Nghĩa tình ở hẻm nhỏ

Trở lại hẻm 248 Phạm Ngũ Lão (phường 7 quận Gò Vấp, TPHCM) sau gần 1 tuần người dân nơi đây không còn bị cách ly, điều chúng tôi nhìn thấy là hình ảnh nô đùa vui nhộn của trẻ nhỏ và niềm vui hiện hữu trên từng khuôn mặt người dân. 
Ông Phạm Trung Kiên (trái), Chủ tịch UBND phường 7 quận Gò Vấp, đến từng nhà trao giấy chứng nhận hoàn thành thời gian cách ly
Ông Phạm Trung Kiên (trái), Chủ tịch UBND phường 7 quận Gò Vấp, đến từng nhà trao giấy chứng nhận hoàn thành thời gian cách ly

Chống dịch như chống giặc

12 giờ ngày 17-3, sau khi có kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur TPHCM về trường hợp chị N.T.M.P. (28 tuổi, ngụ 248/1/6 Phạm Ngũ Lão, phường 7 quận Gò Vấp) được xác định là bệnh nhân thứ 65 tại Việt Nam nhiễm Covid-19, cả hẻm ai cũng hoang mang.

 Hôm đó, chị N.T.T.T. (chị gái bệnh nhân thứ 65) đang ở nhà. Xe cứu thương với tiếng còi hụ đỗ xịch ngoài đầu hẻm, chị T. và người dân bắt đầu lo lắng. Tất cả mọi người trong hẻm được yêu cầu “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, ai về nhà đó. Xung quanh nhà bệnh nhân thứ 65 trong vòng bán kính 100m, lực lượng chức năng phường 7 phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP tiến hành phun thuốc tiêu trùng, khử độc và dựng rào chắn phong tỏa, cách ly. Thời điểm đó, phường 7 bất đắc dĩ trở thành “điểm nóng”  có nguy cơ nhiễm virus gây bệnh Covid-19 trong khu dân cư của thành phố.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quận Gò Vấp nhanh chóng chỉ đạo phường 7 ra quyết định khoanh vùng, cách ly toàn bộ hẻm 248/1, thời gian phong tỏa 10 ngày, kể từ ngày 17-3. “Ngay lập tức, Đảng ủy phường lãnh đạo, chỉ đạo UBND phường xây dựng phương án chủ động ứng phó, trong đó tập trung công tác tuyên truyền, vận động nhân dân và hỗ trợ người bị cách ly ổn định cuộc sống hàng ngày”, đồng chí Nguyễn Thị Mai Phương, Bí thư Đảng ủy phường 7 quận Gò Vấp, nhớ lại.
Một chốt kiểm soát an ninh được dựng lên ngay đầu hẻm. Lực lượng công an, bảo vệ khu phố và dân quân thường trực được điều đến làm nhiệm vụ tại chốt, chia làm 8 ca/24 giờ. Người dân tự cách ly tại nhà, hạn chế tiếp xúc. Bên cạnh đó, gần 20 y bác sĩ ở trạm y tế phường, cán bộ MTTQ, cựu chiến binh, phụ nữ, đoàn viên thanh niên... chia ra 3 tổ xung kích tự nguyện, mỗi ngày lên thực đơn, vận động nhà hảo tâm, mạnh thường quân hỗ trợ các hộ dân thực phẩm tươi sạch, gạo, mì tôm, thuốc sát khuẩn, đo thân nhiệt 2 lần/ngày… suốt 10 ngày thực hiện cách ly. 

Mỗi người một nhiệm vụ cụ thể, làm việc không kể giờ giấc, nhưng vất vả nhất là lực lượng chức năng tại chốt và đội ngũ y bác sĩ của phường. Họ có nhiệm vụ tập hợp số liệu, sàng lọc các đối tượng, phát hiện trường hợp bất thường, có biểu hiện ho sốt là báo cáo gấp cho Đội phản ứng nhanh của quận kịp thời đưa đi cách ly tập trung. Chủ tịch UBND phường 7 Phạm Trung Kiên phấn khởi nói: “Rất mừng tất cả người dân trong hẻm đều có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2”.

