hạng. Năm nay dành hết tâm trí sửa nhà nên bố tôi không có thời gian chăm cây, những bông hoa thưa thớt và kém sắc hơn hẳn. Đến cả đào và quất bố cũng không mua như mọi năm. Nhà tôi ăn tết cực kỳ đơn giản nhưng tôi thấy bố mẹ vui vẻ hơn. Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh bố đứng ở giữa sân, chăm chú nhìn con gái tôi chơi đùa với các bạn trong xóm. Bố tủm tỉm cười, nét mặt nhẹ nhõm bình an và có lúc ngẫu hứng hòa theo cuộc vui cùng tụi con trẻ. Nụ cười của cháu và niềm vui đoàn viên với bố mẹ tôi đã đẹp hơn bất cứ một đóa hoa nào trong ngày tết.
Mẹ tôi tất bật nấu nướng và nói nhất định phải gói bánh chưng để cho cháu hiểu thêm về những giá trị cổ truyền của dân tộc. Sáng sớm, mẹ bận rộn đi chợ, rồi về chuẩn bị nguyên liệu. Tôi phụ mẹ rửa và gấp lá bánh như những ngày còn thơ ấu. Trước khi về nghỉ tết một tháng, tôi đã đọc cho con nghe các câu chuyện, các bài thơ về tết để con hiểu phần nào. Nghe nói bà sẽ gói bánh chưng thì con reo lên thích thú lắm.
Buổi tối sau khi ăn xong, trước gian nhà kho mới xây, mẹ tôi trải chiếc nia đựng những chiếc lá dong xanh thẫm, một rổ gạo nếp đã ngâm và vo kĩ càng, nồi đậu xanh đã nắm thành các viên tròn tròn, bát thịt lợn ba chỉ cắt miếng dài đã ướp muối, hành và tiêu. Con gái tôi ngồi một bên, hào hứng nhận nhiệm vụ múc gạo đổ vào khuôn. Các cháu hàng xóm sang chơi vừa xem mẹ tôi gói bánh, vừa tíu tít trò chuyện. Niềm vui lấp lánh trong đôi mắt của mẹ thật khó đong đếm được bằng lời. Sương đêm dần buông, cái lạnh thấm tháp vào da thịt nhưng chẳng làm gián đoạn được những phút giây đẹp đẽ ấy. Một mạch nguồn lại được tiếp tục lưu giữ từ thế hệ của mẹ tôi, qua tôi rồi đến con, đến các cháu. Nó sẽ thành kí ức đẹp khắc trong tâm khảm những đứa trẻ về chiếc bánh chưng mang hương vị của lòng biết ơn với trời đất, của lòng thành kính dâng lên ông bà tổ tiên, của sự ấm áp quây quần.
Không khí thân tình, nồng ấm ở quê nhà đã giúp con gái tôi từ nhút nhát trở nên cởi mở hơn hẳn. Tôi đã rất xúc động khi sáng mùng một, con vui vẻ và tự nhiên đứng trước ông bà, cô bác, anh chị hát liên tiếp hai bài. Tràng vỗ tay vang lên không ngớt. Và con gái tôi cười tươi tắn hồn nhiên như một đóa hoa nở bừng trong ngày đầu năm mới.
Chắc hẳn trong nhận thức còn non nớt của bé, ngày tết đã để lại dư vị thật đẹp khi được xúng xính bộ áo dài màu vàng cam, nắm tay ông bà, ba mẹ đi chúc tết họ hàng, làng xóm. Sau này dẫu có đi xa muôn nơi, mỗi dịp Tết đến xuân về, con cũng sẽ có những phút giây lắng lòng lại, giống như tôi, trở về nơi miền quê yêu dấu, dù chỉ trong tâm tưởng. Những kí ức ấy sẽ như những đốm lửa hồng sưởi ấm trái tim, như những dòng nước nhẹ nhàng tưới mát tâm hồn.
PHẠM THỊ NHUNG
TP Thủ Đức, TP.HCM