(SGGP).- Ngày 29-1, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) đã chủ trì hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2015.
Trong năm 2014, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra phức tạp trên các tuyến và địa bàn cả nước. Phổ biến nhất là tình trạng vận chuyển hàng hóa trái phép qua đường mòn, lối mở, sông, kênh biên giới, với thủ đoạn phổ biến là lợi dụng chính sách ưu đãi về thuế, đầu tư với khu kinh tế cửa khẩu, hàng hóa trao đổi qua biên giới, hàng tạm nhập tái xuất, hàng xuất được hoàn thuế VAT... Còn trong nội địa, tình trạng sản xuất, bày bán, tiêu thụ hàng giả, kém chất lượng diễn ra tại hầu hết các tỉnh, thành phố. Qua công tác đấu tranh, chống buôn lậu, các lực lượng chuyên trách đã phát hiện, bắt giữ, thu nộp vào ngân sách Nhà nước hàng chục ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, đáng chú ý là số vụ xử lý hình sự chiếm tỷ lệ rất nhỏ trên tổng số vụ việc vi phạm mà các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ. Các vụ đã khởi tố chủ yếu liên quan đến tội vận chuyển ma túy, hàng cấm. Rất ít vụ khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tội buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, tội trốn thuế.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc đề xuất, muốn chống buôn lậu hiệu quả thì cần phải làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành có liên quan. Năm 2014, số thu ngành hải quan vượt 29.000 tỷ đồng, trong số đó có đóng góp lớn của công tác chống buôn lậu của hải quan với lực lượng công an... Kinh nghiệm của lực lượng hải quan là khi phát hiện buôn lậu đã xử lý nghiêm, công khai, minh bạch trên các phương tiện truyền thông.
Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu những hạn chế, yếu kém cần khắc phục trong công tác phòng chống buôn lậu, nhất là việc một số cấp ủy chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ để chỉ đạo, xử lý công tác này thật sự hiệu quả. Có hiện tượng vì lợi ích cục bộ đã làm ngơ, bao che, trục lợi, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trong năm 2015 đánh mạnh vào các đầu nậu. Cùng với đó, phát động phong trào toàn dân tham gia tố giác buôn lậu. Xử lý tội buôn lậu và gian lận thương mại nghiêm hơn. Hoàn thiện chính sách biên mậu, rà soát lại cơ chế chính sách pháp luật hiện hành để xem xét sửa đổi nếu thấy không hợp lý. “Địa phương nào để xảy ra buôn lậu lớn, lặp đi lặp lại, gây nhức nhối, thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm theo đúng quy định”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu. Cùng với đó, giáo dục tư tưởng chính trị, đi liền với thanh tra, kiểm tra nội bộ các lực lượng chuyên trách chống buôn lậu, không để bị tha hóa, mua chuộc cán bộ tiếp tay cho buôn lậu. Đặc biệt, phải xử lý, nghiêm trị những vụ buôn lậu lớn để làm gương cho đối tượng khác…
LÂM NGUYÊN