
Sự phong phú, đa dạng, nhiều màu sắc của thể loại dân ca trong kho tàng âm nhạc dân tộc Việt Nam đã được nhiều nhà nghiên cứu chứng minh. Song trong số đó có những làn điệu phổ biến đến nỗi bất cứ người dân Việt Nam nào trong cuộc đời mình cũng ít nhất một lần từng cất tiếng hát.
Dân ca quan họ Bắc Ninh nổi tiếng trong cả nước cùng với hình ảnh đối đáp của các liền anh, liền chị; dân ca Bắc bộ trở thành lời ru bên cánh võng của các bà, các mẹ, các chị; dân ca Nam bộ ngọt ngào, sâu thẳm; dân ca Trung bộ da diết… Với không ít người dân Việt Nam, những làn điệu dân ca như ăn vào máu thịt. Chắt chiu vốn quý ấy, Trung tâm băng nhạc Trẻ đã thực hiện những bộ VCD dân ca. Không chỉ những bài hát, trong đó khán giả còn tìm thấy những hình ảnh đẹp, yên bình của nhiều làng quê Việt Nam, nơi làn điệu dân ca ngọt ngào sinh ra và lan tỏa…
- “Người ở đừng về” - chuyện tình của người Quan họ…

Quan họ Bắc Ninh từ lâu đã vượt ra khỏi danh giới một địa phương. Nghe quan họ Bắc Ninh không khó, nhưng để hiểu những nét tinh túy trong từng lời ca, tiếng hát thì không phải một sớm một chiều. Thế nhưng chỉ bằng những hình ảnh dung dị, 13 bài dân ca và lời bình được thể hiện dưới dạng một câu chuyện tình, khán giả chợt cảm thấy vô cùng thấm thía.
Câu chuyện bắt đầu bằng hình ảnh một đôi tình nhân đi vãng cảnh chùa, họ bắt gặp một bà cụ gánh hàng rong đang lui cui tìm kiếm một vật gì đó. Món kỷ vật mà đôi tình nhân trẻ tìm được giúp bà cụ đã hé mở một câu chuyện tình của liền anh thị Cầu và liền chị làng Ó ở vùng đất Bắc Ninh xưa. Cứ thế câu chuyện được kể khi thì bằng lời, lúc lại là những làn điệu dân ca.
Buổi gặp gỡ ban đầu, những rung động từ phiên chợ đêm, nỗi nhớ nhung lúc chia xa, niềm hạnh phúc khi ngày hội làng đôi bên có dịp gặp gỡ và tiếp đến lại là sự đau khổ vì không đến được với nhau, được trải dài theo những bài quan họ: Mời trầu, Cây trúc xinh, Tương phùng tương ngộ, Vào chùa, Thân lươn bao quản lấm mình, Người ơi, người ở đừng về, Ngồi tựa song đào, Bạn tình ơi, Còn duyên, Ba vì, Giữa tối đêm rằm, Lên trên cung, Gọi đò. Cách làm độc đáo đó đã khiến những bài hát biến thành truyện, thành thơ và cả thành phim.
Đặc biệt là lời tâm sự của ông lão – chàng trai Thị Cầu xưa kia đã hé mở một bí mật của người quan họ mà không phải ai cũng biết: “Hồi đó có tục lệ rất nghiêm ngặt là liền anh, liền chị kết nghĩa quan họ với nhau tuyệt đối không được lấy nhau. Chính vì vậy mà ngày nay các cháu mới được nghe những khúc hát quan họ thiết tha, sâu lắng, nghĩa tình đến như vậy…”. Hai nghệ sĩ quan họ Thúy Hường và Quang Vinh cùng các diễn viên đoàn quan họ Hà Bắc, Hải Xuân, Lệ Thanh, Quang Hàn, Xuân Cương, Xuân Huynh đã mang đến cho VCD “Người ở đừng về” chất quan họ say đắm nhất.
HOA LAU