
Nghề báo được xem là một trong nghề nguy hiểm và nhà báo được xem là những chiến sĩ sẵn sàng có mặt mọi lúc, mọi nơi; ở các điểm nóng. Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Báo Sài Gòn Giải Phóng giới thiệu những chia sẻ của các nhà báo của Báo Sài Gòn Giải Phóng trên mọi lĩnh vực.
Nhà báo Anh Thư: Chuyện tác nghiệp ở nghị trường
Gần 15 năm theo dõi hoạt động nghị trường, dù có lúc gián đoạn, tôi có may mắn được làm việc với nhiều vị đại biểu Quốc hội đáng kính, không chỉ vì hiểu biết uyên bác và bản lĩnh để bảo vệ chính kiến của mình mà còn vì nhân cách, phong cách ứng xử thông minh, đầy tình người của họ.

Tôi còn nhớ tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XI (tháng 6-2006), khi đồng chí Nguyễn Minh Triết, lúc đó được bầu làm Chủ tịch nước. Các phóng viên ai cũng muốn có bài phỏng vấn tân Chủ tịch nước. Là phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng (SGGP), tôi lại càng mong muốn có được bài phỏng vấn đồng chí Nguyễn Minh Triết, nguyên là Bí thư thành ủy TPHCM.
Giờ nghỉ giải lao của phiên họp Quốc hội hôm đó, dĩ nhiên - đồng chí Nguyễn Minh Triết được các phóng viên “quây” kín. Chậm chân một chút, tôi đành phải đứng phía sau lưng ông, cách mấy đồng nghiệp và không có cách nào để hỏi được một câu riêng cho Báo SGGP - cơ quan của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM. Nhìn đồng hồ và biết thời gian đã sắp hết, tôi đánh bạo nói lớn: “Thưa đồng chí, xin đồng chí cho Báo SGGP được hỏi duy nhất một câu thôi ạ”. Thật bất ngờ, tân Chủ tịch nước - đã định bước về phía hội trường Ba Đình để tiếp tục phiên họp - quay lại nở một nụ cười rất tươi: “Đâu, Báo SGGP đâu?”.
Khó diễn tả hết nỗi vui mừng, xúc động của tôi lúc ấy. Vào đúng giây phút đó, tôi hiểu ra rằng sự trân trọng mà mỗi phóng viên nhận được trong quá trình tác nghiệp của mình phần lớn là nhờ vị thế của tờ báo, nhờ uy tín đã được nhiều tầng lớp anh chị, bạn bè đồng nghiệp vun đắp trong rất nhiều năm. Trong mỗi việc mình làm, dù ở bất cứ lĩnh vực nào, dù tiếp xúc với ai, người phóng viên không phút nào được quên điều đó.
Nhà báo Thúy Hải: Viết về thương mại không dễ…
Nói như vậy, không có nghĩa là viết về các lĩnh vực khác sẽ dễ hơn thương mại. Nhưng sau nhiều năm được phân công theo dõi, tôi nhận thấy viết về thương mại - thị trường không chỉ đơn thuần là phản ánh giá cả lên hay xuống các mặt hàng. Thương mại gắn với mua bán, giá cả, với hàng hóa, với xuất nhập khẩu… Nhìn ở góc độ rộng lớn hơn, lĩnh vực thương mại tác động trực tiếp đến sản xuất, đến cuộc sống hàng ngày của người dân và doanh nghiệp.
Chính vì lẽ đó, để viết được tốt các góc cạnh của thương mại là điều không dễ.Chẳng hạn, khi viết bài về một số dịch vụ hoặc mặt hàng nào đó tăng vào thời điểm sau tết, người viết không thể dùng cái nhìn “tự nhiên chủ nghĩa” để phản ánh và quy chụp cho cả một thị trường rộng lớn với những cái tít đại thể như “Thị trường TPHCM sau tết: Hàng hóa đội giá”… Cách viết này, không chỉ làm cho bạn đọc ngộ nhận mà còn tác dụng ngược. Bởi tâm lý kinh doanh theo kiểu “té nước theo mưa” còn khá phổ biến trên thị trường. Và viết như vậy cũng đồng nghĩa với việc phủ nhận công lao của nhiều lãnh đạo và tầng lớp nhân dân đã ra sức tạo ra lượng hàng hóa, dồi dào, phong phú góp phần ổn định thị trường, giá cả trong mùa tết.

