Người trẻ cũng mắc Parkinson

Parkinson là một trong những bệnh thoái hóa hệ thần kinh tiến triển thường gặp ở người lớn tuổi, nhưng theo các chuyên gia y tế, có đến 10% trường hợp người bệnh khởi phát khi dưới tuổi 40. 
Bác sĩ Trần Ngọc Tài thăm khám và tư vấn cho bệnh nhân bị bệnh Parkinson. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Bác sĩ Trần Ngọc Tài thăm khám và tư vấn cho bệnh nhân bị bệnh Parkinson. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Diễn tiến bệnh ngày càng nặng với các dấu hiệu như run người lúc nghỉ, người chậm cử động và đơ cứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Nếu không được chẩn đoán và điều trị, sau 5 - 7 năm, người bệnh có nguy cơ bị tàn phế.

Chưa 40 tuổi đã mắc bệnh

Đi lại khó khăn, nhưng chị Đ.T.N. (41 tuổi, ngụ tại quận 12, TPHCM) vẫn chăm chỉ đi sinh hoạt câu lạc bộ (CLB) dành cho người bệnh Parkinson tại Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TPHCM. Chị N. chia sẻ, chị bắt đầu phát bệnh Parkinson từ năm 30 tuổi với triệu chứng bị đơ cứng tay chân, khó vận động. Ban đầu, gia đình cứ nghĩ chị bị đột quỵ. Sau đó, chị N. đến BV Đại học Y Dược TPHCM khám và được chẩn đoán bị Parkinson. Sau thời gian điều trị khoảng 5 năm, chị N. được phẫu thuật kích thích não sâu. Đến nay, sau 11 năm điều trị, chị N. đã đi lại được, tuy nhiên vẫn phải dùng thuốc hỗ trợ giảm triệu chứng bệnh hàng ngày. 

Cũng chưa đầy 40 tuổi nhưng đã mắc bệnh Parkinson, chị N.T.K.O. (39 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Nai) được chẩn đoán bị bệnh từ 2 năm về trước. Ban đầu, chị O. bị run tay phải, cử động chậm chạp và mất khả năng ngửi mùi. Khám bệnh tại địa phương, chị được các bác sĩ chỉ định điều trị bằng thuốc Levodopa. Sau một năm, chị O. xuất hiện biến chứng vận động do sử dụng thuốc, bị loạn động và dao động vận động. Sau đó, chị được chuyển đến Khoa Thần kinh của BV Đại học Y Dược TPHCM. Các bác sĩ đã tiến hành khám để đánh giá và điều chỉnh lại thuốc điều trị. Sau khi điều chỉnh thuốc, tình trạng người bệnh ngày càng ổn định.

Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân dẫn đến bệnh Parkinson là do các tế bào thần kinh nhất định trong não dần dần chết đi. Kết quả là xuất hiện nhiều triệu chứng của bệnh như đơ cứng tay chân, di chuyển khó khăn, hạn chế vận động… do mất tế bào thần kinh sản xuất ra dopamine - một chất hóa học trong não. Ngoài ra, bệnh Parkinson còn liên quan chủ yếu đến yếu tố di truyền và độc tố môi trường. Khi trực tiếp tiếp xúc với một số độc tố trong môi trường (như mangan kim loại) có thể gây ra các triệu chứng của bệnh Parkinson.

Cần phát hiện để điều trị sớm

Tiến sĩ - bác sĩ Trần Ngọc Tài, Phó Trưởng khoa Thần kinh, Trưởng Đơn vị rối loạn vận động (BV Đại học Y Dược TPHCM), cho biết người bệnh Parkinson ở giai đoạn nặng có thể gặp phải biến chứng như: sa sút trí tuệ, sụt cân, suy kiệt, nhiễm trùng phổi và đường tiểu; té ngã gây chấn thương, gãy xương, đặc biệt cổ xương đùi ở người lớn tuổi. Ngoài ra, người bệnh còn xuất hiện các biến chứng do điều trị thuốc Levodopa như dao động vận động, loạn động. Dao động vận động ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống người bệnh, làm giảm khả năng vận động và tương tác xã hội, gây trở ngại cho các hoạt động sống hàng ngày. Bác sĩ Trần Ngọc Tài thông tin, có thể nhận biết sớm bệnh Parkinson thông qua 4 triệu chứng chính như: run khi nghỉ, đơ cứng, cử động chậm, rối loạn dáng đi và mất ổn định tư thế. Ngoài ra, người bệnh còn có các triệu chứng như viết chữ khó khăn, nhỏ dần; giọng nói thay đổi; thường xuyên bị táo bón, chảy nước dãi; tiểu gấp; giảm ham muốn tình dục, mất ngủ… “Để hạn chế rủi ro mà bệnh gây ra, ngay khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh Parkinson, người bệnh nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Người bệnh Parkinson nên giữ tinh thần lạc quan, tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ cũng như duy trì chế độ dinh dưỡng và tập luyện phù hợp”, bác sĩ Trần Ngọc Tài khuyến cáo. 

Theo nghiên cứu của các chuyên gia y khoa, việc người bệnh tập vận động 2,5 giờ/tuần có thể làm chậm diễn tiến của các triệu chứng bệnh Parkinson. Ngoài ra, vận động cũng giúp kiểm soát triệu chứng vận động và cải thiện các triệu chứng khác như mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, khí sắc và tình trạng sức khỏe. Cho đến nay vẫn chưa có phương pháp nào có thể chữa trị dứt điểm cũng như làm chậm tiến triển của bệnh Parkinson. Vì vậy, người bệnh Parkinson khi biết mình bị bệnh này thường hay lo lắng, sợ hãi, bi quan. Tuy nhiên, khi được theo dõi và điều trị tốt, nhiều người bệnh Parkinson vẫn có triệu chứng rất nhẹ và có thể tiếp tục làm công việc hiện tại của mình trong nhiều năm, từ đó giúp người bệnh Parkinson có chất lượng sống tốt hơn.

Theo số liệu thống kê, tại Việt Nam hiện có khoảng 85.000 người mắc bệnh Parkinson. Riêng ở BV Đại học Y Dược TPHCM, số liệu từ Khoa Thần kinh cho thấy số lượng người bệnh Parkinson đến khám và điều trị có xu hướng tăng nhanh, từ tháng 9-2018 đến nay có tới gần 2.700 trường hợp người bệnh đang được theo dõi và điều trị (trên tổng số 8.000 lượt người bệnh đến khám; trung bình mỗi tháng có 500 - 600 lượt khám bệnh Parkinson tại BV). 

Để tìm hiểu những thông tin liên quan đến bệnh Parkinson, người dân có thể đăng ký tham gia vào Hội Người bệnh Parkinson và rối loạn vận động Việt Nam tại BV Đại học Y Dược TPHCM. Cứ mỗi 3 tháng, BV tổ chức sinh hoạt hội nhằm cung cấp kiến thức mới cho bệnh nhân Parkinson về cách điều trị bệnh. 

Tin cùng chuyên mục