Người trẻ cần những “từ khóa”

“Im lặng đâu có nghĩa là không biết gì, chẳng qua không muốn nói mà thôi. Tình yêu tan vỡ. P/S: Dạo này “tuesday” nhiều thật!”. Đoạn chia sẻ tâm trạng thất tình trên kèm một số hashtag như thất vọng, lừa dối, chán nản của một em nữ sinh… lớp 7 khiến tôi choáng váng. 

Nhiều người xung quanh vẫn bảo, trẻ vị thành niên giờ phát triển nhanh hơn, thêm vào đó lượng thông tin về tình cảm lứa đôi, giới tính trên mạng ầm ầm thì việc yêu sớm hay ngộ nhận đang yêu là điều dễ hiểu. Từ khóa mà một số bạn trẻ rơi vào chuyện yêu sớm thường chọn xoay quanh chuyện tình cảm, sự nổi loạn khi gặp chuyện trái ý. Đáng lo là các em chọn những từ khóa không mấy tích cực thay vì chọn những từ khóa đúng tuổi mình. 

Lần khác, tôi nghe câu chuyện về một bạn trẻ đã ra trường, đi làm một vài nơi nhưng chưa có công việc nào làm trọn vẹn tới cùng. Nơi bạn tới thử việc vài ba tháng thì chê lương thấp, có nơi đi làm nửa năm thì bảo đồng nghiệp khó khăn, cũng có nơi chê không đánh giá đúng năng lực của mình...

“Em học ngành thiết kế nhưng em thật sự thích làm kinh doanh hơn. Thật khó làm tốt công việc nếu không thích, nên bây giờ em muốn làm việc mình thích”, cô bạn nói. Thế mà, chưa được 2 tháng, bạn bảo không thích nữa, dù thời gian thử việc còn chưa hết. Bạn bảo đã tự học và đọc rất nhiều kiến thức nhưng thực tế khác quá. Trong những ngày rời chỗ thử việc, bạn đăng nhiều dòng trạng thái với những hashtag, từ khóa tiêu cực về công việc.

Người trẻ bây giờ luôn có những nỗi sợ bủa vây. Họ thích thay đổi nhưng lại sợ thay đổi, thích làm đủ thứ nhưng sợ thất bại, sợ vận động, sợ người ta nói này nói kia… Nhiều người khi đối mặt với khó khăn trong đời luôn chọn những từ khóa tiêu cực như lo lắng, mất niềm tin, từ bỏ, do người khác, không phải tại mình… Họ chống chế đổ lỗi khi không đủ năng lực làm những việc mình bảo yêu thích, không đủ kiên nhẫn để đi đến cùng những công việc đã chọn. Không hành động, không kiên trì, gạt bỏ cố gắng… là những gì dễ lựa chọn nhất. 

Luôn có những từ khóa đơn giản, nhỏ bé kiến tạo nên cuộc sống tử tế. Chỉ cần thay đổi góc nhìn, biết cách chọn từ khóa ý nghĩa, mọi thứ sẽ dễ chịu, thiết thực hơn nhiều. Đương nhiên, nhiều từ khóa hay ho không phải ai cũng làm được. Nhưng nếu đủ sức chọn, không ngừng thay đổi để tốt hơn, trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình, chắc chắn ít ai thụt lùi với thế giới và chính bản thân. Giữa guồng quay khắc nghiệt của cuộc sống hiện đại, người trẻ luôn phải lao về phía trước. Và dù có ra sao thì vẫn còn một từ khóa là “bình tĩnh sống”. 

Mong muốn hoàn thiện bản thân, tạo ra giá trị và lan tỏa giá trị đến cộng đồng chính là thứ nhiên liệu mạnh nhất giúp người trẻ chuyển động tiến lên phía trước, để không sống cuộc đời quá nhỏ bé, hạn hẹp… 

Tin cùng chuyên mục