Ngổn ngang… xe điện

Xe 4 bánh chạy bằng điện đang được thí điểm hoạt động tại TPHCM và 34 tỉnh thành trong cả nước. Tuy nhiên, thực tế hoạt động của loại hình xe điện vẫn còn nhiều vấn đề cần lưu tâm.

chu de.jpg
Người dân quan tâm, tìm hiểu về xe máy điện tại một cửa hàng ở TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Còn nhiều lộn xộn

Theo Bộ GTVT, từ năm 2010-2014, 4 địa phương đầu tiên được phép thí điểm hoạt động xe điện 4 bánh là Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình. Đến cuối năm 2016, Thủ tướng đã cho phép thí điểm hoạt động xe điện 4 bánh trên địa bàn 13 địa phương gồm: Lào Cai, Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, Quảng Nam và TPHCM.

Theo đánh giá của Bộ GTVT, sau thời gian triển khai, các bộ và địa phương thực hiện thí điểm đã ghi nhận xe điện cơ bản đảm bảo an toàn, tạo sự văn minh, thuận tiện trong công tác phục vụ du lịch. Hơn nữa, đây là loại phương tiện giao thông sạch, tiết kiệm nhiên liệu, thân thiện với môi trường. Một trong số những địa phương khai thác loại hình phương tiện này hiệu quả là TP Hà Nội.

Theo đại diện Công ty CP Đồng Xuân (thuộc UBND quận Hoàn Kiếm), dự án đưa xe điện vào khai thác phục vụ du lịch đã triển khai từ tháng 7-2010. Sau gần 14 năm hoạt động, loại hình xe điện đã phục vụ gần 7 triệu lượt khách du lịch tại thủ đô. Ước tính đến hết tháng 12-2023, tổng doanh thu của xe điện đạt trên 150 tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách nhà nước 42,3 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, dự án đã khẳng định được tính hiệu quả trên các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, kết nối giao thông đô thị, bảo vệ môi trường. Từ tuyến đầu tiên phố cổ, hồ Hoàn Kiếm, đầu năm 2024 công ty đã mở thêm tuyến thứ 2 Hoàn Kiếm - Hoàng thành Thăng Long với tổng cộng 40 đầu xe. Sắp tới, công ty dự kiến sẽ mở thêm tuyến hồ Tây.

Bà Hà Thị Minh, Phó Giám đốc Công ty CP Chợ Đồng Xuân, cho biết, với ưu điểm thuận tiện, thông thoáng, không sử dụng cửa nên dễ dàng ngắm cảnh, dịch vụ xe điện thu hút rất đông du khách, nhất là vào các thời điểm như dịp cuối tuần, lễ tết. Tương tự, tại các điểm du lịch như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế…, xe điện cũng rất hút khách.

Tuy nhiên, việc quản lý xe điện chở khách du lịch tại nhiều địa phương cũng đang tồn tại nhiều bất cập. Cụ thể, tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), mật độ xe điện tại khu du lịch Bãi Cháy quá đông, gây cản trở giao thông, nguy cơ mất an toàn giao thông cao. Thông tin từ Sở GTVT Quảng Ninh cho biết, cơ quan chức năng đã kiểm tra, phát hiện nhiều sai phạm trong kinh doanh dịch vụ này, như: hoạt động không đúng lộ trình, nhiều đơn vị chưa kê khai giá theo quy định, nhiều phương tiện chở quá số người quy định, lái xe điện chưa mặc đồng phục và đeo phù hiệu theo quy định.

Tương tự, tại thị xã Sơn Tây (Hà Nội), các cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử lý nhiều trường hợp xe điện đang chở khách chưa gắn biển kiểm soát, lái xe chưa xuất trình được các giấy tờ liên quan, có tình trạng tranh giành khách, việc thu phí giữa các chủ xe không thống nhất. Tại các khu du lịch Tam Chúc (Hà Nam), Đền Hùng (Phú Thọ), Bái Đính (Ninh Bình), Sầm Sơn (Thanh Hóa)… cũng xuất hiện nhiều xe điện không có biển số, tem đăng kiểm, ghế ngồi không có dây đai an toàn và xếp khách quá tải. Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, cả nước đang có hàng ngàn xe điện chưa được đăng ký, đăng kiểm theo quy định.

Đến nay, cả nước có 35 địa phương được Thủ tướng đồng ý thí điểm hoạt động xe 4 bánh chạy bằng điện hoặc động cơ xăng chở khách du lịch trong phạm vi hạn chế. Nếu được Thủ tướng chấp thuận, sắp tới sẽ có thêm các tỉnh Vĩnh Long, Phú Thọ, Bình Thuận, Trà Vinh, Quảng Trị và Hà Nam thí điểm khai thác loại hình phương tiện này.

Luật hóa quản lý xe điện

Theo Bộ GTVT, do loại xe điện 4 bánh chưa được quy định trong Luật Giao thông đường bộ nên việc thực hiện thủ tục đăng ký, cấp biển số, đăng kiểm an toàn kỹ thuật, áp biểu tính các loại thuế, phí cầu đường, biểu tính thu tiền quỹ bảo trì đường bộ… đều khó khăn cho cả cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp.

Trong khi đó, một số địa phương do nhu cầu thực tế về du lịch đã tự tổ chức hoạt động xe điện 4 bánh, dẫn đến tình trạng hoạt động tự phát, không đủ giấy tờ theo quy định để thực hiện đăng ký, đăng kiểm.

W5b.jpg
Xe buýt điện tại khu vực trung tâm TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, loại phương tiện này là “xe chở người 4 bánh có gắn động cơ”, hiện đang được quản lý theo quy định tại Thông tư số 86/2014 của Bộ GTVT.

