
Sôi nổi, hài hước, lái mô tô Honda CD chạy bon bon khắp Sài Gòn, Tây Ninh… Đó là chân dung của lão “nhà báo làng” gần 90 tuổi Nguyễn Văn Gởi (ấp Vân Hàn, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi).

Năm 1994, khi người bạn đời mất, để vượt qua nỗi buồn, ông Gởi đi viết các mẩu chuyện về nông thôn gửi cho Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM, Bình Dương, Đài Truyền thanh huyện Củ Chi và “bén duyên” nghề cộng tác viên từ đó.
Ông đã đạt nhiều giải thưởng, trong đó có giải B cuộc thi kể “Chuyện vui nông thôn” năm 2008 của Đài Tiếng nói nhân dân TPHCM.
Chuyện của ông hóm hỉnh, gây tiếng cười, nhưng luôn hàm chứa ẩn ý phê phán các thói xấu tật hư thường gặp ở vùng nông thôn, như cờ bạc, rượu chè, mê tín dị đoan…
Sau 15 năm tích cực cộng tác, giờ đây vách tường nhà ông Gởi đã treo kín bằng khen, chứng nhận của đài phát thanh các cấp và chính quyền huyện Củ Chi. Ông Gởi cười, khoe: “Bằng khen thì năm nào đài huyện cũng phát cho một cái, vào dịp kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21-6)”.
Chiếc radio nhỏ luôn kè kè trong túi áo là phương tiện để ông Gởi cập nhật thông tin thời sự hàng ngày. Mỗi khi có chủ trương mới, ông thường hưởng ứng bằng các bài vè, thơ gửi cho đài phát thanh.
Hồi chính quyền ra sức xây dựng điện-đường-trường-trạm cho vùng nông thôn, ông Gởi có thơ ca ngợi: “Điện đèn chiếu sáng khỏi mò/đường làng cán nhựa bớt lo sình lầy/ trường học các cấp dựng xây/ học sinh đến lớp cô thầy ngợi khen/ trạm xá bệnh viện thuốc men...”.
Năm 2008, TP thực hiện “Năm nếp sống văn minh đô thị”, ông viết bài cổ động trên đài phát thanh: “Rác rến gom lại một bên/ thiêu hủy đốt sạch được thêm phân dùng/ không nên vứt bỏ tùm lum/ vô bao quăng liệng lề đường dưới mương/ đồ dơ chuột chết cá ươn/ đừng nên đem bỏ trên đường dưới ao/ đào lỗ chôn lấp cho sâu/ đô thị sạch đẹp mới hầu văn minh”…
Không chỉ cổ động các phong trào ở địa phương bằng ngòi bút, ông luôn cư xử tốt với bà con lối xóm, hòa giải những xung đột trong các gia đình, dòng họ chung quanh và nhiệt tình đóng góp cho các công trình phúc lợi xã hội.
Năm 2000, huyện Củ Chi phát động phong trào “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để xây dựng hệ thống giao thông nông thôn, ông đã hiến ngay 300m2 đất, trị giá hàng trăm triệu đồng.
Tấm Huân chương Kháng chiến hạng ba được treo trang trọng giữa phòng khách là ghi nhận của Chủ tịch nước cho những đóng góp của ông Nguyễn Văn Gởi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Ông Gởi có 3 người con, đều là đảng viên, đang công tác và sinh sống ở Tây Ninh, trong đó người con trai cả là Đại tá-Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh.
Tuy vậy, ông không về ở với con mà vẫn trụ lại một mình trong căn nhà tuềnh toàng ở Củ Chi để ngày ngày “săn” đề tài chuyện vui nông thôn trên chiếc mô tô cũ mèm.
QUÝ LÂM