Ông Bùi Văn Toản đã làm việc không ngừng nghỉ suốt hơn 16 năm qua để xuất bản 14 đầu sách, viết hàng chục bài báo và tham luận cho các cuộc hội thảo liên quan đến nhà tù và tù nhân Côn Đảo. Trong số họ, có nhiều người hy sinh một cách âm thầm đến cả người thân trong gia đình cũng không biết được.
Những ký ức không phai
Nhà tù Côn Đảo là một địa ngục trần gian và người ta không thể lý giải được những chiến sĩ cách mạng đã sống và vượt qua địa ngục ấy như thế nào. Đối với ông Bùi Văn Toản, những hình ảnh gian khổ tột cùng mà hào hùng ngày ấy là những ký ức không thể phai mờ: Đó là khi những chuyến tàu lưu đày chở những chàng trai cô gái tuổi vừa 20 nhắm thẳng hướng địa ngục trần gian, đó là những ngày trại tù câu lưu (tù không được kết án) 6B sôi động với những đợt tuyệt thực, chống chào cờ, đòi chế độ cho tù chính trị. Máu đổ hàng ngày, khoảng cách giữa sự sống và cái chết mỏng manh như sợi chỉ, vậy mà anh em tù ở trại 6B vẫn hào khí và lạc quan: trại 6B làm báo rồi biểu diễn văn nghệ, tổ chức các lớp học ngay giữa những “cơn mưa” dùi cui, ma trắc, cả vôi bột, lựu đạn cay và những đợt siết bóp lương thực đến khốn cùng.
Vốn là một sinh viên văn hay chữ tốt, ông Bùi Văn Toản giữ nhiệm vụ biên tập, trình bày báo. Không những thế, ông còn được giao giữ báu vật của toàn trại là chiếc radio và mấy cục pin để thỉnh thoảng cả phòng tự thưởng một buổi cập nhật tin tức bên ngoài. Và một nhiệm vụ tối quan trọng khác: lập danh sách toàn trại để khi có dịp thì truyền ra ngoài đấu tranh yêu cầu giao trả tự do. Ghi chép, lưu giữ thông tin của những người bạn tù bắt đầu từ đấy.
“Nhiều lúc một trang giấy pơluya vừa tỉ mẩn chép xong đã phải cho vào miệng nhai nuốt để tránh bị địch phát hiện. Cũng có khi người bạn tù vừa rủ rỉ đọc tên thật, bí danh, quê quán đêm trước, hôm sau đã bị tra tấn, đàn áp đến chết”, ông Toản ngậm ngùi kể lại.
“Chút thông tin trong mảnh giấy vụn trở nên quý giá khi tôi nghĩ đến cha mẹ, vợ con, anh em của những bạn tù canh cánh trông chờ nơi quê nhà. Tôi tự giao nhiệm vụ cho mình – nhiệm vụ phải làm của người may mắn được sống”, ông Toản nói thêm.
Nhiệm vụ với đồng đội và người đã khuất
Sau giải phóng, làm công chức không lâu, ông Toản xin nghỉ hưu sớm để thực hiện tâm nguyện của mình. Hàng chục lần trở đi trở lại Côn Đảo tìm đồng đội, xác minh những câu chuyện, cuộc sống của những người tù chính trị Côn Đảo đã được ông lần lượt tái hiện qua các tác phẩm: Ác liệt Côn Đảo, Côn Đảo - 6.694 ngày đêm, Những tờ báo của tù nhân Côn Đảo, Côn Đảo - Bản anh hùng ca bất khuất, Huyền thoại Côn Đảo... Trong đó, tâm đắc nhất và cũng mất nhiều công sức nhất là hai bộ sách: Nhà tù Côn Đảo - Danh sách hy sinh và từ trần 1930-1975, Tù nhân Côn Đảo 1940-1945 (3 tập), đã cung cấp thông tin trên 8.400 tù nhân Côn Đảo. Dự án bảo vệ luận án tiến sĩ cuối năm 2010 của ông đành phải gác lại đến nay vì phải tập trung toàn bộ tinh thần và sức lực cho công trình này. Với những thành tích xuất sắc, năm 2011, ông Bùi Văn Toản đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động.
Từ thông tin qua những bộ sách của ông, hiện đã có trên 500 gia đình biết được ngày mất chính xác của người thân, trên 200 ngôi mộ ở nghĩa trang Hàng Dương được đối chiếu để điều chỉnh chính xác thông tin. Cũng từ những công bố này, đến nay đã có trên 400 người ở tỉnh Vĩnh Long được truy tặng liệt sĩ và công nhận danh hiệu lão thành cách mạng. Hiện tỉnh Long An đang xác minh thông tin về tù nhân Côn Đảo ở địa phương để có chính sách chăm lo.
Minh An