
Hôm qua, 22-2, Hội nghị ĐBQH chuyên trách tiếp tục thảo luận về dự án Luật BHXH. Nhiều đại biểu đồng tình việc thực hiện bảo hiểm thất nghiệp từ năm 2009. Trao đổi với báo chí, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Lương Phan Cừ cho biết:

- Thực hiện bảo hiểm thất nghiệp khó hơn bảo hiểm tự nguyện. Vì người thất nghiệp rất khó xác định. Vấn đề đặt ra như thế, nên trong luật chỉ có một số điều hết sức tập trung chứ chưa thể chi tiết hết được. Chúng tôi ủng hộ điều chỉnh bảo hiểm thất nghiệp. Chúng ta nên đặt cơ sở, đi được đến đâu rút kinh nghiệm đến đấy.
- PV: Nếu bảo hiểm thất nghiệp được áp dụng, ai sẽ được hưởng lợi, thưa ông?
- Ông LƯƠNG PHAN CỪ: Về đóng bảo hiểm thất nghiệp, trong dự luật ghi rõ người sử dụng lao động đóng 1%, người lao động đóng 1%. Nhưng hưởng bảo hiểm thất nghiệp phải kèm theo điều kiện ràng buộc để người thất nghiệp cũng phải cố gắng tìm việc làm. Nhà nước sẽ hỗ trợ người thất nghiệp đào tạo nghề, đào tạo lại, giới thiệu việc làm, đưa trở lại vào guồng máy lao động. Nếu anh ta cứ ngồi không mà hưởng bảo hiểm chắc là không có một quỹ bảo hiểm nào có thể tồn tại.
- Hiện nay, số tiền bảo hiểm xã hội doanh nghiệp nợ cả trăm tỷ đồng, diễn ra kéo dài. Nếu áp dụng bảo hiểm thất nghiệp thì lại càng khó khăn?
- Tình trạng đó có thật! Chúng ta đi vào nền kinh tế thị trường, có doanh nghiệp ăn nên làm ra nhưng cũng có doanh nghiệp khó khăn. Vấn đề làm sao cho hài hòa. Lúc nào áp dụng biện pháp mạnh, lúc nào phải hỗ trợ giúp đỡ doanh nghiệp. Trong dự luật này có quy định cho doanh nghiệp được tạm dừng đóng bảo hiểm không quá 1 năm do gặp khó khăn về lụt bão, thiên tai, biến động lớn. Doanh nghiệp có sống được thì người lao động mới sống được.
- Nâng mức đóng góp bảo hiểm xã hội, cơ quan xây dựng luật đã tính toán sức chịu đựng của doanh nghiệp?
- Chúng tôi đã tính toán. Ở các nước, mức đóng bảo hiểm xã hội lên đến 35%-40% lương. Chúng ta hiện nay mới tăng lên 21% và cộng tất cả bảo hiểm bắt buộc phải đóng lên đến 25%-27%. Đóng ít thì người lao động được hưởng ít. Cho nên phải có lộ trình. Khi doanh nghiệp ăn nên làm ra, lao động lương cao hơn thì tăng mức đóng lên.
- Xin cảm ơn ông.
HÀM YÊN