Cho đến nay, sau 17 năm làm báo chuyên nghiệp, tôi vẫn luôn trăn trở, thậm chí có những đề tài khiến tôi phải tốn khá nhiều thời gian để suy nghĩ về cách thể hiện sao cho trọn vẹn nhất những vấn đề cần chuyển tải nhưng không để lại tác dụng phụ. Với tôi, để giữ được nghề ngoài sự đam mê, tôi luôn đặt cả tâm hồn, trái tim mình vào từng câu chữ. Hạnh phúc vô bờ mang lại cho nghề báo chính là sự yêu quý của độc giả gần xa. Tôi cũng tự hào vì được làm việc trong một tờ báo Đảng, được đứng trong đội ngũ phóng viên được nhiều người ưu ái dành tặng: “vừa sạch, vừa tinh”!
Nhà báo Hồ Thu: Biên tập viên - người ẩn danh
Cách đây 2 năm, tôi được điều động về tòa soạn với chức danh biên tập viên (BTV). Hơn 10 năm làm công việc của phóng viên khi bắt đầu viết “cứng tay, đều tay” thì được chuyển về một vị trí mà buộc tôi phải quay lại “học” từ đầu. Thực ra, lúc đó tôi rất do dự và băn khoăn. Sau 2 năm với công việc mới, nhiều người hỏi tôi “Nghỉ làm báo rồi à?”. Bởi lâu lắm rồi bút danh của tôi rất hạn chế xuất hiện trên mặt báo. Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam tôi chỉ có đôi tâm sự, giãi bày từ góc độ của người biên tập, cốt để các đồng nghiệp, những cộng tác viên hiểu và cảm thông cho công việc của BTV - những người không có tên trên mặt báo. Người xưa có câu "văn mình, vợ người", bản thân mình nghiệm lại cũng thấy đúng.
Chính vì thế, theo tôi BTV giúp cho phóng viên cải thiện việc viết lách, để cho bài vở trở nên rõ ràng và được trình bày một cách tốt nhất có thể được. BTV tốt là người chuyển tải được ý đồ và không làm mất đi văn phong của người viết; làm thế nào để cho thông tin trong bài báo thêm chính xác. Khi nhận được bài viết thì với trách nhiệm của mình, BTV suy nghĩ để bằng mọi cách làm cho các tác phẩm đến với độc giả dễ dàng hơn.

Đôi lúc có những bài viết của phóng viên BTV phải ngồi viết lại gần như hoàn toàn nhưng độc giả lại không biết tới BTV và bài báo vẫn đứng tên phóng viên. Điều nghịch lý là từ trước đến nay, chưa có một giải thưởng báo chí nào dành cho BTV hay chí ít cũng nhắc đến công lao của người biên tập? Tôi vẫn thường đùa rằng, làm BTV chỉ thấy phạt mà ít khi thấy thưởng, trong đó có tôi.
