Nguy cơ vỡ Quỹ Bảo hiểm y tế: Vì sao?

Nguy cơ vỡ Quỹ Bảo hiểm y tế: Vì sao?

“Có phải vì đầu năm 2005 bảo hiểm y tế (BHYT) dư 2.000 tỷ đồng, bị Quốc hội phê bình, nên để “hợp thức hóa” nhanh số tiền này, những người làm chính sách BHYT vội vã mở rộng quyền lợi của người được BHYT. Kết quả mới chỉ trong nửa đầu năm 2006 đã bị âm quỹ hơn 118 tỷ đồng (vượt chi), nguy cơ vỡ quỹ BHYT hiện nay rất cao” – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định Đỗ Hoàng Giao đã cảnh báo trong buổi giám sát của ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tại Sở Y tế TPHCM về thực hiện BHYT vào hôm qua 22-9.

  • Bác sĩ không thể điều hành BHYT!

Nguy cơ vỡ Quỹ Bảo hiểm y tế: Vì sao? ảnh 1

Bệnh nhân diện BHYT đến chụp CT tại Medic chỉ có 500.000 đồng, trong khi BHYT thanh toán đến 700.000 đồng. Ảnh: NG.TR.

Theo ông Giao, các bệnh viện hiện nay lâm vào tình trạng người nào cầm được thẻ BHYT thì đi khám vô tội vạ, khám để lấy thuốc đem ra ngoài bán và đòi khám bằng những kỹ thuật cao. Chưa hết, mới mua BHYT hôm trước, ngay lập tức hôm sau vào bệnh viện để… chạy thận nhân tạo.

Bà Hà Thị Hiền, Phó Giám đốc BHXH TPHCM - đơn vị quản lý quỹ BHYT - thừa nhận: Nguyên nhân bội chi là do nguồn thu thì “cứng” nhưng chi lại “mềm” theo yêu cầu điều trị bệnh bằng những kỹ thuật mới. Từ khi có Nghị định 63/CP ngày 1-7-2005, quyền lợi về khám chữa bệnh bằng BHYT được mở rất rộng như không thực hiện đồng chi trả với bảo hiểm khi chi cho các bệnh bẩm sinh, mở rộng danh mục thuốc, kỹ thuật chẩn đoán, điều trị…

Quỹ bị vượt chi nhiều nhất thuộc những người tham gia BHYT tự nguyện. Đối tượng này đa phần đang mắc bệnh mãn tính, hiểm nghèo, chi phí điều trị lớn. Trong khi đó, mức đóng tiền mua bảo hiểm rất thấp (phí BHYT tự nguyện 150.000/năm) không đáp ứng được quyền lợi mở rộng và giá dịch vụ y tế. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là có phải vì gấp rút “thanh lý” 2.000 tỷ đồng dư mà lại đẩy BHYT vốn là chủ trương đúng, hợp lòng dân, một lần nữa trở thành nỗi “ám ảnh” của cả thầy thuốc lẫn bệnh nhân.

Rồi những bất cập trong việc đưa thẻ BHYT tự nguyện đến người dân tại sao chỉ có những người bị bệnh mua thẻ, rồi trong gia đình 5 người thì chỉ có 3 người bệnh mua. Trong khi đó ai cũng hiểu BHYT là một hình thức người giàu chia sẻ với người nghèo, người lành gánh cho người bệnh. “BHYT phải xã hội hóa theo nhu cầu của thị trường. Chúng ta đang dùng kinh tế thị trường để thúc đẩy nền kinh tế phát triển thì không lý gì lại bao cấp BHYT.

BHYT cũng như một ngân hàng, do vậy không ai lại đi giao cho anh bác sĩ điều hành ngân hàng được. BHYT phải là một ngành chuyên môn, nên cần có sự điều hành chuyên nghiệp chứ không phải ai làm cũng được” – ĐBQH Nguyễn Thế Hiệp nói gay gắt. Ông kể tiếp, vì ai làm BHYT cũng được nên mới có chuyện một quan chức của ngành BHYT cho rằng quỹ dư 2.000 tỷ năm ngoái là tốt, lấy tiền ấy đi gửi ngân hàng để sinh lãi! Và cũng chính không chuyên nghiệp nên mới “đẻ” ra chính sách bằng cách mở rộng quyền lợi được hưởng để tiêu cho hết 2.000 tỷ đồng khi bị phê bình, không ngờ bây giờ nó lại thâm quỹ!

