Nguy cơ cháy, nổ tại cửa hàng xăng dầu từ nhập nhiên liệu sai quy trình

An toàn phòng cháy chữa cháy tại các cửa hàng xăng dầu được dư luận xã hội và các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm, vì các vụ cháy, nổ tại cửa hàng xăng dầu thường để lại thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

An toàn phòng cháy chữa cháy tại các cửa hàng xăng dầu được dư luận xã hội và các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm, vì các vụ cháy, nổ tại cửa hàng xăng dầu thường để lại thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản.

Bên cạnh các tác nhân có thể dẫn đến cháy nổ đã được niêm yết bằng bảng cảnh báo tại những cửa hàng xăng dầu như: việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt và điện thoại di động... Thì quá trình xuất nhập nhiên liệu cũng là một hoạt động luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cháy nổ đối với các cơ sở kinh doanh xăng dầu.

Cảnh sát PCCC thành phố kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh xăng dầu

Gần đây nhất, chiều 16-12-2016, ngọn lửa bất ngờ bùng phát dữ dội tại cửa hàng xăng dầu TT75 thuộc Công ty TNHH Hoàng Yến Ngọc ở phường 8, quận Gò Vấp lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo cho việc thực hiện an toàn PCCC tại các cửa hàng xăng dầu. Bởi qua kết quả điều tra của Cảnh sát PCCC TPHCM, nguyên nhân dẫn đến vụ cháy nêu trên là do nhân viên cửa hàng đã bất cẩn trong quá trình bơm xăng từ xe bồn vào bể chứa.

Chia sẻ kinh nghiệm trong việc này, bà Lê Thị Hồng Lý, Chủ doanh nghiệp tư nhân thương mại Hồng Lý, quận Bình Tân cho rằng nếu sơ sẩy một quy trình nhỏ thôi sẽ dẫn đến hệ luỵ không lường, do đó đơn vị rất chú trọng từng chi tiết khi thực hiện nhập liệu. Nghiêm ngặt từ khâu ký hợp đồng với đơn vị đủ điều kiện vận chuyển xăng dầu đến việc yêu cầu các tài xế, phụ xế của xe bồn chở xăng đến cơ sở phải biết sử dụng các công cụ PCCC tại cây xăng. Khi chuẩn bị nhập xăng dầu thì công ty cũng báo trước với bên mà mình ký hợp đồng phải cử xe bồn và những người điều khiển phải là quen thuộc với cơ sở, đỡ phải đối diện những người chưa quen việc, dễ gây ra sai lầm.

Cháy dữ dội tại cửa hàng xăng dầu TT75 thuộc Công ty TNHH Hoàng Yến Ngọ

Theo các chuyên gia của Cảnh sát PCCC TPHCM, các cơ sở cửa hàng xăng dầu luôn tiềm ẩn những nguy cơ, nguy hiểm dẫn đến cháy, nổ xuất phát từ nguyên nhân xăng dầu là nhiên liệu đặc biệt nhạy lửa, đây là các chất rất dễ bay hơi, kể cả khi nhiệt độ môi trường xuống thấp, xăng vẫn hóa hơi, kết hợp với oxy trong không khí tạo thành hỗn hợp chất nguy hiểm gây ra cháy, nổ khi bắt gặp nguồn lửa, nguồn nhiệt. Hơi xăng, dầu nhẹ hơn không khí nên khi khuếch tán vào không khí thường bay là là trên mặt đất và khi tích tụ ở mức độ nhất định sẽ tạo thành hỗn hợp nguy hiểm cháy, nổ.

Xăng, dầu khi gặp nước, xăng dầu nổi lên trên, lan rộng ra xung quanh, khi gặp nguồn lửa, nguồn nhiệt gây cháy thì tốc độ cháy lan nhanh, tỏa nhiệt lớn kèm theo khí thải độc hại.

Xăng, dầu là chất không dẫn điện, nhưng có khả năng phát sinh tĩnh điện. Trong quá trình bơm rót, vận chuyển, xăng dầu bị xáo trộn, các phần tử xăng dầu ma sát với nhau và ma sát với thành thiết bị (thành ống, vỏ thiết bị chứa) sinh ra tĩnh điện, các điện tích này tích tụ đến một điện thế đủ lớn (300V) sẽ gây ra hiện tượng phóng tia lửa điện gây cháy hỗn hợp hơi xăng, dầu.

Do đó, theo chuyên gia, để góp phần hạn chế những nguy cơ dẫn đến cháy nổ, đảm bảo an toàn PCCC các cơ sở kinh doanh xăng dầu phải được cơ quan Cảnh sát PCCC cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn phòng cháy chữa cháy, nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về phòng cháy chữa cháy, các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong quá trình xây dựng, kinh doanh. Củng cố lực lượng PCCC tại chỗ và thường xuyên tổ chức tuyên truyền, huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy cho lực lượng này nắm vững kiến thức về phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn. Thường xuyên tập luyện sử dụng thành thạo các phương tiện chữa cháy đã trang bị, xử lý thuần thục có hiệu quả các tình huống cháy nổ, cứu người và hướng dẫn thoát nạn.

Bên cạnh đó, lãnh đạo các doanh nghiệp, chủ các cửa hàng xăng dầu phải thực hiện tốt trách nhiệm của mình trong việc tổ chức duy trì chế độ tự kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy thường xuyên và định kỳ để chủ động phát hiện và ngăn ngừa những nguy cơ gây mất an toàn có thể dẫn đến cháy, nổ. Đồng thời phải thực hiện đúng các quy trình nhập, xuất xăng dầu (tạm dừng hoạt động bán hàng cho phương tiện, lập hàng rào cách ly xung quanh khu vực xe bồn, bố trí người và phương tiện chữa cháy túc trực). Niêm yết đầy đủ các biển báo cấm lửa, cấm hút thuốc, cấm sử dụng điện thoại di động và niêm yết nội quy phòng cháy chữa cháy rõ ràng, nơi dễ thấy để mọi người đọc. Thường xuyên nhắc nhở khách hàng thực hiện nghiêm túc và không sử dụng điện thoại di động hoặc hút thuốc trong khu vực bơm xăng, dầu. Tổ chức diễn tập phương án chữa cháy tại các cửa hàng kinh doanh xăng dầu, hàng năm kiểm tra bổ sung phương án chữa cháy - cứu hộ phù hợp với điều kiện thực tế...

Đặc biệt, khi có sự cố cháy, nổ xảy ra phải tổ chức chữa cháy kịp thời, phát huy phương châm 4 tại chỗ “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ”, đồng thời nhanh chóng báo cháy cho lực lượng cảnh sát PCCC chuyên nghiệp để có những biện pháp chữa cháy hiệu quả, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra.

Bích Hạnh

Tin cùng chuyên mục