Bỏ qua sự cản trở của người thân, gia đình, sự dị nghị của không ít người dân địa phương, mỗi ngày, bà Hai Chất (Phạm Thị Chất, 64 tuổi, ở tổ 10, khu phố 1, phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TPHCM) vẫn lặng thầm làm đẹp cho phố phường (ảnh) bằng nhiều việc làm mà không phải ai cũng làm được…
Chiều muộn, dọc hai bên đường Thạnh Mỹ Lợi (phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2), nhiều hộ gia đình đã mở đèn điện, chuẩn bị cho bữa ăn tối nhưng phía trước nhà số 90, bà Hai Chất vẫn đang ngồi loay hoay để bó lại cây chổi. Thấy chúng tôi đến nhà, bà cười nói: “Mấy chú vô nhà ngồi chơi, chờ tôi bó lại cây chổi, quét nốt khúc đường còn lại, chứ để sáng mai dơ lắm”. Nói rồi bà đứng dậy, lom khom cầm chổi quét cả một đoạn đường dài. Đủ thứ rác thải: lá cây, bao bì, chai lọ… được bà quét gom thành đống, rồi cho vào bao đem đi tiêu hủy. Người dân địa phương cho biết, công việc “quét rác không công” đã gắn với bà Hai Chất hơn 6 năm nay, ở đâu có rác ở đó có bà Hai Chất đến quét dọn sạch sẽ. Không chỉ quét rác, những năm trước đây, khi tuyến đường Thạnh Mỹ Lợi chưa được trải nhựa, đèn đường chưa có, con nghiện khắp nơi về đây tụ tập hút chích, vứt kim tiêm, lọ nước cất… tràn lan trên đường. Thấy nguy hiểm cho người dân, bà Hai Chất vừa tiếp cận những con nghiện để nhắc nhở, vừa nhặt kim tiêm chuyển cho các đơn vị dọn vệ sinh để có cách tiêu hủy an toàn.
Nhờ tích cực trong các việc làm tự nguyện, những năm qua bà Hai Chất đã góp phần làm khu phố sạch đẹp, mỹ quan và đảm bảo an ninh trật tự hơn. “Thời gian đầu, gia đình có góp ý và ngăn cản vì thấy sức khỏe chị yếu, thường xuyên bị đám hút chích hăm dọa. Thế nhưng, chị vẫn quyết tâm thực hiện công việc tự nguyện của mình. Với bà con trong khu phố, lúc đầu dị nghị, sau đó lại hoan nghênh, nể trọng hơn…” - ông Phạm Văn Sáu (em ruột bà Hai Chất) kể về quá trình bắt đầu những công việc tự nguyện của chị mình. Ngoài những việc làm tự nguyện đem lại lợi ích cho xã hội, ở khu phố 1, phường Thạnh Mỹ Lợi, bà Hai Chất còn được người dân biết đến như một “Bao Công” của khu phố. Ở đây, gia đình nào có chuyện “cơm chẳng lành, canh không ngọt”, hay giữa các hộ dân trong tổ có xích mích, bà Hai Chất đều đến hòa giải, hàn gắn thành công những mâu thuẫn nhờ vào uy tín của mình.
Không chỉ sống hòa đồng, tạo sự gắn kết trong mối quan hệ giữa các hộ dân trong khu phố, mới đây, khi địa phương phát động chủ trương người dân hiến đất để nâng cấp, mở rộng đường Thạnh Mỹ Lợi, bà Hai Chất đã tình nguyện hiến tặng 300m² đất mặt tiền cho nhà nước. Ở thời điểm “tấc đất, tấc vàng”, nhiều hộ gia đình sống dọc hai bên đường Thạnh Mỹ Lợi còn “đắn đo do dự”, yêu cầu nhà nước phải hỗ trợ tiền bồi thường đất mới giao mặt bằng làm đường thì bà Hai Chất khuyên: “Làm đẹp cho phố phường là làm đẹp cho quê hương mình. Đường sá sạch đẹp, phố phường yên bình thì con em mình mới sống và phát triển văn minh được”. Với suy nghĩ đó, bà Hai Chất đã cùng với địa phương vận động được nhiều hộ dân hiến đất, xây dựng nên tuyến đường Thạnh Mỹ Lợi sạch đẹp, phẳng phiu như hiện nay.
PHẠM MINH