Nhà báo Hoài Nam: Tìm nhân vật cho tác phẩm báo chí
“Hai năm qua, TPHCM và các tỉnh phía Nam đã có hàng ngàn mô hình, việc làm và cá nhân tiêu biểu học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Rất nhiều cá nhân bình dị với những việc làm thầm lặng nhưng thật cao quý…”. Vụ trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, TS Trương Minh Nhựt nói với tôi như vậy trong cuộc trao đổi với ông bên lề một hội nghị. Trong câu chuyện ông nói, tôi hiểu có hàm ý thúc giục tôi hãy đi và viết về họ. Họ chính là nhân vật cho các tác phẩm báo chí của mình. Nghe ông, tôi vác ba lô lên đường…
Địa phương đầu tiên tôi đến là tỉnh Bình Phước. Trong những tài liệu, báo cáo của địa phương này về kết quả thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” có rất nhiều việc làm và cá nhân tiêu biểu là người dân tộc. Tôi quyết định chọn xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú - nơi có chi bộ ấp Suối Đôi với 99% đảng viên là người dân tộc - dù từ thị xã Đồng Xoài phải đi hàng chục cây số đường rừng. Gặp Bí thư chi bộ ấp Nông Xuân Rỉ, không kịp mời vào nhà uống ly nước sau quãng đường dài, ông đã dẫn tôi đi ngay sang nhà hàng xóm để giới thiệu những “sản phẩm” từ nghị quyết của chi bộ giúp người Stiêng đổi đời từ những cỗ máy chạy bằng điện tưới nước cho mùa vụ bội thu. Rồi cũng với nhiều việc làm khác của hơn 10 đảng viên trong chi bộ mà ông giới thiệu với tôi qua những nghị quyết làm giàu, chỉ một thời gian ngắn đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn mới của một ấp nghèo vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc. Ông và việc làm của những đảng viên và nhiều hộ dân đồng bào các dân tộc ở chi bộ ấp Suối Đôi đã là chất liệu sinh động, gần gũi cho bài viết của tôi.
Từ Bình Phước, tiếp tục về huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đi tìm những việc làm, những cá nhân tiêu biểu - nhân vật tạo nên bài viết cho mình. Từ tỉnh Bến Tre xuống các xã, các huyện, rồi qua tỉnh Trà Vinh bằng đủ phương tiện, từ xe ôm, xe buýt, xe đò, đến qua phà vượt sông, đi đến đâu tôi cũng lần giở tài liệu, dò hỏi, đối chiếu về những người, những việc làm được người dân ghi nhận đã mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng và xã hội. Ở xã vùng sâu Nhơn Thạnh của tỉnh Bến Tre, tôi gặp cô Mười Nguyễn Thị Sớt - một đảng viên cao tuổi được nhiều người dân xứ dừa biết và khâm phục bởi đức tính thương người, chắt chiu từng đồng hoa lợi từ vườn bưởi, vườn chanh và từ đồng lương hưu ít ỏi, từ chỉ vàng dành dụm cả đời để mua BHYT tặng người nghèo, làm đường, làm cầu cho dân đi…

Nhà báo Hoài Nam (phải) trong một chuyến công tác.
Có chiều muộn giữa dông gió tôi đi trên chuyến xe đò từ thành phố Trà Vinh về xã Phú Cần (huyện Tiểu Cần) tìm gặp ông Lâm Văn Bờ, người hàng ngày bỏ tiền đi chợ nấu hàng trăm suất cơm cho người nghèo ăn, nhưng đến nơi không gặp được ông. Giữa cùng đường mưa gió, cuối ngày, hết xe… nhưng tôi vẫn quyết đợi được gặp ông để tìm hiểu những việc làm của ông và những người dân nghĩa tình đã chung sức với ông lo cho dân nghèo vùng đồng bào Khmer, trong đó có thượng tọa Thạch Thưa. Ở nhiều địa phương khác của thành phố Cần Thơ, tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Đồng Nai… tôi đã tìm gặp được hàng chục việc làm nghĩa tình và những mô hình rất gần gũi, sinh động của nhiều đảng viên, cán bộ và người dân đã làm được thật nhiều việc làm có ích cho dân, cho nước và trở thành những hình mẫu cho cách học và cách làm theo tấm gương, đạo đức của Bác Hồ. Những việc làm của cô Mười Sớt, ông Lâm Văn Bờ, sư Thạch Thưa ở Bến Tre, Trà Vinh và của ông Lý Văn Tăng ở Thốt Nốt (TP Cần Thơ) 3 năm bán hơn 2 mẫu đất lấy tiền xây 4 cây cầu cho dân đi; của những mô hình và cách làm hay tại Đảng bộ xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) giúp dân làm giàu, tạo bộ mặt nông thôn mới…, đã là chất liệu sống có giá trị cao cho các bài viết của tôi.
