Ngừng sản xuất Những người độc thân vui vẻ, kết cục được báo trước

Thất bại của phim sitcom

Kế hoạch sản xuất 250 tập phim Những người độc thân vui vẻ (NNĐTVV) đã không thành khi Trung tâm Sản xuất phim truyền hình – Đài Truyền hình VN (VFC) vừa quyết định ngừng sản xuất bộ phim ở tập 171. Như vậy, sau tập 144 phát sóng vào 26-6 vừa qua, 27 tập còn lại tiếp tục lên sóng trong tháng 7, 8 và 9-2009. Vì sao?

Thất bại của phim sitcom

Mua bản quyền kịch bản của Trung Quốc, NNĐTVV được sản xuất theo dạng phim sitcom (situation comedy - hài kịch tình huống). Ngoài việc thu hình chủ yếu ở nội cảnh, quay đồng bộ bằng nhiều máy và vừa sản xuất vừa phát sóng, đặc trưng của thể loại này là mỗi tập phim được xâu chuỗi bởi một hay nhiều tình huống hài. Nói đúng hơn, chính tình huống mới đem lại tiếng cười cho khán giả.

Mặc dù các nhà biên kịch cố gắng “Việt hóa”, nhưng có lẽ tiếng cười đã bị rơi rớt khi lời thoại đưa đẩy bằng cách “chơi chữ”, từ tiếng Trung chuyển qua tiếng Việt. Chỉ đơn giản là cách gọi tên nhân vật trong kịch bản gốc cũng không còn trở thành yếu tố gây cười khi chuyển sang tiếng Việt, chưa nói đến những khoảng cách về tâm lý, lối sống... giữa hai dân tộc. Vậy nên các tình huống khi được “Việt hóa” khó đem lại tiếng cười và đôi lúc còn khá khiên cưỡng, dù về sau các nhà làm phim đã có nhiều “biến báo”.

Dàn diễn viên tên tuổi của Gặp nhau cuối tuần được tin tưởng sẽ gây dấu ấn ở NNĐTVV, nhưng nhiều người trong số họ chưa thoát khỏi cái bóng của những trò diễn sân khấu: đưa đẩy bằng câu chữ, điệu bộ cử chỉ nét mặt và các động tác hình thể khác để gây cười. Khó khăn đến mức các nhà làm phim đã thay đổi bằng nhiều cách, kể cả thay gần như toàn bộ dàn diễn viên, tăng cường quay ngoại cảnh, kéo dài các tình huống và cử những đạo diễn “cứng” đảm nhiệm, nhưng vẫn không “cứu” được phim. Có lẽ vì thế mà có không ít ý kiến cho rằng, khán giả VN chưa quen với việc xem phim sitcom, nghĩa là chưa chuẩn bị tâm lý xem một bộ phim được kết nối bởi các tình huống vui vẻ.

Tổn thất do thiếu tính chuyên nghiệp?

Vậy là những lo lắng về hiệu quả của phim sitcom khi VTV bắt tay sản xuất bộ phim NNĐTVV đã trở thành sự thật. Nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến đứng ra nhận lỗi của người biên tập “rất lớn” khi bộ phim không như mong đợi. Nhưng quả thật, khi đó chẳng nhà biên tập nào có thể nghi ngờ hiệu quả của bộ phim khi mà đã có một bộ phim dựng từ kịch bản này thành công ở nước láng giềng.

Giá như có sự khảo sát, thăm dò thị hiếu hay có bước thử nghiệm trước khi chính thức bắt tay vào sản xuất mới có thể hy vọng tránh khỏi những khó khăn trong quá trình triển khai dự án “dài hơi” này. Không giống với những bộ phim vài ba chục tập, những dự án vài ba trăm tập như NNĐTVV đòi hỏi phải có trường quay hoàn chỉnh, rồi ê-kíp chuẩn bị đầy đủ các bước công việc trước khi bắt tay vào chính thức sản xuất cả năm trời. Chính vì vậy, Giám đốc VFC - đạo diễn Đỗ Thanh Hải đã thừa nhận với báo giới: “NNĐTVV được đầu tư một cách cảm tính mà thiếu sự tính toán chuyên nghiệp”.

Quyết định ngừng sản xuất NNĐTVV vào lúc này kể ra cũng đã muộn, nhưng  còn tốt hơn nếu như cứ kéo dài lê thê trong sự chán chường của khán giả. Chắc chắn “nhà đài” và các nhà làm phim sẽ rút ra được những kinh nghiệm bổ ích khi đầu tư và triển khai các dự án làm phim hàng trăm tập.

Không riêng bộ phim này, một số phim “xã hội hóa” đang phát ròng rã trên VTV, dù cơ chế hợp tác và kiểm duyệt khá chặt chẽ từ phía “nhà đài”, nhưng chưa biết sẽ ra sao. Và nhiều dự án khác đang trên trường quay, nếu phát sóng vào “giờ vàng” trên kênh truyền hình quốc gia mà số phận cũng tương tự NNĐTVV thì sẽ gây tổn thất không nhỏ!

Phải chăng đã đến lúc các “nhà đài” cần thiết lập hệ thống thăm dò thị hiếu khán giả và tiếp nhận thông tin phản hồi từ người xem để điều chỉnh các dự án phim một cách hợp lý, tránh lãng phí và gây mất uy tín thương hiệu phim Việt…

Hoàng Thắng

Tin cùng chuyên mục