
Trong những ngày vừa qua, tại một số tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long đã có dấu hiệu xuất hiện bệnh dịch; đặc biệt, tại Bến Tre đã có trên 6.000 con gà chết. Trong khi đó, ý thức chủ quan trong phòng chống dịch của rất nhiều người dân và chính quyền địa phương là rất đáng lo ngại khiến nguy cơ tái phát dịch cúm rình rập hàng ngày.
PV Báo SGGP trao đổi với Cục trưởng Cục Thú y Bùi Quang Anh về biện pháp chấn chỉnh tình trạng trên.
- Thông thường dịch chỉ tái phát khi thời tiết lạnh, nhưng việc tái phát dịch vào mùa nắng nóng, phải chăng chúng ta đã quá lơi lỏng trong kiểm dịch thú y?

Thịt gà không bao bì bày bán tràn lan tại các chợ. (Ảnh chụp 17 giờ 45 ngày 5-7-2005).
- Thực tế thì Cục Thú y vẫn tiếp tục duy trì phòng chống nguy cơ tái phát dịch cúm gia cầm liên tục trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, việc chăn nuôi mạnh mẽ trở lại cùng với việc vận chuyển được các địa phương nới lỏng hơn khiến lực lượng thú y không kiểm soát hết cũng là nguyên nhân gây ra dịch bệnh.
Chúng tôi chuẩn bị phát động các địa phương tiếp tục ra quân đồng loạt thực hiện các biện pháp kiểm dịch vận chuyển, chăn nuôi, giết mổ và tiêu độc khử trùng. Đây sẽ là biện pháp chủ lực bắt buộc để kiểm soát được nguy cơ tái phát dịch từ nay đến cuối năm.
- Chúng ta luôn kêu gọi phải kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển và giết mổ, nhưng trên thực tế lại không diễn ra như thế – vận chuyển, giết mổ và tiêu thụ gia cầm diễn ra khá tự do. Vậy trách nhiệm của ngành thú y đến đâu và trách nhiệm của chính quyền địa phương như thế nào?
- Trách nhiệm chính vẫn là của chính quyền địa phương. Cục Thú y của chúng tôi chỉ có hơn 40 người kiểm soát sao được? Cục chỉ hướng dẫn thực hiện còn địa phương là nơi tổ chức thực hiện. Tuy nhiên, tôi đề nghị chính quyền địa phương chỉ đạo cho 3 lực lượng hải quan, biên phòng, quản lý thị trường tham gia cùng các chi cục thú y để phòng chống dịch.
- Nhiều nước lân cận Việt Nam đã tái phát dịch cúm. Cục Thú y có biện pháp phối hợp như thế nào để ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch cúm từ các nước láng giềng.
- Ở Mỹ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan đã có hiện tượng tái phát dịch cúm. Trong khi đó, việc vận chuyển lậu gia cầm qua biên giới khá nhiều nhưng chính quyền các địa phương chưa có biện pháp khắc phục hữu hiệu. Cục Thú y đã có chỉ đạo tạm dừng nuôi và ấp trứng thủy cầm. Nhiều người không vận chuyển con giống thủy cầm nữa mà mua trứng thủy cầm ấp sắp nở về cho nở rồi nuôi để qua mặt cơ quan chức năng làm cho nguy cơ xuất hiện dịch càng lớn.
Cục Thú y đã đưa ra hai biện pháp phòng chống cả trong và ngoài nước. Ở trong nước chúng tôi đã cử 6 đoàn công tác xuống các vùng chăn nuôi gia cầm trọng điểm ở đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long củng cố và duy trì lại ban phòng chống dịch cúm gia cầm của tỉnh.

Cơ sở giết mổ gà bán công nghiệp Song Thu ở quận 12, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm
Cục Thú y sẽ huy động toàn bộ lực lượng của mình xuống cơ sở để tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn nông dân các biện pháp chống dịch. Song song với việc khống chế dịch trong nước, ngành thú y đã bổ sung lực lượng đến các xã, phường ở tuyến biên giới, vùng có nguy cơ dịch tiềm ẩn cao, nắm bắt và xử lý ngay các trường hợp vận chuyển trái phép động vật từ nước ngoài vào.
- Vừa qua, cơ quan thú y của thế giới khuyến cáo thủy cầm ở Việt Nam có tỷ lệ mang virus rất cao. Cục Thú y có biện pháp gì trước nguy cơ này?
- Khuyến nghị của các chuyên gia thế giới là hoàn toàn chính xác: trong số 40 triệu con thủy cầm ở Việt Nam có khoảng 10 triệu con có nguy cơ mang trùng rất cao. Do vậy, các địa phương hết sức chú ý xử lý chặt chẽ và triệt để những con virus vẫn còn nhiều ở trong thủy cầm.
Loại virus này có thể lây sang gà. Đối với thủy cầm có mắc bệnh cúm, ở vùng chăn nuôi tập trung thì cần tiêu hủy toàn bộ. Ở vùng nuôi nhỏ lẻ thì phải phong tỏa ngay những điểm có dịch và vùng phụ cận để xử lý kịp thời.
- Việc quy hoạch lại chăn nuôi, vận chuyển và giết mổ gia cầm sẽ được tiến hành ra sao trong thời gian tới, thưa ông?
- Chăn nuôi được định hướng theo 3 phương thức: công nghiệp, bán công nghiệp và nông hộ; trong đó chú trọng hình thức chăn nuôi bán công nghiệp. Trước năm 2007, thực hiện xong cơ sở giết mổ gia cầm tập trung ở 16 tỉnh thành phố trọng điểm, tiến tới xóa bỏ giết mổ nhỏ lẻ trong nội thành, nội thị. Việc vận chuyển gia cầm phải bằng phương tiện chuyên dụng trong vùng không có dịch.
Đến ngày 1-8-2005, sẽ bắt đầu tổ chức tiêm vaccine cho đàn gia cầm ở Nam Định và Tiền Giang; sau đó, vào tháng 9 sẽ tiêm phòng trên diện rộng ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long. Việc tiêm vaccine chỉ được tiến hành trên đàn gia cầm nuôi nhốt để kiểm soát khả năng có thể biến đổi và thải ra loại virus khác.
- Xin cảm ơn ông.
VĂN NGHĨA
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Thương mại): Hiện nay, chúng tôi vẫn thường xuyên chỉ đạo các chi cục quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan trên địa bàn tổ chức kiểm soát chặt chẽ vệ sinh thú y đối với việc buôn bán, giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm. |