Người đội trưởng say mê sáng kiến

Là một người gắn bó với lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) gần 15 năm, anh Đinh Văn Tiến, Đội trưởng Đội Quản lý, giáo dục học viên tại Trường Giáo dục đào tạo và giải quyết việc làm số 3 (gọi tắt là Trường 3), luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt tình, say mê với công việc và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. 
Anh Đinh Văn Tiến đang hướng dẫn học viên đan gối mây
Anh Đinh Văn Tiến đang hướng dẫn học viên đan gối mây
Anh Tiến nhớ lại, năm 2016, học viên tại trường sử dụng gối bông để nằm. Trong quá trình kiểm tra, soát xét, anh Tiến nhận thấy gối bông mang nhiều nhược điểm như dễ xảy ra các vấn đề về an ninh trật tự, sử dụng lâu ngày dễ bị ẩm mốc và bụi bẩn khó tẩy rửa... Vậy là anh Tiến đưa ra sáng kiến sử dụng gối mây thay thế gối bông. Theo anh Tiến, để làm ra một chiếc gối mây tre lá đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo. Học viên được hướng dẫn cách tạo khung xương gối, vật liệu làm gối được tận dụng tối đa từ dây mây tre lá dư thừa có sẵn tại đơn vị, qua đó đã giảm chi phí một cái gối từ 60.000 đồng xuống còn 18.650 đồng. Như vậy, với số lượng 1.500 học viên đang học tập tại trường, sẽ tiết kiệm được hơn 62 triệu đồng. Ngoài ra còn giúp ổn định tình hình an ninh trật tự tại trường, hạn chế việc học viên giấu vật cấm trong gối. 

Học viên Nguyễn Tuấn Anh cho biết, gối mây rất tiện dụng, đảm bảo vệ sinh, không bị nấm mốc, giá thành lại rẻ hơn so với gối bông mà gia đình mua ngoài chợ. Gối nằm rất êm và thông thoáng, đặc biệt là tránh được các bệnh về da đầu. 

Tại trường, anh Đinh Văn Tiến còn được biết đến với sáng kiến “Xây bể chứa phân 40m3 tại khu vực chuồng heo, đưa qua hầm biogas vào bể chứa để tưới cho cao su, rau xanh”. Cụ thể, qua khảo sát tình hình thực tế, mỗi năm Trường 3 phải chi 50 triệu - 100 triệu đồng mua nước phân chuồng tưới cao su, rau xanh; trong khi đơn vị đang nuôi heo thịt với quy mô thường xuyên từ 150 - 200 con. Năm 2012, nhà trường xây hầm biogas để tận dụng nguồn phân heo, tạo khí gas cung cấp cho bếp ăn công nghiệp. Vậy là anh Tiến đề xuất sáng kiến tận dụng nước thải ra để tưới cao su, rau xanh. Sáng kiến này đã giúp đơn vị chủ động được nguồn phân chuồng cho sản xuất nông nghiệp, hàng năm tiết kiệm trên 50 triệu đồng.

Không dừng lại ở đó, năm 2014, anh Tiến nhận thấy việc trồng cây cảnh tại đơn vị còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch; việc đầu tư mua sắm chậu kiểng hàng năm lại tốn khá nhiều chi phí. Điều đó đã khiến anh nảy ra sáng kiến “Thiết kế quay chậu kiểng, nhân giống trồng cây cảnh cải tạo cảnh quan tại đơn vị”. Sau khi đưa vào áp dụng đã tạo không gian xanh, sạch đẹp, thân thiện, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ nhân viên, học viên tại trường. 

Bên cạnh nhiệm vụ chuyên môn, anh Tiến còn là một cán bộ năng nổ, tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, phong trào thi đua yêu nước và luôn đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhờ ý thức học tập Bác, luôn tìm tòi những điều mới, nên khi đi thực tế tham quan mô hình trung tâm cây giống và vườn cây trồng điều của người dân, anh đã nghiên cứu các phương pháp chăm sóc và đề xuất sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả trong công tác trồng, chăm sóc 8ha cây điều. Sáng kiến của anh đã mang lại hiệu quả tích cực sau 1 năm áp dụng. 

Với những thành tích đạt được, nhiều năm liền anh vinh dự nhận được Bằng khen của UBND TPHCM vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; 5 năm liền đạt Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; 5 năm đạt danh hiệu Đảng viên xuất sắc.
Chị Võ Thị Thu Minh, Phó trưởng phòng Giáo dục Tư vấn của Trường 3, nhận xét: “Anh Tiến là một đồng nghiệp hòa đồng, giản dị và rất gần gũi, sẵn sàng chia sẻ khó khăn cùng anh em trong đơn vị. Anh rất tận tụy trong công việc và không ngừng học tập, nghiên cứu để trau dồi kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ. Những sáng kiến do anh Tiến đề xuất trong nhiều năm qua đều mang lại những hiệu quả tích cực cho đơn vị”. 

Tin cùng chuyên mục