Nguy cơ ngộ độc từ thực phẩm tự đóng hộp

Liên tiếp nhiều trường hợp nguy kịch, thậm chí tử vong do độc tố botulinum có trong đồ chay đóng hộp thời gian qua đã khiến nhiều người lo ngại về sự an toàn của loại thực phẩm này. Các chuyên gia khuyến cáo, trong bối cảnh thuốc giải độc tố này vô cùng khan hiếm, người dân cần cẩn trọng hơn trong việc sử dụng thực phẩm tự đóng hộp.  
Một bệnh nhân ngộ độc botulinum đang điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115
Một bệnh nhân ngộ độc botulinum đang điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115

Liên tiếp các vụ ngộ độc nặng

Mới đây, khoảng 30 người là Phật tử đến miếu Chiêu Liêu (TP Thủ Dầu Một) cùng nấu và ăn món bún riêu cua chay. Sau khi ăn, nhiều trường hợp xuất hiện các triệu chứng yếu liệt chi, nói đớ, khó nuốt và được đưa đến các bệnh viện (BV) cấp cứu. Tính đến thời điểm này đã ghi nhận 6 trường hợp ngộ độc nặng, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Cũng trong tháng 3, liên tiếp 2 vụ ngộ độc thực phẩm nghi do độc tố botulinum cũng xảy ra tại tỉnh Kon Tum khiến 3 người chết và 25 người khác phải nhập viện điều trị. Trước đó, vào tháng 9-2020 cả nước ghi nhận 16 người bị ngộ độc botulinum rất nặng liên quan đến sản phẩm pate Minh Chay của Công ty TNHH 2 thành viên Lối Sống Mới. 

Theo BS Trần Văn Phúc, BV Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), độc tố botulinum có ở khắp nơi, được tạo ra bởi vi khuẩn Clostridium botulinum, là độc tố nguy hiểm gây chết người chỉ với hàm lượng rất nhỏ. Chỉ cần lượng độc chất botulinum bằng hạt cát cũng đủ giết chết khoảng 10.000 người trưởng thành. Botulinum là chất độc thần kinh cực mạnh, nó xâm nhập vào các tế bào thần kinh, ngăn chặn sự giải phóng chất dẫn truyền acetylcholine từ các đầu dây thần kinh. Một khi chất dẫn truyền thần kinh này bị chặn, xung thần kinh không thể truyền dẫn, giao tiếp các tế bào thần kinh không được thực hiện, làm các cơ bị tê liệt. Tuy nhiên, vi khuẩn này chỉ hoạt động trong môi trường thiếu oxy. Ở điều kiện thông thường, vi khuẩn biến thành nha bào không hoạt động, nên không sinh ra độc tố. Để diệt được nha bào, phải đun ở nhiệt độ 1210C trong 30 phút. “Nếu nha bào không bị tiêu diệt, chúng ta ăn phải, vào cơ thể là môi trường thiếu oxy nha bào sẽ nảy mầm phát triển thành vi khuẩn, sinh ra botulinum gây ngộ độc”, BS Trần Văn Phúc cho hay.

Xâu chuỗi các sự việc, nhiều người thắc mắc tại sao độc tố botulinum xuất hiện nhiều trong các loại thực phẩm chay khiến những người có thói quen ăn chay trở thành đối tượng chính trong các vụ ngộ độc này. Theo BS Trần Văn Phúc, thực phẩm chay có bản chất là protein thực vật, rất hạn chế sử dụng chất bảo quản NaCl và Nitrite - đây là những chất ức chế rất hiệu quả vi khuẩn Clostridium botulinum. Thực phẩm chay rất khó để sử dụng ở nhiệt độ 1210C, nhằm diệt vi khuẩn và nha bào. Hạn sử dụng thực phẩm chay lại kéo dài nhiều tháng. Đặc biệt, bảo vệ thực phẩm chay bằng bao bì hút chân không đang trở thành phong trào, trong môi trường yếm khí với nhiệt độ bảo quản thấp là điều kiện tuyệt vời để vi khuẩn phát triển và sinh ra độc tố botulinum.

