Duy trì tăng trưởng
Trong năm 2019 và các năm tới, lĩnh vực bán lẻ truyền thống được dự báo vẫn có sự tăng trưởng tốt. Vì vậy, các doanh nghiệp bán lẻ cần đổi mới, đầu tư để bắt kịp thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng.
Các chuyên gia nghiên cứu thị trường cho rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam đang phát triển sôi động với sự hỗ trợ mạnh mẽ của hệ thống logistics và công nghệ thông tin. Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) dự báo, giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ của thị trường trong nước sẽ đạt 11,9%/năm, quy mô thị trường khoảng 179 tỷ USD vào năm 2020. Đến năm 2020, theo quy hoạch, cả nước sẽ có khoảng 1.200 - 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước năm 2018 tăng 12,2%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1-2019 ước tính đạt 402.200 tỷ đồng, tăng 4,4% so với tháng trước và tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, lĩnh vực bán lẻ truyền thống đang phải cạnh tranh khá gay gắt với bán lẻ online (thương mại điện tử). Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc bộ phận Nghiên cứu tư vấn thị trường Savills Việt Nam, đánh giá, trong xu hướng hiện nay, thương mại điện tử gia tăng rất mạnh, doanh thu bán lẻ trực tuyến năm 2018 tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái; khối lượng giao dịch thương mại điện tử tăng 50%, giá trị giao dịch tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Chính vì thế, để không bị mất thị phần cũng như doanh thu trước sức ép ngày càng lớn của xu hướng mua bán hàng qua mạng, các nhà bán lẻ cần lựa chọn chiến lược phát triển phù hợp với mục tiêu kinh doanh và thói quen mua sắm ở từng địa phương khác nhau.
Đa dạng loại hình bán lẻ
Liên quan đến vấn đề này, các chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ chia sẻ, hành vi tiêu dùng của người Việt Nam đang thay đổi nhanh khiến các doanh nghiệp bán lẻ phải nhanh nhạy trong ý tưởng phát triển kinh doanh, cũng như hình thức kinh doanh. Nếu phân tích sâu có thể thấy sự phát triển của thương mại điện tử tuy giúp người tiêu dùng có nhiều kênh thông tin, phương thức tiếp cận sản phẩm nhưng cuối cùng người mua vẫn phải đến cửa hàng để mua hàng; doanh nghiệp vẫn phải có nơi trưng bày sản phẩm, phải có hàng mẫu, có nhân viên để giúp người tiêu dùng hiểu được chính sách bán hàng của doanh nghiệp.
Bởi vậy, giới kinh doanh nhận định, mô hình bán lẻ theo hình thức cũ (offline) vẫn có thể tồn tại và phát triển tốt nếu các nhà bán lẻ lưu ý nhiều đến yếu tố vị trí gần khu dân cư, với hệ thống cơ sở hạ tầng tốt hoặc tổ chức đa dạng mô hình bán lẻ hay tích hợp đa kênh cả online và offline. Điều này, các nhà bán lẻ đã nhận ra và đang dần áp dụng. Chẳng hạn như hai nhà bán lẻ ngoại là Emart hay Aeon Mall, ngoài việc chọn hoạt động ở các quận không phải là trung tâm, nhưng có điều kiện xây dựng để giá thuê gian hàng thấp, dễ thu hút người kinh doanh; ngoài thuận lợi để tạo dựng quy mô lớn, tạo không gian đẹp, hấp dẫn, tích hợp nhiều dịch vụ hỗ trợ khách hàng. Tại siêu thị Emart hay Aeon Mall, các loại hình từ siêu thị đến giải trí, ẩm thực tập trung tại một điểm nên tạo sự thuận tiện hơn cho người tiêu dùng, chỉ cần đến một địa chỉ có thể sử dụng được nhiều dịch vụ, từ đó đón nhiều khách hàng hơn.
Không kém cạnh, nhà bán lẻ nội là Saigon Co.op cũng cho thấy sự chuyển mình rõ rệt khi liên tục đưa ra các mô hình kinh doanh mới. Không dừng lại ở các hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.op Food, doanh nghiệp này đã phát triển thêm mô hình Co.opXtra, Co.op Smiles, Cheers, HTVCo.op, Sense City.
Ông Nguyễn Anh Đức, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, cho hay mô hình hợp tác xã đã và đang phát triển mạnh mẽ tại các nước trên thế giới với những ưu điểm đặc trưng rất riêng. Tại Mỹ, vẫn còn tồn tại mô hình hợp tác xã dù phát triển nhiều hình thức bán lẻ hiện đại. Hiện Saigon Co.op có 111 siêu thị với ước tính có hơn 1 triệu khách hàng đến tham quan mua sắm mỗi ngày. Bên cạnh những mô hình hiện tại, Saigon Co.op sẽ tiếp tục phát triển những mô hình bán lẻ mới để có thể đạt 2 triệu khách hàng vào năm 2020.
Cũng theo ông Nguyễn Anh Đức, trước sức ép cạnh tranh ngày càng lớn với thương mại điện tử, định hướng phát triển mạng lưới này sẽ được từng bước áp dụng công nghệ hiện đại phù hợp cho từng mô hình bán lẻ. Đối với Saigon Co.op, trong tương lai, giá trị truyền thống sẽ được giữ chừng mực và ứng dụng công nghệ để nâng cao trình độ tiêu dùng, nâng cao mô hình bán lẻ Việt Nam. Trong định hướng 5 - 10 năm tới, Saigon Co.op sẽ áp dụng nhiều công nghệ khác biệt để dẫn dắt thị trường, đồng thời tập trung vào lĩnh vực thực phẩm mà chiến lược là sản phẩm hữu cơ… Bên cạnh đó, để giữ vững thị phần, Saigon Co.op sẽ tận dụng ưu thế “sân nhà” bằng cách tạo mọi điều kiện và ưu tiên cho hàng Việt được tiêu thụ rộng rãi trong hệ thống của mình.
Có thể thấy, Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển tốt của ngành bán lẻ. Mọi sự cố gắng và thay đổi của doanh nghiệp là yếu tố làm thay đổi bộ mặt của nền bán lẻ trong nước. Khi các doanh nghiệp cạnh tranh, người tiêu dùng là đối tượng được hưởng lợi nhất