Người dân Hiệp Đức bất lực chứng kiến keo chết hàng loạt

Thời gian qua, trên địa bàn huyện Hiệp Đức (Quảng Nam) xảy ra tình trạng cây keo chết héo kéo dài khiến người trồng rừng lao đao. Nhiều hộ dân đứng trước nguy cơ mất trắng khi chứng kiến diện tích lớn keo chết dần mà không có cách cứu chữa.

Nhìn keo chết như ngồi trên lửa

Theo báo cáo tình hình bệnh chết héo cây keo trên địa bàn huyện Hiệp Đức với tổng diện tích bị thiệt hại là 1.820ha. Nguyên nhân được xác định do nhiễm nấm Ceratocystis manginecans.

Loại bệnh này thường xuất hiện nhiều tại những cánh rừng đã trồng và khai thác được từ 3 đến 4 chu kỳ. Do trong quá trình khai thác, trồng lại nhiều chu kỳ, bà con không thực hiện khử trùng, vệ sinh cẩn thận, mầm bệnh lưu trú nên gặp thời tiết thuận lợi là phát tán gây hại trên cây non.

Nấm ký sinh trên thân cây keo. Ảnh: PHẠM NGA

Nấm ký sinh trên thân cây keo. Ảnh: PHẠM NGA

Hầu hết diện tích keo chết đều ở độ 2 năm tuổi, nhiều hộ dân phải cắt bỏ cả vườn keo nhiễm bệnh vì cây chưa đến tuổi thu hoạch. Những cây nhỏ thì lấy thân cành làm củi đốt, số keo lớn chưa nhiễm bệnh thì tiếp tục chăm và bảo vệ với hy vọng thu hồi vốn.

Sở hữu 35ha keo ở thị trấn Tân Bình, ông Phạm Đình Duy (khối phố Phước Sơn, thị trấn Tân Bình, huyện Hiệp Đức) thở dài ngao ngán khi nhìn mật độ keo chết do nấm bệnh ngày càng tăng mà không có cách nào cứu vãn.

Ông Phạm Đình Duy thở dài khi thấy keo chết ngày càng nhiều. Ảnh: PHẠM NGA

Ông Phạm Đình Duy thở dài khi thấy keo chết ngày càng nhiều. Ảnh: PHẠM NGA

“Trước đây, tình trạng keo bị chết héo cũng từng xảy ra nhưng không nhiều như lần này, hầu hết cây keo chết khi chưa đến tuổi thu hoạch. Lúc phát hiện, cây có biểu hiện khô ở phần ngọn, lá vàng, sau khoảng vài tuần cây héo và chết, lan rất nhanh mà không có cách nào xử lý”, ông Duy cho biết.

Cách đó vài cây số, hàng loạt cây keo trong rừng của ông Nguyễn Khánh Lim (xã Sông Trà, thị trấn Tân Bình, huyện Hiệp Đức) cũng đang chết dần chết mòn do nhiễm bệnh. Với tổng số diện tích cây chết, ông Kim ước tính thiệt hại lên đến hàng trăm triệu đồng.

Cây keo vàng lá, sau đó héo dần và chết. Ảnh: PHẠM NGA

Cây keo vàng lá, sau đó héo dần và chết. Ảnh: PHẠM NGA

“Cây chết nhỏ quá không bán được thì chỉ đem làm củi đốt, còn những cây chưa có dấu hiệu bệnh thì tiếp tục chăm để thu hồi vốn và công lao động. Cả gia đình tôi có nguồn kinh tế chính phụ thuộc vào rừng keo này, giờ bị bệnh chết hàng loạt, nhiều cây chưa đủ độ lớn để thu hoạch”, ông Kim than thở.

Nhiều hộ dân huyện Hiệp Đức cho biết, hầu hết các giống keo trên địa bàn huyện đều có nguồn gốc từ Đồng Nai. Tuy nhiên, thời gian qua, rên địa bàn tỉnh xảy ra các đợt mưa lớn và gió bão khiến hàng loạt diện tích keo bị gãy đổ. Từ các điểm tổn thương trên cây keo, nấm đã xâm nhập gây hại và lan rộng.

Cần ngăn ngừa kịp thời

Để đối phó với tình trạng keo chết do nhiễm nấm Ceratocystis manginecans, phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn đã phối hợp với UBND các xã tiến hành kiểm tra, xác định nguyên nhân và hướng dẫn người dân phòng trừ bệnh chết héo trên cây keo.

Nấm phấn trắng lây lan nhanh và khó kiểm soát. Ảnh: PHẠM NGA

Nấm phấn trắng lây lan nhanh và khó kiểm soát. Ảnh: PHẠM NGA

Với diện tích nhiễm bệnh lớn, chính quyền khuyến khích bà con cần áp dụng các biện pháp thủ công để khoanh vùng, dập dịch ngăn không cho bệnh nấm phấn trắng lây lan; thường xuyên kiểm tra, giám sát tình hình bệnh hại cây rừng.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn huyện Hiệp Đức, ông Nguyễn Tấn Nghiệp cho biết, chính quyền cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân thường xuyên kiểm tra tình hình phát triển của bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời, đạt hiệu quả. Ngoài ra, huyện còn tổ chức tập huấn

Thân keo non chết dùng làm củi đốt. Ảnh: PHẠM NGA

Thân keo non chết dùng làm củi đốt. Ảnh: PHẠM NGA

"Từ năm 2019 huyện đã triển khai trồng rừng với loại cây gỗ lớn. Tuy nhiên chính quyền vẫn ủng hộ người dân trồng keo để có thêm nguồn thu nhập. Đặc biệt, chính quyền khuyến khích người dân nên chọn mua giống ở các cơ sở sản xuất cây giống đủ điều kiện và có giấy chứng nhận nguồn gốc giống", Ông Nguyễn Tấn Nghiệp cho hay.

Về lâu dài, đối với diện tích keo trồng mới, bà con cần lựa chọn cây giống tốt, có khả năng chống chọi với các loại bệnh; theo dõi thường xuyên để phát hiện bệnh sớm, khi thấy cây xuất hiện mầm bệnh, cần tiến hành cắt bỏ, tiêu hủy cành, lá bị bệnh… và phun hóa chất diệt trừ nấm.

Tin cùng chuyên mục