Ở tuổi 62, cái tuổi nhiều người đã hưu, được nghỉ ngơi, sum vầy bên con cháu, nhưng bà Võ Thị Nguyệt vẫn phải thức khuya dậy sớm, gắn chặt với chiếc xe máy chạy lo miếng ăn cho cả nhà. Bà kể, tròn 24 năm gắn bó với nghề, niềm vui cũng có nhưng nhọc nhằn cũng nhiều. Cái nghề không quá vất vả nhưng tiếp xúc đủ loại người, đối mặt nhiều nguy hiểm nên phụ nữ ít người làm.
“Hàng ngày, cánh xe ôm tụi tui thay phiên nhau, một tiếng mới được ra đón khách một lần. Ngày nào nhiều, chạy được năm, ba cuốc. Kiếm tầm 150.000 đồng. Ngày ít thì dăm bảy chục, trừ chi phí xăng xe cũng chẳng đáng là bao”, giọng bà nhẹ tênh khi nói về công việc hàng ngày.
Vợ chồng ông bà sinh được 3 người con đều đã lập gia đình, trong đó có cô con gái thôi chồng, đời sống khó khăn, lại nuôi thêm 2 con nên ông bà nhận giúp nuôi cháu. Những cuốc xe ôm của ngoại rau cháo, nuôi cháu qua ngày. Bà kể: “Đời tôi cả chục năm nay không thoát khỏi cảnh vay trả góp. Hiện tại nợ 7 triệu đồng, 5 triệu đồng xin trả đứng (mỗi tháng trả lãi 1 triệu đồng), còn 2 triệu đồng kia mỗi ngày trả góp 80.000 đồng. Không hết nợ được, cứ đến tháng là phải đóng tiền học phí, học thêm cho cháu hơn 1 triệu đồng nên đành đi vay rồi trả dần. Chỉ mong cháu mình được học hành đàng hoàng không phải khổ”.
Cách đây 10 năm, trong một lần chở khách, trên đường về, bà bị tai nạn dập não. Nằm viện suốt cả năm trời tốn hơn 100 triệu đồng. Gia đình phải vay mượn đủ nơi và vay nặng lãi để chữa chạy cho bà. Những tưởng sau vụ ấy, bà bỏ nghề, ai ngờ nỗi lo mưu sinh, cơm áo gạo tiền níu chân bà lại với nghề xe ôm tới giờ… Hoàn cảnh khó khăn, cơ cực là vậy nhưng hàng năm, cứ đến dịp tiếp sức mùa thi, vợ chồng bà lại tình nguyện chở thí sinh tới trường miễn phí. Bà được mời đóng phim, được tặng bằng khen và phong làm hiệp sĩ xe ôm. Vậy mà khi có ai hỏi, bà trả lời nhẹ tênh: “Chuyện có gì đâu mà kể. Tui nghèo thì nghèo thật nhưng giúp được gì cho người ta thì giúp thôi”.
SƠN TRÀ