“Thả nổi” chất lượng thủy hải sản

Ngộ độc thực phẩm gia tăng

Ngộ độc thực phẩm gia tăng

Với hơn 8 triệu dân, mỗi ngày thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ trên dưới 400 tấn thủy hải sản. Tuy nhiên, việc quản lý chất lượng hải sản tại TPHCM và trên cả nước từ khâu đánh bắt, thu mua phân phối đến tay người tiêu dùng gần như bị... bỏ ngõ. Hậu quả là những vụ ngộ độc trong thời gian gần đây, phần lớn liên quan đến các món ăn chế biến từ thủy hải sản, tăng nhanh.

  • Ngộ độc gia tăng

Tại Công ty Giày da Đức Thành (số 1165 đường Trường Sơn, phường An Phú Đông, quận 12), ngày 22-5-2006, lúc ăn trưa, công nhân phát hiện có vị lạ trong món cá kho. Ngay sau đó, gần 300 công nhân đã phải đi cấp cứu tại nhiều cơ sở y tế trong tình trạng đau bụng, buồn nôn, sốt, nổi mẩn đỏ trên mặt, khó thở, tiêu chảy và tê chân tay. Nhiều công nhân bị ngất xỉu.

Ngộ độc thực phẩm gia tăng ảnh 1

Ở các chợ chiều, thủy hải sản thường có nguy cơ bị tẩm ướp hóa chất. Ảnh: Song Pha

Ông Nguyễn Đức An, Chánh thanh tra Sở Y tế TPHCM cho biết, kết quả xét nghiệm các mẫu thức ăn hôm ấy (bắp cải xào, canh rau má và cá ngừ kho) cho thấy công nhân ngộ độc do cá ngừ không được bảo quản tốt sinh ra độc tố.

Trước đó, tại Trung tâm Y tế huyện Mường Lát (tỉnh Thanh Hóa) đã tiếp nhận trên 20 người bị ngộ độc thực phẩm do ăn phải cá thu mua ở chợ huyện. Nguyên nhân ngộ độc là do chất bảo quản cá gây nên.

Vụ 165 du khách và dân địa phương bị ngộ độc thức ăn vào tối 19-6-2006 tại nhà hàng Trống Cơm thành phố Nha Trang, Viện Hải dương học (tại Nha Trang) có nguyên nhân từ món xúp măng cua và tôm sú hấp dương tính với độc tố thần kinh.

Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, từ năm 2001 - 2005, cả nước đã xảy ra gần 1.000 vụ ngộ độc thực phẩm với hơn 23.000 người mắc phải và 263 người tử vong.

Tuy nhiên, con số thực tế xảy ra trong cộng đồng dân cư còn cao gấp hàng chục lần bởi Việt Nam chưa có hệ thống giám sát và chế độ thông báo đầy đủ. Năm 2005, toàn quốc xảy ra 133 vụ ngộ độc thực phẩm với gần 4.000 người là nạn nhân. Riêng TPHCM, từ năm 2005 đến nay, xảy ra trên 40 vụ với khoảng 3.000 người bị ngộ độc, tăng gần gấp rưỡi so với cùng thời gian trước đó. Trong số các vụ ngộ độc thực phẩm, thì tác nhân gây ngộ độc từ thủy hải sản chiếm tỷ trọng đáng kể.

  • Vô tư tẩm ướp hóa chất

Thủy hải sản là thức ăn ngon, bổ dưỡng, chiếm tỷ trọng lớn trong khẩu phần ăn của người Việt Nam. Nhưng hiện nay, việc quản lý chất lượng thủy hải sản gần như bị thả nổi so với các mặt hàng thực phẩm khác.

Để cho thủy hải sản trông đẹp mắt, người bán không ngần ngại tẩm ướp đủ loại hóa chất vào mà không nghĩ đến sức khỏe người tiêu dùng. hàng thủy hải sản bị “dội” chợ, người bán sẽ tiếp tục ướp thêm hóa chất vào trước khi chuyển ra chợ nhỏ, chợ chiều dọc theo các tuyến đường, khu dân cư lao động, chợ ở khu công nghiệp và một phần khá lớn là tuồn cho bếp ăn tập thể, các công ty kinh doanh suất ăn công nghiệp với giá rẻ.

Ông Phạm Trọng Sê, người có 20 năm trong ngành thủy sản tiết lộ, những người buôn bán thủy hải sản thường thủ sẵn thau nước hòa hàn the và hóa chất tẩy trắng. Mực, tôm, cá dù bị sình, ươn nếu nhúng vào ít phút là lập tức cứng lại như còn… tươi.

Làm thế nào để biết cá bị ướp hóa chất? Anh Sê cho biết, cá ướp phân u rê nhìn thì tươi nhưng mắt cá đỏ lõm vào, mang cá tái xanh do bị chết lâu ngày. Ấn vào thịt cá thấy có độ đàn hồi kém. Với loại cá bị ướp phân u rê lâu ngày, thịt cá kho lên, ăn có cảm giác bồn bột không dai.

Bà H.T.L, chủ một tiệm bán cơm ở phường 11 quận Tân Bình cho biết, do đi chợ thường xuyên bà đã nhiều lần chứng kiến những con mực ươn mềm được người bán hàng cho vào thau hóa chất quậy quậy mấy cái là con mực cứng lại, các râu mực săn quắn. Còn các loại cá thì người bán thường ướp phân u rê để trông tươi hơn là ướp nước đá. Cứ đến hàng cá là mùi phân u rê bốc lên nồng nặc.

Làm sao để ngăn chặn tình trạng lạm dụng hóa chất để trục lợi, bất chấp sức khỏe và sinh mạng của người khác? Câu hỏi này được đặt ra đã lâu mà chưa có lời giải thỏa đáng. 

TRẦN THANH

Tin cùng chuyên mục