  • BHYT ép bệnh viện ký hợp đồng?

Nguy cơ vỡ Quỹ Bảo hiểm y tế: Vì sao? ảnh 2

Bệnh nhân chạy thận được bảo hiểm y tế thanh toán tại BV An Sinh TPHCM. Ảnh: NG.TR.

“Tại sao trên hợp đồng giữa BHYT với bệnh viện thì ghi là đã được sự thỏa thuận hai bên, nhưng mà chúng tôi chỉ có quyền ký vào chứ không có ý kiến gì khác” – bác sĩ Phan Quý Nam, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương nói. Cũng vì “bao cấp” hợp đồng kiểu này nên mới xảy ra tình trạng bệnh viện của ông giá phòng từ 30.000 đồng đến 170.000 đồng/ngày nhưng BHYT chỉ trả cao nhất là 18.000 đồng/ngày.

Ông Nghiêm Trần Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT – Bộ Y tế lên tiếng: Bộ Y tế không có chủ trương “ép” bệnh viện phải ký hợp đồng với BHYT; tất cả hợp đồng phải trên cơ sở tự thỏa thuận. “Nếu vậy chúng tôi có quyền không ký nếu không đạt thỏa thuận có được không?

Đúng như vậy tôi sẽ thông báo ngay cho các bệnh viện, trung tâm y tế!” – Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Thế Dũng đáp lại. Đại diện Bộ Y tế nhẹ nhàng: Thỏa thuận nhưng mà phải trên những nguyên tắc đã được Bộ Y tế quy định. Và ngay cả danh mục thuốc Bộ Y tế cũng chủ trương chỉ thống nhất một loại! “Nhưng mà áp giá tiền cho từng loại thuốc là phân loại rồi và đừng bắt người thầy thuốc phải thấy đồng tiền trước khi thấy sự cấp bách phải cứu người” – GĐ Sở Y tế TP bày tỏ quan điểm.

“Cũng may bệnh viện của tôi đã thống nhất chỉ sử dụng một danh mục thuốc cho cả người có và không có BHYT, chứ những nơi khác phải sử dụng danh mục thuốc cho BHYT riêng vậy đâu là hình ảnh người thầy thuốc. Người thầy thuốc chỉ trị bệnh theo phác đồ điều trị thôi vì khi cứu người đừng bắt chúng tôi phải phân biệt có BHYT hay không.” – ông Nam bức xúc. Phó Giám đốc BHXH TP Hà Thị Hiền phản ứng: “Chúng tôi là một cơ quan thực thi chính sách của nhà nước, nên không được phép làm sai. Chúng tôi rất thông cảm với các bệnh viện, giá thấp là do chính sách giá của nhà nước chứ không phải do BHXH TP quy định. Chúng ta chưa gặp nhau là vì BHYT chi theo giá nhà nước, còn bệnh viện thì tính theo giá thị trường”.

Phó Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội của Quốc hội Lê Văn Diêu khẳng định: Việc mở rộng quyền lợi của người có BHYT là tốt, không thể đi ngược được, cái gì càng lợi cho người dân thì phải khuyến khích làm. Tuy nhiên, không phải “mở” để BHYT phải âm quỹ, mà phải cân đối thu đủ chi. Quan trọng hiện nay ngành bảo hiểm phải làm sao để mọi người cùng tham gia BHYT có như thế người khoẻ mới gánh cho người bệnh. Nhưng trước mắt từ thực tiễn BHYT cần tìm giải pháp khắc phục sự mất cân đối vì sao chỉ có người có bệnh rồi mới mua BHYT và vì sao chỉ có 30% sinh viên và 60% học sinh mua BHYT. 

TRẦN TOÀN

Tin cùng chuyên mục