Mai Phương Liên (quê Đắk Lắk), sinh viên Trường Đại học Kinh tế TPHCM, chia sẻ, tết này về quê ăn tết muộn, vì còn ở lại thành phố làm thêm hỗ trợ gia đình. Liên kể, tết đến ba mẹ em thường đón tết trong rẫy, chỉ tranh thủ ghé nhà chút xíu rồi lại bận bịu với công việc của mình như tưới cà phê, chăn dê, bò…
“Em tranh thủ làm ca ngày tại một chuỗi cửa hàng chuyên về thức ăn nhanh, sau đó làm ca tối tại một quán nước. Bên cạnh đó, em cùng một vài người bạn còn tranh thủ kinh doanh hoa lan trực tuyến qua mạng. Công việc tuy cực nhưng cũng đem lại thu nhập trong 7 ngày trước và trong tết, tổng cộng khoảng 5 triệu đồng”, Phương Liên nói.
Ngoài làm thêm tại các quán ăn, siêu thị, nhiều bạn trẻ còn nhận thêm công việc dọn dẹp nhà cửa tại các chung cư, giữ trẻ…
Đây là công việc phát sinh của các gia đình hiện đại, khi mà nhiều trẻ em đã được nghỉ học sớm, trong khi phụ huynh vẫn còn phải loay hoay, quay cuồng với công việc ở cơ quan, đơn vị.
Mức phí dọn dẹp nhà cửa đón tết dao động 50.000 - 60.000 đồng/giờ, tùy thỏa thuận và tình hình thực tế; riêng phí giữ trẻ 100.000 - 200.000 đồng (cho 1-2 giờ chơi với trẻ)…
Chiều 30-1 (ngày 25 tháng chạp), dọc tuyến đường Nguyễn Kiệm, Quang Trung (quận Gò Vấp), Lê Văn Sỹ (quận 3)… có khá nhiều bạn trẻ là sinh viên, học sinh tranh thủ bán hàng quần áo thời trang các loại.
Nhiều bạn trong số này là dân làm thêm có thâm niên, ngược lại cũng có bạn làm chủ bằng cách tranh thủ thuê tạm một chỗ để đứng bán trong mấy ngày cận Tết Kỷ Hợi.
Mức giá bán quần áo 50.000 - 100.000 đồng/cái, phù hợp cho người trẻ tuổi, trung niên. Theo tính toán của Ngọc Anh, sinh viên Trường Cao đẳng Kinh tế TPHCM, mỗi ngày bán hàng, bạn được trả công 300.000 - 400.000 đồng, nhưng đây là giá thuê của những ngày cận tết.
Riêng các bạn trẻ bán hàng đổ đống, thuê mặt bằng tạm để bán, lợi nhuận kiếm được khá tốt. “Tuy nhiên, khi thuê mặt bằng phải cân đối chi phí thuê, trả lương cho nhân viên vào cao điểm tết… nên cũng hơi cực. Thường thì các bạn sẽ kết thành nhóm để cùng kinh doanh, san sẻ với nhau”, Ngọc Anh nói.
Bạn Thúy Diễm, chủ một cửa tiệm chăm sóc tóc, móng tay trên đường Tô Ký (quận 12), thông tin, vài ngày nay khách đặt lịch hẹn dồn dập, nên cửa hàng phải tuyển thêm 5 nhân viên đứng gội, làm móng cho khách.
Một số bạn trẻ được tuyển vào thuộc diện tập sự, có cả sinh viên các trường trung cấp, cao đẳng nghề trên địa bàn TPHCM.
Theo Thúy Diễm, từ nay đến 30 tết, mỗi em học việc được trả 100.000 đồng/ngày (làm từ 9 giờ sáng) tiền “bo” các em được nhận hoàn toàn, được bao ăn 2 bữa/ngày.
Trung bình thu nhập mỗi em được khoảng vài triệu đồng. Tương tự, một tiệm chuyên chăm sóc da mặt trên đường Bà Hạt (quận 10, TPHCM), cũng phải tuyển thêm nhân viên có chuyên môn để hỗ trợ, chăm sóc khách hàng.
Hiện tại, các dịch vụ giao nhận, vận chuyển cũng rất “nóng”. Anh Phương Văn Khiêm, kinh doanh hoa kiểng tết trên đường Phan Huy Ích (quận Gò Vấp), cho biết, xung quanh chỗ bán hàng của anh thường có khá nhiều tài xế đủ loại, nhưng không phải người nào cũng rành công nghệ. Lợi thế của sinh viên là khá hiền lành, rành công nghệ, nên những chủ kinh doanh hoa thích gọi các em này giao hàng cho khách.
Hiện tại, tiền công vận chuyển cao hơn 1 - 1,5 lần so với chở người, chưa kể còn có thêm tiền bo. Tuy vậy, công việc này đòi hỏi phải có sức khỏe, sự bền bỉ, dẻo dai nên đôi khi các em trẻ chưa chắc đã theo kịp được suốt mấy ngày cận tết.
Ghi nhanh trong chiều 30-1 tại một số shop chuyên chăm sóc thú cưng trên đường Võ Văn Tần (quận 3), đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh)…, nhiều khách hàng đã tới chờ đến lượt đăng ký hàng loạt dịch vụ như tỉa lông, theo dõi sức khỏe, gửi thú cưng để đi du lịch.
Được biết, mức giá giữ thú cưng dao động 400.000 - 500.000 đồng/ngày (đối với loại trên 15kg), 100.000 - 150.000 đồng/ngày (loại dưới 15kg)… Tại những điểm dịch vụ này, có khá đông các bạn trẻ nhận làm theo ca kíp.