Vun đắp tình làng nghĩa xóm

Từ ngày phường thực hiện công tác cách ly, bà Đỗ Thị Hậu (63 tuổi, ngụ 248/1/11) hôm thì nhận ký thịt heo, bó rau tươi sạch, hôm thì được chiến sĩ dân quân mồ hôi đẫm lưng vác bao gạo do MTTQ, Hội Phụ nữ phường vận động mang vào tận nhà. Bà xúc động bày tỏ: “Các cháu chu đáo quá, bà không biết phải nói cảm ơn như nào cho hết”.

Thực hiện cách ly phòng dịch, nhịp sống của người dân trong hẻm 248 dường như chậm lại, bởi nhà nào cũng “đóng cửa cài then”. Hẻm 248 có cả trăm hộ, hàng ngàn nhân khẩu, riêng hẻm 248/1 nơi phải cách ly (vì có nhà bệnh nhân thứ 65 trong hẻm) có 16 hộ dân, 49 nhân khẩu, hẻm cụt. “Trước đây nhà nào biết nhà đó, vì đa số là người dân lao động, sáng mờ sương đã ra khỏi cửa, chiều tối mịt mới về, ít khi giao tiếp với nhau. Thế rồi, trong thời gian cách ly, ngày nào cũng vậy, tiếng gọi thăm hỏi sáng sớm vẳng ra từ nhà hàng xóm vọng tới, hỏi thăm có khỏe không, làm tôi rất xúc động”, bà Hậu kể. Đáp lại, thực phẩm được phường hỗ trợ nhiều, lại ở một mình, bà Hậu cẩn thận chế biến sạch sẽ, rồi nhờ chiến sĩ dân quân mang qua gửi biếu cho cả hẻm.

Ông Cao Hải Minh (53 tuổi, ngụ 248/1/9) nghề nghiệp chính là giáo viên, nhưng tối 27-3 ông chuẩn bị đầy đủ “đồ nghề” gồm máy ảnh, thẻ nhớ, ống kính… mong thời khắc phường công bố hết thời gian cách ly đến thật nhanh, mà như ông chia sẻ: “Phút đợi chờ quyết định công bố hết thời gian cách ly không khác gì đêm Giao thừa”. Ông kể, khi cổng rào được tháo dỡ, người dân ở hẻm nhảy múa, hò reo, những tràng pháo tay nổ vang trời để mừng cho hẻm 248 trở lại cuộc sống bình thường. Cười thật rổn rảng, ông Minh bảo đây là kỷ niệm không ai mong muốn, nhưng nhờ đợt cách ly này mà để lại trong ông và bà con lối xóm sự quan tâm, sẻ chia cho nhau lúc “tối lửa tắt đèn” để tình làng, nghĩa xóm được vun đắp. Ông Minh bày tỏ: “Tôi và bà con rất cảm ơn các cấp chính quyền, cơ quan, đoàn thể của quận Gò Vấp và phường 7 đã quan tâm, chăm lo cho chúng tôi không thiếu thứ gì, ăn uống đầy đủ. Qua đây, tôi cũng mong người dân chăm lo cho sức khỏe bản thân, thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh để cùng đẩy lùi dịch bệnh”.

Nắm thật chặt tay chị Dương Ngọc Thảo, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường 7 quận Gò Vấp, đôi mắt rưng rưng, bà Hậu xúc động: “10 ngày qua với tôi không dài, nhưng thật sự cảm nhận sâu sắc sự chăm lo chu đáo của các cấp chính quyền từ vật chất tới tinh thần, nhất là cô chủ tịch hội - người luôn có mặt kịp thời mỗi khi dân cần. Tôi sẽ thường xuyên lên phường thăm hỏi, động viên anh em để tri ân họ đã lo cho dân hết mình”.

Tin cùng chuyên mục