Cụ thể, xe chạy bằng động cơ, có 2 trục, ít nhất 4 bánh xe, vận tốc thiết kế tối đa 30km/giờ, số chỗ ngồi tối đa không quá 15 chỗ (kể cả người lái). Điều kiện để phương tiện hoạt động chở khách phải có đăng ký, đăng kiểm, bảo hiểm trách nhiệm dân sự, người lái phải có giấy phép lái xe hạng B2 trở lên. Khi tham gia giao thông chỉ được hoạt động trong phạm vi tuyến đường và thời gian nhất định, theo quyết định của UBND cấp tỉnh, phải chấp hành quy tắc giao thông như ô tô dưới 15 chỗ ngồi.

Ông Nguyễn Tô An, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, thông tin, việc quản lý xe điện đang được luật hóa trong dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi). Theo đó, xe điện 4 bánh phải đáp ứng một số tiêu chuẩn của ô tô nói chung như: hệ thống lái, phanh; vô lăng bên trái; đèn chiếu sáng; lốp, gương chiếu hậu; vành, lốp đúng kích cỡ của loại xe; dây đai an toàn, kính chắn gió đạt chuẩn an toàn.

Dự thảo cũng quy định xe điện 4 bánh sử dụng vào mục đích kinh doanh vận tải phải có niên hạn sử dụng như ô tô, chỉ được sử dụng vào mục đích kinh doanh vận tải, dành cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Khi hoạt động, loại xe này phải đáp ứng các điều kiện: có đăng ký, đăng kiểm, trên xe có thiết bị giám sát hành trình và niêm yết tên, điện thoại của đơn vị vận tải; người điều khiển phải có giấy phép lái xe ô tô tương ứng với số người được phép chở.

Ông Uông Việt Dũng, người phát ngôn Bộ GTVT, cho biết, dự kiến, dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vào tháng 5-2024. Nếu được thông qua, luật cũng cần 1 năm nữa mới có hiệu lực. Trong thời gian chờ đợi, Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu các sở GTVT chỉ đạo thanh tra phối hợp lực lượng chức năng trên địa bàn tăng cường kiểm soát, kiểm tra và xử lý các trường hợp xe điện vi phạm các quy định hiện hành.

TPHCM đặt mục tiêu phát triển mạnh xe điện

Bộ GTVT đã có Công văn số 10250/BGTVT-VT ngày 13-10-2020 về việc đồng thuận với đề xuất sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại TP Hà Nội và TPHCM của Tập đoàn Vingroup. Trên cơ sở đó, tháng 3-2021, Sở GTVT TPHCM tham mưu UBND TPHCM chấp thuận thí điểm đưa vào hoạt động 5 tuyến xe buýt điện với 77 xe.

Hiện tại, Công ty VinBus đã đưa hoạt động thí điểm 1 tuyến: Khu dân cư Vinhomes Grand Park - Bến xe buýt Sài Gòn với 12 xe; dự kiến 4 tuyến còn lại sẽ được tiếp tục đưa vào hoạt động trong năm nay.

Mới đây nhất, Sở GTVT TPHCM, Sở Du lịch TPHCM cùng Công ty TNHH Saigon.PT đã khai trương dịch vụ xe điện phục vụ khách tham quan, du lịch trên địa bàn thành phố theo Quyết định số 367/QĐ-UBND của UBND TPHCM phê duyệt Đề án thí điểm sử dụng xe 4 bánh chạy bằng năng lượng điện vận chuyển khách tham quan, du lịch trong khu vực TPHCM.

Tổng số lượng phương tiện là 70 xe, hoạt động hàng ngày từ 6 giờ đến 24 giờ. Cụ thể, trong giai đoạn thí điểm, các xe điện sẽ chạy tuyến đường khu vực trung tâm của quận 1, quận 4, quận 5 và quận 6 theo lộ trình đã định.

Từ năm 2023, taxi Xanh SM cũng đã chính thức hoạt động tại TPHCM. Sau quá trình ra mắt, hãng xe điện này nhận được nhiều phản hồi tích cực từ người dân. Hiện tại, hãng cung cấp khoảng hơn 600 chiếc với 2 dòng GreenCar và LuxuryCar.

Hiện nay, phương tiện giao thông điện hoạt động tại TPHCM chủ yếu là xe điện 2 bánh (xe đạp điện và xe máy điện) với số lượng khoảng 12.575 xe, chiếm tỷ lệ 0,16% tổng số lượng xe 2 bánh trên địa bàn thành phố.

Theo kết quả khảo sát của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) về nghiên cứu xây dựng kế hoạch hành động giao thông vận tải bằng xe điện tại TPHCM, 44% doanh nghiệp vận tải có nhu cầu chuyển sang phương tiện điện và khoảng 13,2% người dân có nhu cầu chuyển từ xe máy thường sang xe máy điện.

Dựa trên kết quả khảo sát, nhóm tư vấn của GIZ đề xuất kịch bản phát triển giao thông điện cho TPHCM theo 3 giai đoạn: Giai đoạn khởi động (2022-2030) sẽ phát triển 20% xe máy điện, 20% ô tô cá nhân, 50% xe buýt và 10% taxi điện; giai đoạn tăng trưởng (2030-2040) phát triển 50% xe máy, 60% ô tô con, 100% xe buýt và 20% taxi điện; tỷ lệ này sẽ tăng tương ứng 90%-100% đến năm 2050 (giai đoạn tăng trưởng ổn định).

HẢI NGỌC

Tin cùng chuyên mục