Người góp phần bảo vệ các loài thú ở rừng Kẻ Gỗ

Hàng chục năm nay, ông Nguyễn Văn Toản (58 tuổi, ở xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, đều đặn tự nguyện trèo đèo, lội suối ở Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Kẻ Gỗ để tìm kiếm, phát hiện và kịp thời tháo gỡ hàng ngàn chiếc bẫy săn các loại, góp phần giải cứu, bảo vệ các loài thú rừng hoang dã và trâu nuôi của người dân địa phương.

Ông Toản chuẩn bị vật dụng để vào rừng tìm kiếm, tháo gỡ các loại bẫy
Ông Toản chuẩn bị vật dụng để vào rừng tìm kiếm, tháo gỡ các loại bẫy

Bảo vệ thú rừng

 Khoảng tháng 2-1985, ông Nguyễn Văn Toản tham gia đi bộ đội, đơn vị của ông đóng quân tại tỉnh Thanh Hóa. Đến năm 1988, ông hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương và lập gia đình. Tại quê hương, ngoài làm ruộng, ông còn nhận thêm khoảng 10ha đất trống, đồi núi trọc ở vùng đệm giáp ranh với Hồ Kẻ Gỗ và Khu BTTN Kẻ Gỗ để khai hoang phục hóa trồng cây keo tràm, thông nhựa, chăn nuôi trâu, bò, gà, heo, đào ao thả cá… Thời gian đầu tuy gặp rất nhiều khó khăn nhưng càng về sau nhờ đúc kết, rút kinh nghiệm và kiên trì đầu tư, cải tạo, đổi mới, mô hình trang trại vườn - ao - chuồng - rừng của ông đã từng bước mang lại hiệu quả. Mỗi năm trang trại cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Khi nhận thấy, có tình trạng một số đối tượng lén lút đi vào rừng Khu BTTN Kẻ Gỗ giăng bẫy để săn bắt thú rừng trái phép. Ngoài thú rừng hoang dã bị dính bẫy thì nhiều trâu nhà của người dân, trong đó có trâu của gia đình ông Toản đang chăn thả tự do ở trên rừng Khu BTTN Kẻ Gỗ cũng bị dính bẫy trọng thương và chết, khiến ông Toản và người dân địa phương rất bức xúc, lo lắng.

Người góp phần bảo vệ các loài thú ở rừng Kẻ Gỗ ảnh 1 Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ 

Sau khi được Ban quản lý Khu BTTN Kẻ Gỗ, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, tổ chức tập huấn về công tác bảo vệ rừng, bảo vệ bảo tồn các loài thú rừng hoang dã... Ông Toản quyết định tự nguyện trèo đèo, lội suối vào các khu vực rừng Li Bi, Rào Môn, Rào Cấy… ở Khu BTTN Kẻ Gỗ để tìm kiếm và tháo gỡ, phá hủy các loại bẫy do các đối tượng xấu giăng để săn bắt thú rừng hoang dã trái phép.

Hàng tháng dù nắng hay mưa, ông Toản vẫn đều đặn thu xếp công việc trong gia đình, rồi bố trí 2-3 đợt (mỗi đợt 1-3 ngày) đi vào rừng Khu BTTN Kẻ Gỗ để thực hiện công việc này. Ngoài ra, mỗi năm ông còn tự nguyện phối hợp, tham gia cùng với cán bộ Ban quản lý Khu BTTN Kẻ Gỗ (thêm 2-3 đợt) đi vào rừng để tháo gỡ, phá hủy các loại bẫy săn bắt thú rừng trái phép.

Để góp phần bảo vệ các loài thú rừng và đàn trâu nhà của người dân địa phương cũng như của gia đình ở rừng Khu BTTN Kẻ Gỗ, suốt hơn 10 năm trở lại đây, ông Toản đã vận động người dân trên địa bàn thành lập tổ Rào Môn (tổ gồm có trên 10 người, cả nam và nữ, đều trên 50 tuổi, hoạt động tự nguyện, tự túc…), mỗi tháng tổ dành 2-3 đợt (1-3 ngày/đợt) chèo thuyền 3 ván vượt lòng Hồ Kẻ Gỗ đi vào rừng Khu BTTN Kẻ Gỗ để kiểm tra, tìm kiếm, tháo gỡ các loại bẫy, ngăn chặn các đối tượng săn bắt thú rừng trái phép.
Người góp phần bảo vệ các loài thú ở rừng Kẻ Gỗ ảnh 2 Ông Toản đi rừng tháo gỡ bẫy góp phần bảo vệ các loài thú hoang dã và trâu nuôi của người dân

Địa bàn kiểm tra của tổ chủ yếu là tại khu vực rừng Li Bi, Rào Môn, Rào Cấy… Khi phát hiện đối tượng đặt bẫy trái phép thì tổ sẽ tiếp cận tuyên truyền, giải thích, vận động đối tượng tháo gỡ bẫy rời khỏi rừng hoặc thông báo nhanh về cho Ban Quản lý Khu BTTN Kẻ Gỗ, kiểm lâm địa bàn để xử lý.

Từ hiệu quả của tổ Rào Môn, đến nay trên địa bàn xã Cẩm Mỹ đã nhân rộng, thành lập thêm 2 tổ mới, kiểm tra ở các khu vực rừng Rào Len, Rào Bưởi, Ao Cá, Rào Cời, Sà Vòn, Cơn Căng...