Khan hiếm thuốc giải độc

Trong 6 bệnh nhân ngộ độc Clostridium botulinum sau khi ăn bún riêu chay ở Bình Dương mới đây, chỉ có 3 người có dấu hiệu phục hồi nhờ sử dụng những lọ huyết thanh kháng độc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) cuối cùng có ở Việt Nam. Trong số này, nữ bệnh nhân 53 tuổi có dấu hiệu “hồi sinh” mạnh mẽ khi sức cơ cải thiện đáng kể, nghe hiểu khi tiếp xúc. BS Trần Văn Sóng, Phó Giám đốc BV Nhân dân 115, cho biết, đơn vị này tiếp nhận 3 bệnh nhân nhưng chỉ 1 bệnh nhân đầu tiên được dùng huyết thanh BAT, 2 người nhập viện sau không có cơ hội sử dụng thuốc giải độc này nên tình trạng vẫn khá nguy kịch. “Trong lúc chờ thuốc đặc trị, chúng tôi áp dụng giải pháp điều trị hỗ trợ, đồng thời thay huyết tương với hy vọng lọc bớt độc tố trong cơ thể. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tạm thời”, BS Trần Văn Sóng chia sẻ. 

Nguy cơ ngộ độc từ thực phẩm tự đóng hộp ảnh 1 Bệnh nhi ngộ độc pate chay được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 2
Lý giải về sự khan hiếm thuốc giải độc tố botulinum, TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy, cho hay, BAT là loại thuốc cực hiếm, chỉ có Canada sản xuất, giá lại đắt đỏ (khoảng 8.000 USD/lọ) và thời hạn sử dụng chỉ kéo dài 2 năm. Trong khi đó, trên thế giới, các vụ ngộ độc Clostridium botulinum ít khi xảy ra. Nhu cầu sử dụng ít thì các nhà sản xuất cũng chỉ sản xuất cầm chừng. 

Trong bối cảnh thuốc giải độc khan hiếm, người dân nên cẩn trọng trong việc sử dụng các loại thực phẩm tự đóng hộp. Do độc tố botulinum không mùi, không màu, không vị nên việc người dân có thể tự nhận biết các thực phẩm có chứa độc tố này không hề dễ dàng. “Người dân không nên sử dụng các loại thực phẩm đồ hộp có dấu hiệu phồng lên, hư hại. Các thực phẩm đóng hộp của doanh nghiệp lớn thường được sản xuất trên các dây chuyền hiện đại, đã tiệt khuẩn đảm bảo an toàn, nhưng đồ hộp đóng thủ công của các cơ sở nhỏ lẻ hoặc hộ gia đình tự làm sẽ không có quy trình diệt khuẩn, do đó đây là những sản phẩm dễ nhiễm độc botulinum và các vi khuẩn khác. Dấu hiệu của ngộ độc botulinum trong giai đoạn đầu giống như rối loạn tiêu hóa, bệnh nhân có thể mệt mỏi, nôn ói. Các triệu chứng sụp mi mắt, khó thở và suy hô hấp xuất hiện sau 1-2 ngày. Vì vậy, nếu người dân thấy sau khi ăn có tình trạng rối loạn tiêu hóa, mi mắt sụp, nói khàn giọng cần đến ngay các cơ sở y tế để can thiệp tránh nguy cơ liệt toàn thân”, TS-BS Lê Quốc Hùng cảnh báo.

Trước tình trạng nhiều vụ việc ăn thực phẩm chay bị ngộ độc gây chết người, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có văn bản chỉ đạo Bộ NN-PTNT tăng cường quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh đồ chay, bảo đảm an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm theo đúng quy định.

Tin cùng chuyên mục