Cái nghề chụp ảnh dạo hơn nhau ở chỗ ai giao hình cho khách nhanh hơn. Nếu trước đây, chuyện đợi chờ có một tấm hình mất cả tháng trời cũng là bình thường, bởi máy phim khâu tráng ảnh mất nhiều thời gian cho các công đoạn. Sự ra đời của máy ảnh kỹ thuật số, công nghệ in ấn và tráng rọi ảnh nhanh hơn, cánh chụp hình hơn nhau ở chỗ chụp lấy liền, chưa đầy 10 phút, có hình giao khách thì mới kiếm cơm nổi.
Và khi điện thoại di động chưa phổ biến, chưa có nhiều tính năng hỗ trợ tự chụp ảnh, nghề chụp ảnh dạo ở mấy khu vui chơi, điểm du lịch vẫn còn kiếm được bộn. Nhưng bây giờ đã khác, điện thoại di động tầm trung cũng “nịnh” khách bằng đủ tính năng. Các ứng dụng chỉnh sửa ảnh trên điện thoại phổ biến, thậm chí chụp vừa xong, hình hiển thị ngay ở trang cá nhân trên mạng xã hội. Nghề chụp ảnh dạo như kẻ “lỗi thời”.
Đường hoa Nguyễn Huệ (quận 1) dịp tết và phố đi bộ Nguyễn Huệ thường ngày, hoặc khu vực quanh Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố…, dễ dàng bắt gặp đâu đó vài người chụp hình dạo, máy ảnh kè kè nhưng chẳng mấy khi có khách. Có người gắn bó với nghề chụp hình phải mấy chục năm, giờ bỏ nghề cũng không biết phải mần công chuyện gì khác. Thỉnh thoảng cũng có khách sộp, trả tiền chụp ảnh còn kèm chút tiền cà phê, đắp đổi qua ngày cũng xong, chứ đòi hỏi hơn thì khó.
Giới trẻ bây giờ, chuộng chụp hình hơn bao giờ hết, nhưng mấy chú, mấy bác chụp ảnh dạo vẫn ế, cũng bởi thị hiếu đã khác rồi. Ảnh bây giờ phải hậu kỳ tỉ mỉ đến từng sợi tóc mai, kèm thêm vài dòng chữ hay câu thơ nào đó đính kèm lên hình càng thích…
Dân chơi ảnh thường chuộng miền xa, cảnh đẹp, rồi đợi lúc hoàng hôn hay buổi sớm tinh mơ để bắt lại từng vệt nắng, giọt sương long lanh… Cũng có người như kẻ lơ đễnh, chẳng có gì ngoài thời gian, cứ ôm máy ngồi hàng giờ ở công viên để chụp hình chim làm tổ, đám sóc rượt nhau trên cây…
Điều gì rồi cũng thay đổi theo thời gian, chỉ là ít hay nhiều. Nghề chụp ảnh dạo cũng thế. Nhưng đâu đó, người ta vẫn thích sự hoài niệm, thích những tấm ảnh “thật thà” không qua ứng dụng trên điện thoại, hay miệt mài hàng giờ photoshop. Nhóm bạn tôi cũng đủ tay chơi từ máy ảnh kỹ thuật số đến máy phim, nhưng thỉnh thoảng vẫn thích tốn vài chục ngàn, chụp một tấm ảnh ở Bưu điện thành phố. “Vừa giúp chú một chút, mà mình cũng vui chứ, lâu lâu cầm tấm hình như vầy cũng quý, như hồi nhỏ lần đầu má cho đi Sở thú rồi chụp hình kỷ niệm”, bạn tôi kể.
Trong nhịp sống hiện đại, nghề chụp ảnh dạo vẫn không đến nỗi chẳng còn một ai, bởi giao hình nhanh, giá tiền dễ chịu, thỉnh thoảng vẫn có khách ghé lại bấm vài tấm. Hoặc chụp hình thẻ, hình cưới ở khu vực ngoại thành, khách hàng cũng không đòi hỏi quá cao, tay nghề chụp sáng mặt của cánh chụp ảnh dạo vẫn còn “đất dụng võ”.
Đâu đó trong những lần ra phố đi bộ, tôi chẳng mảy may để ý những bác chụp hình dạo, bởi không có nhu cầu, cho đến khi đám bạn đi cùng cứ loay hoay nhờ người chụp giùm cả đám một tấm kỷ niệm. Một bác chụp hình cũng phải ngoài 60 tuổi, bước lại và sẵn sàng hỗ trợ đám nhí nhố chúng tôi. Bác nán lại xem chúng tôi ưng bụng mớ hình trong điện thoại chưa, nếu chưa thì bác chụp lại. Không một lời mời chúng tôi chụp giúp bác một tấm hình, nhưng cả đám cũng thích thú làm khách hàng của bác hôm đó.
Đôi khi trong sự vội vàng, những điều chậm rãi, xưa cũ vẫn cứ say đắm…