
Với mong muốn tạo bước đột phá không chỉ trong quá trình đô thị hóa mà còn phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn, lãnh đạo quận Bình Tân vừa quyết định xây dựng Khu đô thị (KĐT) Tân Tạo theo phương thức mới: Chính quyền chỉ quy hoạch và quản lý quy hoạch, còn việc đầu tư sẽ do người dân quyết định... Trao đổi với PV Báo SGGP về mục đích và phương thức đầu tư vào KĐT này, Chủ tịch UBND quận Bình Tân Trần Văn Thuận cho biết:
Là quận vùng ven vừa bước vào tuổi lên 2 sau khi tách ra khỏi huyện Bình Chánh, quận Bình Tân (TPHCM) có điều kiện phát triển sản xuất- kinh doanh- thương mại- dịch vụ dựa trên các khu công nghiệp tập trung và hệ thống giao thông cấp quốc gia băng ngang địa bàn. Do vậy, ngày càng nhiều doanh nghiệp và lao động nhập cư (sau 2 năm thành lập quận, số dân đã tăng thêm 160.000 người) chọn Bình Tân làm nơi “an cư, lạc nghiệp”.

Khu đô thị mới Bình Trị Đông thuộc quận Bình Tân TPHCM.Ảnh: Đ.V.D.
Tuy nhiên, đến nay quận vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát sinh cơ bản về nơi ở, vui chơi, giải trí, mua sắm, văn phòng giao dịch, trung tâm thương mại… của người dân và doanh nhân. Để giải quyết bài toán này, với sự chấp thuận của UBND, Sở KH- ĐT, Sở QH- KT TPHCM, quận Bình Tân quyết định thiết lập một KĐT văn minh, hiện đại ở cửa ngõ phía Tây Nam TPHCM.
Dự án có mục đích chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế của địa phương sang dịch vụ đô thị, tạo thêm nhiều việc làm, cải thiện đời sống người dân, góp phần giảm áp lực dân cư trong nội thành hiện hữu. KĐT Tân Tạo được định hướng là trung tâm dịch vụ khoa học, đào tạo, thương mại, văn hóa, thể thao, y tế, giải trí và du lịch trong khu vực…
- PV: Quy mô quy hoạch ra sao?
- Ông Trần Văn Thuận: Căn cứ theo quy hoạch chung của quận Bình Tân đến năm 2020, KĐT mới dự kiến có tổng diện tích khoảng 750ha thuộc các phường Tân Tạo, Tân Tạo A, Bình Trị Đông A, dành cho 75.000- 80.000 dân.
- Ý tưởng tổ chức không gian như thế nào?
- Quy hoạch KĐT mới gồm 2 khu vực: xây dựng mới khoảng 500ha, chỉnh trang khoảng 250ha. KĐT phải đáp ứng được các quy chuẩn hiện hành và tiêu chuẩn sống đô thị, tận dụng được điều kiện thiên nhiên và hiện trạng cũng như giải quyết được các nhu cầu cần thiết của khu dân cư… Ở đó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội phải đồng bộ với cảnh quan riêng biệt nhờ mảng xanh, dòng kênh, mặt hồ. Nhất thiết đây phải là một khu đô thị vệ tinh văn minh, hiện đại đạt chuẩn quốc gia.
- KĐT có những lợi thế nào?
- Nó sẽ là cầu nối thương mại giữa các KCN trên địa bàn với các quận nội thành và khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khi phía Đông giáp KCN Tân Tạo mở rộng; phía Tây giáp xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh; phía Nam giáp huyện Bình Chánh và đường Trần Đại Nghĩa; phía Bắc giáp Hương lộ 2 (nối dài)… Hạ tầng kỹ thuật của khu vực liền kề đang trong giai đoạn hoàn thiện- hiện chỉ mất 20 phút vào trung tâm thành phố, với các tuyến đường đã và đang triển khai như quốc lộ 1A, đường cao tốc Sài Gòn- Cần Thơ, Kinh Dương Vương, Tỉnh lộ 10, đường vành đai trong, đại lộ Đông Tây, tuyến Metro dự kiến…
- Việc xây dựng KĐT quy mô đến 750ha liệu có quá tầm của quận khi cũng với ngần ấy diện tích (khoảng hơn 830ha), sau hơn 10 năm có chủ trương, diện mạo KĐT Thủ Thiêm chỉ mới hiện rõ… trên mô hình thiết kế?
- Chúng tôi tin sẽ làm được khi hầu hết mặt bằng khu vực xây dựng mới là đất nông nghiệp nhiễm phèn, sản lượng thấp, khi thực hiện sẽ có lợi cho sự phát triển KT-XH của địa phương và người đang sử dụng đất…
- Điều đó không đồng nghĩa với việc tránh được những vướng mắc làm đau đầu các chủ đầu tư, chẳng hạn như chuyện đền bù, giải phóng mặt bằng?
- Hiện chính sách Nhà nước đã có thay đổi về phương thức đầu tư các dự án với mục tiêu chung là vừa phát triển KT-XH, vừa đảm bảo quyền lợi của người đang sử dụng đất. Chúng tôi cũng đã có kinh nghiệm thực tiễn về quy hoạch, đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng, tái định cư… Do vậy, trong chủ trương thực hiện KĐT Tân Tạo, chúng tôi sẽ áp dụng phương thức: Chính quyền đề ra quy hoạch và quản lý quy hoạch, còn việc đầu tư sẽ do tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng đất trong khu vực này quyết định.
- Nghĩa là họ không còn “đóng vai” người bị giải tỏa mà trở thành chủ đầu tư?
- Đúng vậy. Kết quả thăm dò cho thấy, các tổ chức, cá nhân đang có quyền sử dụng đất nơi đây rất ủng hộ cách làm này. Bởi vì với quy hoạch được duyệt và các văn bản pháp luật hiện hành, người có đất và nhà đầu tư sẽ dễ quyết định để đôi bên cùng có lợi. Họ có thể liên kết, kêu gọi đầu tư để thực hiện các dự án phù hợp với các phân khu chức năng mà chính quyền đã định hướng. Chỉ có xã hội hóa đầu tư những quy hoạch được công khai, minh bạch thì mới hy vọng đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giảm thất thoát tài sản cộng đồng, đảm bảo dung hòa quyền lợi của nhà nước, nhân dân và nhà đầu tư.
QUANG TRƯỞNG (thực hiện)