Người đặt nền móng xây dựng lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam

Có thể nói Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là chiến lược gia về quốc phòng, về công cuộc bảo vệ đất nước trong thời đại mới. Ông là nhà ngoại giao xuất sắc để triển khai đường lối của Đảng và quân đội trong hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Ông luôn kiên định với quan điểm: bảo vệ Tổ quốc không chỉ bó hẹp trong phạm vi bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, mà phải mở rộng thành bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định để đất nước phát triển, bảo vệ Đảng và nhân dân.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh

1. Sáng kiến và hành động cụ thể Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh triển khai trên mặt trận đối ngoại đã để lại nhiều dấu ấn trong thời điểm ông giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, phụ trách đối ngoại. Đặc biệt, ông đã để lại dấu ấn lớn trong chuyển đổi tư duy chiến lược, vươn tầm với bạn bè quốc tế, đưa Quân đội nhân dân Việt Nam ra nước ngoài để tham gia các hoạt động đa phương trong cơ chế đa phương và một trong những kết quả có thể nhìn thấy rõ ràng nhất là lực lượng Gìn giữ hòa bình (GGHB) của Việt Nam.

Việt Nam bắt đầu chính thức tham gia hoạt động GGHB Liên hợp quốc vào năm 2014, khá muộn so với nhiều nước khác trong khu vực, tuy nhiên, đến nay bạn bè quốc tế đánh giá cao, rất ngưỡng mộ những thành quả về hoạt động GGHB của Việt Nam. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chính là người đã lựa chọn những cán bộ đầu tiên; định hướng cho nghiên cứu và trực tiếp chỉ đạo các hoạt động và giúp cho lực lượng GGHB Việt Nam có nhiều thế hệ tham gia. Đến nay, Cục GGHB Việt Nam đã trưởng thành, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu ngày càng lớn hơn của Liên hợp quốc.

Từ thời điểm giữ cương vị Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã bắt đầu đưa ra chủ trương phải nghiên cứu về quân đội với các tổ chức quốc tế trong hoạt động đa phương và nhất là Liên hợp quốc. Theo ông, việc bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới không dừng lại ở phạm vi lãnh thổ, lãnh hải, không phận… mà đã đi vào thế chủ động hơn, tiến công hơn; khi mà chúng ta đưa quân đi lo toan cho nhân loại, phục vụ các mục tiêu lớn hơn, mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc; chúng ta lấy lòng tin và chứng tỏ với thế giới bằng hành động cụ thể của con người Việt Nam hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng, hội nhập sâu rộng nhưng phải xây dựng uy tín. Đặc biệt phải nhận thức rõ hòa bình để bảo vệ đất nước, trước thăng trầm, thách thức của thế giới. Thậm chí trong các đối tượng thì cũng cố gắng phát huy đối tác để chúng ta giữ được môi trường hòa bình vì đất nước, vì dân tộc. Hoạt động GGHB được ông xác định rõ, coi đây là hoạt động tác chiến đặc biệt, có sức ảnh hưởng chính trị vô cùng lớn, có sức ảnh hưởng về đối ngoại quốc phòng vô cùng lớn. Vì vậy, ông luôn nhắc nhở việc phải lựa chọn những cán bộ, những quân nhân tốt tham gia vào lĩnh vực này. Họ phải là những người có phẩm chất, năng lực, có trình độ ngoại ngữ, có kiến thức về đối ngoại quốc phòng, đồng thời luôn phải đề cao giá trị văn hóa của một dân tộc Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình…

Lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam xuất quân tại sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), lên đường thực hiện nhiệm vụ của LHQ tại Phái bộ UNISFA

Lực lượng Gìn giữ hòa bình Việt Nam xuất quân tại sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), lên đường thực hiện nhiệm vụ của LHQ tại Phái bộ UNISFA

2. Từ đó đến nay, hơn 9 năm, hoạt động GGHB đã để lại nhiều dấu ấn mạnh mẽ. Lực lượng GGHB của Việt Nam đi tới đâu cũng tạo được hình ảnh tươi mới, tạo được niềm tin yêu của người dân bản địa. Ví dụ như Abyei, đã từng có nhiều đơn vị đến đó nhưng không thành công bởi nhiều lý do như không tôn trọng người dân bản địa, không gần dân… để lại nhiều điều tiếng không tốt về người lính GGHB Liên hợp quốc. Song, khi đội công binh của Việt Nam đến, không những xóa bỏ kỳ thị mà còn gần gũi và nhận được sự ủng hộ, tin tưởng của người dân. Công binh Việt Nam đã làm đường, dựng lớp… góp phần đem đến ánh sáng tri thức cho người dân địa phương.

Không chỉ đưa ra những quyết định ở tầm chiến lược mà sự chỉn chu, kỹ lưỡng của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh thể hiện ở từng hành động tưởng chừng nhỏ bé. Cụ thể như tại thời điểm Việt Nam chuẩn bị triển khai Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đầu tiên. Khi mua sắm các trang thiết bị mang đi, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh đã yêu cầu rõ, đến đất nước của người ta thì khi rút về đừng bao giờ để lại một hậu quả gì khiến nước bạn phải gánh vác, khắc phục sau này; mua sắm thiết bị, vật dụng sử dụng ở đó là phải thân thiện với môi trường như gáo dừa, đũa tre…, tránh các vật dụng bằng nhựa, tránh các vật liệu để lại hậu quả về môi trường khó khắc phục.

Sau này, khi Thủ tướng Australia đến thăm Học viện Quân y, khi lực lượng GGHB Việt Nam đang bồi dưỡng cho 70 cán bộ quân nhân Bệnh viện dã chiến cấp 2; nghe báo cáo việc chuẩn bị thiết bị và vật dụng mang đi theo hướng thân thiện với môi trường, ông đã coi đây là sáng kiến rất tốt. Đây cũng là một trong những mục tiêu thiên niên kỷ mà Liên hợp quốc đã đưa ra đối với môi trường. Cùng với việc thúc đẩy các hoạt động về GGHB, tham gia gánh vác bảo vệ Tổ quốc trong tương lai, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa ngay trong thời bình; thì Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh rất am hiểu mục tiêu lớn, mục tiêu thiên niên kỷ mà Liên hợp quốc theo đuổi.

3. Cả cuộc đời mình, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh luôn trăn trở, tìm tòi để đổi mới tư duy về bảo vệ Tổ quốc. Ông luôn nhấn mạnh rằng, khi quân đội luôn sẵn sàng thì đất nước sẽ không bị tổn thương. Sẵn sàng chiến đấu là để nhân dân được sống trong hòa bình, trong xã hội yên bình và phát triển. Giữ được hòa bình cho Tổ quốc vẹn toàn mới là điều quan trọng nhất, cần vươn tới, cần đạt được. Nỗ lực xây dựng đất nước giàu mạnh hơn, đẹp hơn… nhưng không được quên các yếu tố cơ bản, giá trị cốt lõi của một dân tộc phải giữ cho bằng được, đó là toàn vẹn lãnh thổ, độc lập dân tộc và hòa bình!

Tin cùng chuyên mục