Và thật xúc động, bất ngờ biết bao khi những nhân vật mà tôi đã gặp và là chất liệu trong loạt bài “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - những cách làm hay” được đăng trên Báo SGGP đã liên tiếp đoạt được các giải thưởng báo chí: Giải B Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” của Ban Tuyên giáo Trung ương; giải C Giải Báo chí quốc gia lần thứ IX năm 2014 và giải A Giải Báo chí chất lượng cao năm 2014 của Hội Nhà báo TPHCM. Phần thưởng cao quý đó có hình bóng của những nhân vật mà tôi đã phát hiện được trong hành trình đi tìm chất liệu cho tác phẩm báo chí của mình.
Nhà báo Nguyên Khôi: Tác nghiệp ở Hoàng Sa
Bước lên tàu đi Hoàng Sa, cứ nghĩ mình là dân rành công nghệ, đồ nghề tác nghiệp lại đầy đủ, bao nhiêu chuyến tác nghiệp rừng núi, hải đảo cho đến bão lũ kinh hoàng vẫn tác nghiệp và chuyển bài, ảnh về tòa soạn an toàn. Nhưng tôi không thể nghĩ rằng, chuyến tác nghiệp ở Hoàng Sa tôi lại mất liên lạc với tòa soạn, với đất liền đến 6 ngày. Bởi lẽ, đồ nghề của tôi mang theo lại trở nên “lạc hậu” và không tương thích với vùng biển Hoàng Sa.

Trên đất liền, để viết một bài và xử lý ảnh gửi về tòa soạn chỉ cần một thời gian ngắn là hoàn thành, ấy vậy nhưng ở Hoàng Sa, điều kiện tác nghiệp trên tàu biển, việc ngồi trước một chiếc máy tính trở thành một cực hình. Trên biển sóng lớn, con tàu lắc lư, chiếc máy tính đặt trên bàn cứ trượt qua trượt lại. Tìm cách cố định máy tính xong, một chân chống vào vách ngăn, một chân chống vào chiếc giường mới có thể trụ vững. Nhưng ngồi trước máy tính được vài phút thì mắt hoa lên, đầu óc chao đảo vì con tàu lắc lư liên hồi.
Gồng mình ngồi viết bài và xử lý ảnh, phải mất 4 giờ đồng hồ. Xong một bài tường thuật trận chạm trán đầu tiên với tàu Trung Quốc cực kỳ hấp dẫn, đưa cục phát sóng wifi 3G ra định chuyển bài, ảnh về tòa soạn thì mới hỡi ơi. Làm gì có sóng điện thoại mà kết nối. Chạy lên buồng lái, hỏi cán bộ thông tin của tàu có cách nào để truyền tin về đất liền thì người cán bộ này cho biết không có cách nào vì bộ thu - phát sóng vệ tinh trên tàu bị vòi rồng của tàu Trung Quốc phá hỏng trong cuộc chạm trán buổi sáng.
Lần thất bại đó của tôi đã để lại một bài học lớn đó là phải biết lường trước sự việc và lựa chọn thiết bị phù hợp với từng điều kiện khác nhau.
Nhà báo Tường Vy: Kỷ niệm ở Song Tử Tây
Với vai trò là những nhà báo, đặc biệt là Báo SGGP, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ và nhân dân TPHCM, hầu như mỗi đợt thành phố có đoàn ra Trường Sa đều có bóng dáng phóng viên Báo SGGP. Tôi cũng vinh dự được đến thăm Trường Sa trong một chuyến đi như vậy.

