Nghệ sĩ điện ảnh lão thành Nguyễn Thế Đoàn nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì

Nghệ sĩ điện ảnh lão thành Nguyễn Thế Đoàn nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì
Nghệ sĩ điện ảnh lão thành Nguyễn Thế Đoàn nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì ảnh 1

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua (bìa trái) trao Huân chương Độc lập hạng Nhì tặng nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn bên giường bệnh. Ảnh: KIM DUNG

(SGGP).- Sáng 6-1, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua đã trao Huân chương Độc lập hạng nhì tặng nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn (đang được điều trị tại Bệnh viện Thống Nhất).

Nghệ sĩ Nguyễn Thế Đoàn tên thật Nguyễn Văn Nghiệp. Cuối năm 1950, Đảng ta chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng lần thứ II, ông và họa sĩ Lê Minh Hiền được điều ra Việt Bắc để quay phim Đại hội Đảng và quay phim về Bác Hồ.

Những thước phim này đã trở thành những tư liệu vô giá về hình ảnh chân thực đời thường của Bác Hồ trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp: Bác Hồ đi thăm dân công, thăm nông dân, cưỡi ngựa đi công tác, tắm suối, dạy võ, lội suối, băng rừng…

Phim và hình ảnh về Bác Hồ đã được mang về miền Nam công chiếu vào năm 1952, gây xúc động mạnh mẽ trong lòng đồng bào Nam bộ. Ra Bắc, ông từng là Trưởng phòng Kỹ thuật của Xưởng phim Tài liệu Trung ương (tiền thân Hãng phim Tài liệu và Khoa học trung ương). Về hưu năm 1976, nhiều năm liền ông vẫn sinh hoạt Câu lạc bộ Điện ảnh người cao tuổi tại TPHCM cùng các nghệ sĩ Khương Mễ, Nguyễn Đảnh, Hồ Tây, An Sơn, Trương Qua…

Kim Ửng


Nhà quay phim lão thành Nguyễn Thế Đoàn

Ai mà không mong sẽ được dự buổi chúc thọ bác Nguyễn Thế Đoàn ở tuổi 100!

Nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn sinh ngày 2-5-1911, tại xã Tân Mỹ, Chợ Mới, An Giang, được kết nạp Đảng ở Phnom Penh – Campuchia ngày 10-6-1930, 98 tuổi đời, 79 năm tuổi Đảng, thủy chung với nền điện ảnh cách mạng, được khai sinh ở bưng biền Nam bộ vào những năm đầu kháng chiến chống thực dân cho đến hôm nay.

Trên thế giới này đâu dễ có những thước phim quay tại mặt trận, có ngay những hình ảnh nóng hổi, chiến thắng rạo rực của chiến trận Trà Vinh, Mộc Hóa… những hoạt động công binh xưởng, những sinh hoạt của đồng bào vùng kháng chiến… Những thước phim quý giá kịp thời ấy có sự đóng góp rất lớn của người thanh niên Nguyễn Thế Đoàn, chuyên lo phần in tráng để giao ngay cho các tổ chức chiếu phim.

Buồng tối tráng phim được đặt trong con thuyền tam bản lưu động trong kênh rạch bưng biền, lách qua nhiều lượt vòng vây của giặc để làm nhiệm vụ. Con thuyền lịch sử điện ảnh có cái tên là Normandie, một vùng biển miền Bắc nước Pháp. Sau ngày giải phóng, anh Nguyễn Thế Đoàn là người lặn lội đi tìm hiện vật này. Năm 1950, đoàn Điện ảnh Nam bộ tháp tùng đồng chí Võ Văn Kiệt ra Việt Bắc tham dự Đại hội Đảng lần II có Nguyễn Thế Đoàn.

Những thước phim vô cùng quý giá ở Đại hội Đảng toàn quốc lần II ở Việt Bắc và đặc biệt là những thước phim anh Nguyễn Thế Đoàn quay những cảnh sinh hoạt của Bác: Bác Hồ luyện võ, chơi bóng chuyền, Bác Hồ với cây sào sau khi tắm ở suối lên… là những thước phim được sử dụng nhiều nhất trong lịch sử làm phim tài liệu nước ta.

Nhà biên kịch Gia Vũ trong một dịp được hội phân công ghi tư liệu về bác Nguyễn Thế Đoàn mới được biết bác Đoàn vẫn đang thắc mắc những thước phim ghi hình ảnh Bác Hồ ăn cơm bằng đũa hai đầu, một cách giữ vệ sinh, được khởi xướng trong toàn quân một thời không biết thất lạc nơi đâu. Chưa đầy nửa tháng sau, anh Gia Vũ đã cho bác Nguyễn Thế Đoàn biết là anh đã trích được tư liệu Bác Hồ ăn cơm bằng đũa hai đầu. Đôi mắt ông ánh lên niềm vui như trẻ thơ, còn nói đùa: “Như vậy chắc tôi còn cầm cự đến 100 tuổi”.

Cũng những ngày ghi hình ảnh tư liệu mà anh em mới lại biết thêm chuyện bác Nguyễn Thế Đoàn là người trực tiếp cùng một số anh em khác cõng hơn 50 hộp phim tư liệu quay về hoạt động Đại hội Đảng lần II tại Việt Bắc sang tận Trung Quốc để in tráng. Máy móc bên nước bạn chỉ cần mấy tiếng đồng hồ là có thể làm xong, nhưng không thể làm được vì chất lượng hình ảnh quá thiếu sáng do khó khăn về kỹ thuật lúc bấy giờ nên anh Nguyễn Thế Đoàn phải thiết kế guồng quay thủ công như anh đã từng làm trên con thuyền mang tên Normandie ở bưng biền Nam bộ. Mất cả 2 tháng trời chăm chút mới giữ được hàng ngàn mét phim tư liệu đó.

Ghi nhận công sức của anh Nguyễn Thế Đoàn đối với sự nghiệp điện ảnh nước nhà, nhóm đại biểu ở phía Nam, trong đó có tôi, cùng NSND Trà Giang, nhà biên kịch Nguyễn Hồ đã đề xuất Nguyễn Thế Đoàn với những thước phim quay tư liệu về Bác Hồ, những thước phim lịch sử để lại cho con cháu đời sau, có hiệu quả sử dụng ở rất nhiều bộ phim tài liệu sau này, rất xứng đáng được nhận Giải thưởng văn học nghệ thuật Hồ Chí Minh.

Như vậy, không phải chúng tôi, mà tất cả anh chị em trong Chi hội “Những người hoạt động điện ảnh lâu năm” đều cảm thấy như còn mắc nợ với người anh cả, một tấm gương suốt đời tận tụy vì nghề nghiệp, vì cách mạng và nhân dân.

Có mẻ phim nào đạt chất lượng, thường người ta chỉ nói đến nhà quay phim, có mấy ai nghĩ đến người điều hành sử dụng kỹ thuật in tráng như Nguyễn Thế Đoàn. Câu hỏi lớn mà người đồng nghiệp chuyên về kỹ thuật cao niên nhất trong chúng ta là tại vì sao mãi đến hôm nay, hễ đến khâu in tráng thu thanh, các đoàn phim cần đảm bảo kỹ thuật lại phải lễ mễ khăn gói ôm phim qua Thái Lan, Hồng Công (Trung Quốc) thuê người ta làm hộ?

HUY THÀNH

Tin cùng chuyên mục