Ngôn ngữ ảo, sát thương thật

Điều nguy hiểm, đó là những lời bình luận tiêu cực, tấn công trực diện trên mạng không phải là “ảo” mà gây tổn thương tinh thần nghiêm trọng.
Những “người sáng tạo nội dung” phản cảm như Nờ Ô Nô vẫn trở lại TikTok sau khi bị khóa tài khoản cũ
Những “người sáng tạo nội dung” phản cảm như Nờ Ô Nô vẫn trở lại TikTok sau khi bị khóa tài khoản cũ

“Phong sát”, “cấm sóng”… ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực của nghệ sĩ, người nổi tiếng đến giới trẻ trên không gian mạng là vấn đề nóng được đưa ra trong tọa đàm “Thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng của nghệ sĩ và giới trẻ” do Trung tâm Tổ chức biểu diễn nghệ thuật và Sự kiện văn hóa của Nhà hát Lớn Hà Nội tổ chức ngày 19-4.

Ngôn từ xấc xược thì được quan tâm

Theo chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh, mạng xã hội có vô vàn lợi ích trong việc kết nối, chia sẻ tình cảm, là công cụ để lan tỏa nhiều thông điệp tích cực, song chính mạng xã hội cũng đem tới nhiều năng lượng tiêu cực, ngôn từ trên mạng xã hội mang tính sát thương rất lớn. Là một trong những người tham gia mạng xã hội sớm, cũng là một trong những nạn nhân chịu “ném đá” nhiều đến mức có thể gom lại… “xây một tòa lâu đài khổng lồ”; thậm chí có thời điểm khi tham gia vào phản đối fakenews (tin giả), không chỉ ông mà cả mẹ ông cũng đã bị truy lùng, tấn công trên mạng xã hội.

Nhận định về hiện trạng của mạng xã hội tại thời điểm này, ông Lê Quốc Vinh cho rằng, tin hay, tích cực thì ít người đọc, nhưng rác thì lại quá nhiều người quan tâm. Những bài viết có ngôn từ hơi xấc xược, thậm chí văng tục (thường chỉ có trên bàn nhậu hoặc bạn bè thân) khi được “quăng” lên mạng lại nhận được nhiều quan tâm và chúng ta đang phải chung sống với những thứ xấu xí đó. Song điều nguy hiểm, đó là những lời bình luận tiêu cực, tấn công trực diện trên mạng không phải là “ảo” mà gây tổn thương tinh thần nghiêm trọng.

Nhiều điều tra xã hội học cho thấy, với giới trẻ, hậu quả của bình luận tiêu cực dẫn tới trầm cảm, căng thẳng, thậm chí có những người đã nghĩ đến tự sát… Và còn rất nhiều những YouTuber đưa ra những thông tin tiêu cực đầy nguy hại để câu view, câu like bất chấp mọi thủ đoạn, biến những thứ tốt đẹp sạch sẽ thành những thứ độc hại và tiêm nhiễm vào thế hệ trẻ. Điển hình như đăng clip “nấu cháo gà nguyên lông”, đưa trọng tài lên bàn thờ, thách thức, chửi bới của những giang hồ mạng và những lời tục tĩu của “anh hùng bàn phím”... Những điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến đất nước và con người của chúng ta, làm xấu đi hình ảnh của người Việt Nam…

GS-TS Từ Thị Loan đưa ra nhiều dẫn chứng sinh động về việc lan tỏa những thông điệp tích cực, nhân văn, hướng tới cộng đồng của các nghệ sĩ trong thời gian qua.

“Nếu trước đây, việc hưởng thụ văn hóa buộc công chúng phải đến với thiết chế văn hóa, nhưng nay nhờ mạng xã hội thì việc lan tỏa cũng mạnh hơn. Chỉ trong một thời gian ngắn mà có nghệ sĩ trên mạng xã hội bằng uy tín, ảnh hưởng của mình đã kêu gọi giúp đỡ đồng bào bị lũ lụt cả trăm tỷ đồng và rất nhiều nghệ sĩ đã sát cánh với người dân vùng dịch trong thời điểm Covid-19 hoành hành”, GS-TS Từ Thị Loan nhấn mạnh.

Một sản phẩm giải trí của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng gây ồn ào trên mạng xã hội thời gian qua

Một sản phẩm giải trí của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng gây ồn ào trên mạng xã hội thời gian qua

Mạnh tay với hành vi “lệch chuẩn”

Để góp phần làm “trong sạch” môi trường hoạt động nghệ thuật, tránh ảnh hưởng tiêu cực từ những hành vi, lời nói không phù hợp với thuần phong mỹ tục… có thể gây ảnh hưởng tới cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ, tại tọa đàm, nhiều nghệ sĩ, chuyên gia ủng hộ việc “phong sát”, cấm sóng, hoạt động đối với những nghệ sĩ vi phạm.

Theo ông Trần Hướng Dương, Phó Cục trưởng Cục Biểu diễn nghệ thuật, để ứng xử trên mạng văn minh hơn cũng như chấn chỉnh tình trạng một số cá nhân nghệ sĩ, KOLs (người có sức ảnh hưởng) và giới trẻ vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục, Bộ VH-TT-DL cũng đã ban hành Quyết định 3196 về quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.

Sắp tới, Bộ VH-TT-DL cũng phối hợp Bộ TT-TT và các đơn vị liên quan đưa ra chương trình hợp tác quản lý một số vấn đề trên không gian mạng như điện ảnh, biểu diễn nghệ thuật.

Cụ thể, quy trình xử lý (hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo) đối với nghệ sĩ, KOLs có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục, dự kiến hoàn thành sớm, có thể trước tháng 10 năm nay. Mọi sai phạm tùy theo mức độ sẽ bị xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật.

Tại tọa đàm, nhiều nghệ sĩ cũng bày tỏ quan điểm, mạng xã hội là không gian chung, không gian mở, việc tiếp cận không gian tích cực hay tiêu cực là do chính mỗi người. Các nghệ sĩ cho rằng, người nổi tiếng, nghệ sĩ cũng có quyền thể hiện tiếng nói, chính kiến trên mạng xã hội. Tuy nhiên, khi có những hành vi, lời nói chưa phù hợp thì khán giả hãy cùng phản ứng, lên tiếng để họ sớm nhận ra được sai lầm.

Tọa đàm “Thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng của nghệ sĩ và giới trẻ” là hoạt động mở đầu cho việc đánh giá thực trạng để tìm ra những giải pháp, sáng kiến phù hợp, tổ chức truyền thông gắn với các sự kiện, buổi biểu diễn nghệ thuật, tuyên truyền tại các trường học, nơi công cộng, các tỉnh, thành... Từ đó, làm thay đổi hành vi của nghệ sĩ, tạo ra “lưới lọc” giúp giới trẻ ứng xử đẹp, văn minh trên không gian mạng.

Tin cùng chuyên mục