Còn sức khỏe là còn đi rừng gỡ bẫy

Ông Toản cho biết, từ trước đến nay ông đã đi rừng, phát hiện tháo gỡ được hàng ngàn chiếc bẫy các loại do đối tượng xấu giăng để săn bắt thú rừng trái phép ở Khu BTTN Kẻ Gỗ. Trong đó, địa điểm để tiếp cận, phát hiện tháo gỡ bẫy gần nhất cũng phải mất khoảng 2 giờ đồng hồ cả đi thuyền và đi bộ đường rừng, nơi xa nhất khoảng 3-5 giờ đồng hồ. Có những dây bẫy với 200-300 chiếc. Những khu vực rừng mà đối tượng xấu thường đặt bẫy nhiều như: Rào Cời, Ao Cá, Rào Len, Rào Bưởi, Rào Môn, Li Bi, Rào Cấy, Sà Vòn, Cơn Căng…

Thời điểm các đối tượng xấu vào đặt bẫy săn bắt thú rừng trái phép chủ yếu là vào mùa mưa, khoảng từ tháng 8 âm lịch đến hết tháng 3 năm sau, trong đó tập trung từ tháng 11 đến tháng 12 âm lịch là nhiều nhất.

Người góp phần bảo vệ các loài thú ở rừng Kẻ Gỗ ảnh 3 Ông Toản đã phát hiện, tháo gỡ hàng ngàn chiếc bẫy ở Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ
Theo ông Toản, quá trình đi kiểm tra rừng, ông đã giải cứu được hàng chục con trâu nuôi của người dân địa phương và nhiều loại thú rừng bị dính bẫy. Có khi đến nơi phát hiện bẫy thì đã muộn, những con thú dính bẫy đã bị chết, có khi đã phân hủy, dưới chân vẫn còn dính bẫy. Mỗi lần chứng kiến cảnh tượng đó ông cảm thấy rất buồn lòng.
Ngoài ra, ông còn trực tiếp bắt gặp nhiều đối tượng đang chuẩn bị đặt bẫy, sau khi nghe ông tuyên truyền, giải thích, họ thấu hiểu nên thu dọn bẫy và rời khỏi rừng, không tiếp tục hành nghề trái phép ở Khu BTTN Kẻ Gỗ… Tuy nhiên, cũng có một số đối tượng bị ông phá bẫy đã quay trở lại đe dọa, thậm chí 1 lán rộng do ông dựng lên ở trên rừng Rào Môn (nơi tạm trú cho ông và các anh em trong tổ Rào Môn khi đi kiểm tra rừng) cũng bị các đối tượng này châm lửa đốt cháy hoàn toàn để trả thù...

“Dù biết công việc đi rừng tháo gỡ bẫy là “vác tù và hàng tổng”, một số người bị tôi phá bẫy sẽ đem lòng thù hận, ghen ghét, tìm cách trả thù nhưng tôi không lo lắng, không chùn bước. Bây giờ đang có sức khỏe thì tôi vẫn tiếp tục đi rừng tháo gỡ bẫy để góp phần bảo vệ, bảo tồn các loài thú rừng ở Khu BTTN Kẻ Gỗ và bảo vệ đàn trâu nuôi của người dân địa phương. Khi nào không còn sức khỏe, đôi chân không đi được nữa thì tôi mới ngừng công việc tự nguyện đi rừng tháo gỡ bẫy này”, ông Toản chia sẻ.

Người góp phần bảo vệ các loài thú ở rừng Kẻ Gỗ ảnh 4 Lòng hồ Kẻ Gỗ

Ông Toản cũng mong cơ quan chức năng tiếp tục có những biện pháp mạnh, xử lý nghiêm để ngăn chặn các hành vi săn bắt thú rừng trái phép ở Khu BTTN Kẻ Gỗ, đồng thời kêu gọi mọi người cùng chung tay bảo vệ rừng, bảo vệ các loài thú rừng hoang dã.

Phó Giám đốc Ban Quản lý khu BTTN Kẻ Gỗ Nguyễn Phi Công cho biết, ông Nguyễn Văn Toản là người có uy tín, tâm huyết và đầy trách nhiệm trong việc quản lý bảo vệ rừng, đặc biệt là đấu tranh, ngăn chặn các đối tượng vi phạm săn bắt, đánh bẫy thú rừng hoang dã, kích điện trái phép... Ông Toản còn làm tốt công việc tuyên truyền, vận động đến tận bà con nhân dân các xã vùng đệm về công tác quản lý, bảo vệ rừng, bảo vệ các loài thú rừng hoang dã. Hàng năm, Ban Quản lý khu BTTN Kẻ Gỗ có đề nghị ông Toản phối hợp cùng tham gia đi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra rừng, tháo gỡ bẫy săn thú rừng và luôn được ông nhiệt tình nhận lời góp sức, hỗ trợ ngay. Nhiều năm nay, ông Toản đã giúp đỡ rất lớn cho ban quản lý kịp thời trong việc phát hiện, tháo gỡ bẫy, có biện pháp ngăn chặn hiệu quả ngay từ đầu các đối tượng vào rừng săn bắt các loại thú rừng hoang dã trái phép.

Khu BTTN Kẻ Gỗ có diện tích gần 45.000ha, nằm trên địa bàn 4 huyện của tỉnh Hà Tĩnh, gồm: Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Hương Khê, Thạch Hà và một phần giáp ranh với địa bàn huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình. Tại đây có hàng trăm loài động vật có xương sống. Gà lôi lam đuôi trắng, một loài gà lôi đặc hữu của Việt Nam đang trong tình trạng bị đe dọa tuyệt chủng cùng nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm khác cũng có mặt tại đây. Ngoài ra, tại đây còn có hàng chục loài thú được ghi vào sách đỏ Việt Nam và thế giới. Rừng ở Khu BTTN Kẻ Gỗ cũng là xứ sở của nhiều loại hoa rừng rất đẹp như: hoa mộc lan, quế hương, tai tượng, tai trâu, đuôi chồn, nghinh xuân, phượng vĩ…

Tin cùng chuyên mục