Xung quanh thông tin về thần dược kích thích “tăng phọt” cho rau chỉ sau 2 đêm, Bộ NN-PTNT đã chủ trì thực hiện đề tài “Nghiên cứu thành phần hoạt chất, hiệu lực kích thích sinh trưởng và xác định dư lượng của một số chế phẩm kích thích sinh trưởng đang được sử dụng trên rau hiện nay”. Sau hơn 3 tháng triển khai đề tài ở cả 3 miền, ngày 4-6, Bộ NN-PTNT đã có báo cáo kết luận xung quanh việc sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng trên rau.
Tại các điểm thí nghiệm, đã sử dụng 8 loại thuốc điều hòa sinh trưởng, trong danh mục là 7 loại trong đó thuốc có chứa hoạt chất Gibberellic Acid (70,9%), thuốc ngoài danh mục là 1 loại; sử dụng thuốc cho nhiều loại rau với số lần phun 1 – 2 lần/lứa rau. Sau khi được phun các loại thuốc trên, cây rau xà lách bị tác động rõ rệt, tăng chiều cao cây (dài lá), tăng đường kính tán cây, màu sắc lá nhạt dần, cây èo uột từ sau 3 ngày, ra ngồng hoa từ sau 7 ngày phun thuốc kích thích sinh trưởng (KTST) - ở các liều lượng khảo nghiệm và chất lượng rau, tỷ lệ phần trăm thương phẩm giảm nhiều. Thuốc “Tăng phọt 920” và “Viên sủi GA3” (dùng với liều lượng gấp 5 lần trở lên theo khuyến cáo của thuốc cùng hàm lượng hoạt chất trong danh mục) gây hiện tượng dừng, giảm tăng trưởng và lá cây rau sần sùi, quăn queo, biến dạng. Chất lượng rau cải giảm.
Bộ NN-PTNT đã kết luận, không thể sau 2 - 3 ngày phun thuốc KTST từ một cây rau mới gieo hoặc trồng đã cho thu hoạch, hoặc cây rau tăng trưởng gấp 3 - 4 lần so với cây rau đối chứng không phun thuốc KTST. Dư lượng Gibberellic Acid dưới mức dư lượng tối đa cho phép 1 ngày sau phun đối với xà lách, 2 ngày sau phun đối với rau cải nếu dùng thuốc ở liều lượng khuyến cáo.
Dựa trên những kết quả thử nghiệm này, Bộ NN-PTNT đề nghị nông dân không sử dụng thuốc KTST có hoạt chất Gibberellic Acid trên cây rau xà lách; sử dụng thuốc KTST nói riêng và thuốc bảo vệ thực vật nói chung trong danh mục theo đúng khuyến cáo của từng loại thuốc đối với từng loại cây trồng, tuân theo nguyên tắc, quy định thời gian cách ly và cấm sử dụng thuốc “Tăng phọt 920” và “Viên sủi GA3” là 2 loại thuốc KTST ngoài danh mục không được phép buôn bán, sử dụng.
TH.NAM