Người dân hưởng lợi từ quy định mới về Luật Cư trú

Sau ngày 1-7, việc quản lý cư trú của người dân chính thức được chuyển từ thủ công sang số hóa, quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. Trong đó, việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hướng đến giảm giấy tờ, giảm thời gian và chi phí cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính.
Từ ngày 1-7, luật quy định bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy để rút gọn thủ tục hành chính, người dân được hưởng nhiều tiện lợi
Từ ngày 1-7, luật quy định bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy để rút gọn thủ tục hành chính, người dân được hưởng nhiều tiện lợi

Bỏ 7 thủ tục

Từ ngày 1-7, Luật Cư trú năm 2020 có hiệu lực, và hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (gọi tắt cơ sở dữ liệu) do Bộ Công an triển khai được kết nối, chia sẻ với dữ liệu chuyên ngành nhằm rút gọn các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi, tiện ích cho tổ chức, người dân. Quản lý cư trú bằng phương thức mới “số hóa dữ liệu” sẽ bỏ bớt 7 thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký cư trú. Đó là bỏ thủ tục cấp đổi, cấp lại sổ hộ khẩu, cấp giấy chuyển hộ khẩu; cấp đổi, cấp lại, điều chỉnh thay đổi trong sổ tạm trú và gia hạn tạm trú.

Theo quy định, người dân không cần mang theo các loại giấy tờ có chứa thông tin cá nhân đã có trên cơ sở dữ liệu và không phải sao y chứng thực các loại giấy tờ vừa nêu. Người dân chỉ cần mang theo căn cước công dân có gắn chip, hoặc cung cấp mã số định danh cá nhân để làm thủ tục hành chính hoặc giao dịch dân sự. Các giao dịch của người dân liên quan đến thông tin về cư trú sẽ được sử dụng trong cơ sở dữ liệu.

Ông Đinh Quang Ngọc (ngụ TP Thủ Đức) bày tỏ, việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, thay thế bằng mã định danh là phù hợp với xu hướng chuyển đổi số trong công tác quản lý. Việc này còn hướng đến giảm giấy tờ, giảm thời gian và chi phí (công chứng, chứng thực các loại giấy tờ) cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính. “Người dân sử dụng số định danh cá nhân để khai thác thông tin của mình trong cơ sở dữ liệu thay thế cho sổ hộ khẩu, sổ tạm trú… để thực hiện các giao dịch là một tiện lợi lớn”, ông Quang Ngọc nhận xét.

Luật sư Trần Tấn Tài (Đoàn Luật sư TPHCM) cũng phân tích, thông tin cá nhân có trên hệ thống cơ sở dữ liệu, được chia sẻ với các ngành, lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Vì vậy, người dân có con em đến tuổi đi học, khi không còn sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy thì ngành giáo dục sẽ kết nối, sử dụng dữ liệu chung để xét nhập học đúng tuyến, đúng trường. 

Dù vậy, ông Vũ Hữu Trường Điền (quận Bình Thạnh) vẫn cho rằng, một số giao dịch hiện còn quy định phải cung cấp sổ hộ khẩu. Chẳng hạn, Luật Công chứng yêu cầu trong hồ sơ nhân thân các bên phải có hộ khẩu nên khi làm thủ tục, người dân vẫn được yêu cầu cung cấp sổ hộ khẩu. Quy định là vậy nên các bên liên quan (người mua, người bán, tổ chức công chứng, cơ quan đăng bộ, ngân hàng...) đều phải tuân theo.

Đồng loạt triển khai

Ngày 29-6, Bộ Công an tổ chức hội nghị trực tuyến tập huấn Luật Cư trú năm 2020 và các hướng dẫn chi tiết tới công an các tỉnh, thành. Hội nghị phổ biến những nội dung cơ bản của các quy định mới trong việc quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.

Hiện nay, Công an TPHCM đã có kế hoạch triển khai các quy định mới từ ngày 1-7. Ở địa phương, Trung tá Lê Bá Tâm, Đội trưởng Đội Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an quận Tân Phú, cho biết, đơn vị đã có kế hoạch triển khai Luật Cư trú năm 2020. Cụ thể, công an quận đăng tải một số thông tin liên quan những điểm mới, những vấn đề cần lưu ý trên trang Zalo của quận, của đội để người dân truy cập, tìm hiểu. Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy đã được cấp trước ngày 1-7 vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú cho đến hết ngày 31-12-2022.

Thượng tá Lê Thị Liên Hồng, Phó Trưởng Công an TP Thủ Đức, thông tin, quận đã tập huấn trực tuyến cho cán bộ chiến sĩ Công an TP Thủ Đức, cán bộ chủ chốt ở 34 phường trong điều kiện phải đảm bảo giãn cách phòng chống dịch Covid-19. Đại tá Phạm Xuân Thao, Trưởng Công an quận 11, cho biết, quận chỉ đạo cảnh sát khu vực tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân cập nhật, điều chỉnh, bổ sung, cung cấp thông tin dân cư, đảm bảo thông tin đưa vào cơ sở dữ liệu thật chính xác. Công an quận phối hợp với đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền về các quy định mới đến người dân.

“Lực lượng công an sẽ hỗ trợ người dân khi đến thực hiện các thủ tục đăng ký cư trú, điều chỉnh thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú, tách hộ, xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, xóa đăng ký tạm trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy. Khi đó, công an sẽ thu hồi sổ đã cấp. Đồng thời, công an cũng sẽ điều chỉnh, cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu theo quy định và không cấp mới, cấp lại sổ”, Đại tá Phạm Xuân Thao thông tin.

Luật Cư trú năm 2020 bỏ quy định riêng về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, việc đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là như nhau, không có sự phân biệt và được áp dụng chung, thống nhất trên toàn quốc.

Theo Công an TPHCM, từ ngày 1-7, công an tiếp nhận hồ sơ đăng ký cư trú thông qua 2 hình thức. Cụ thể, tiếp nhận hồ sơ trực tiếp tại cơ quan đăng ký cư trú nơi người dân cư trú; hoặc tiếp nhận hồ sơ từ Cổng thông tin điện tử, gồm: Cổng dịch vụ công quốc gia (dichvucong.gov.vn), Cổng dịch vụ công Bộ Công an (bocongan.gov.vn), Cổng dịch vụ công quản lý cư trú (dichvucong.dancuquocgia.gov.vn).

Tin cùng chuyên mục