Chuyến đi Trường Sa của chúng tôi là một chuyến đi đặc biệt. Đây là chuyến đi thực hiện một cầu truyền hình công phu và đồ sộ nhất từ trước đến nay tại đảo Song Tử Tây (do HTV tổ chức) với hơn 200 nghệ sĩ, nhà báo, nhân viên kỹ thuật… cùng với hàng chục tấn trang thiết bị máy móc, dụng cụ biểu diễn. Đến bây giờ tôi vẫn không quên khuôn mặt kinh ngạc của các chiến sĩ khi thấy cả một cây đàn piano to lớn được chuyển lên đảo.
Song Tử Tây đón chúng tôi trong đêm đầu tiên bằng một cơn mưa lớn. Gió rít từng hồi, mưa như tạt vào mọi nơi bất kể cửa nẻo có đóng thế nào, lúc đó tôi mới hiểu vì sao khi thấy chúng tôi tò mò với việc mọi đồ dùng cá nhân luôn được cất trong các thùng chống nước, một chiến sĩ đã bảo “mùa biển động thì bất cứ chỗ nào cũng ướt, không làm thế thì chả còn gì”. Nửa đêm, đang thiu thiu ngủ trong chăn ấm thì tiếng lách cách của vũ khí đánh thức chúng tôi dậy. Trong ánh đèn pin mờ mờ, những người lính kiểm tra vũ khí, quân trang cho ca gác đêm.
Thấy khuôn mặt căng thẳng, tập trung của người chiến sĩ, chúng tôi lo lắng hỏi “có kẻ địch à?”. Người chiến sĩ trẻ lắc đầu “người lính thì bao giờ chẳng phải cảnh giác với kẻ thù, nhưng là lính đảo thì còn phải cảnh giác với cả tự nhiên nữa anh ạ”. Qua lời kể của người lính trẻ, chúng tôi mới biết chuyện sóng biển bất chợt dữ dội, thậm chí cuốn cả người là chuyện không mấy lạ. Mà Song Tử Tây là đảo lớn còn đỡ, những đảo chìm, nhà giàn… điều kiện còn gian khổ hơn rất nhiều. Nhìn người lính trẻ khoác súng lên vai bước vào màn mưa đen kịt đang rít gào, tất cả chúng tôi đều im lặng. Chuyện lính đảo gian khổ chúng tôi đã đọc nhiều, nghe nhiều nhưng khi tận mắt thấy, mới cảm nhận những gian nan của người lính đảo.
Cầu truyền hình là chương trình chính nhưng song song đó còn nhiều hoạt động khác mà nổi bật là một cuộc triển lãm sách nhỏ được tổ chức ngay sân chính của đảo. Những người lính rụt rè đến xem sách, họ càng rụt rè hơn khi hàng chục máy quay phim, chụp ảnh hướng về phía mình. Đang “diễn xuất” bất chợt anh lính trẻ ngạc nhiên gọi đồng đội: “Ơ, đảo mình này, chỗ này bên đội 1 nè”. Những người lính xung quanh vội xúm lại, té ra cuốn sách anh cầm là một cuốn sách ảnh, trong đó có một loạt các tấm ảnh cũ chụp Song Tử Tây từ ngày giải phóng. Không khí hội sách trở nên cực kỳ sôi nổi. Sau chương trình, anh em báo chí ai cũng cám ơn cuốn sách ảnh tình cờ đã giúp mọi người gần nhau hơn.
Ba ngày trên đảo giúp chúng tôi nghe nhiều, biết nhiều hơn về những chuyện của lính đảo. Đó có thể là việc cậu lính xuất thân dân đồng bằng, lần đầu đứng gác trên tháp canh, nhìn thấy tàu câu mực (tàu mẹ rất lớn với một dàn phơi mực che kín phía trên, trên tàu có nhiều tàu con để rải ra câu mực) thì tưởng là “hàng không mẫu hạm” báo động ầm cả lên. Hay việc cả tuần lễ cả đảo chỗ nào cũng mùi cá, quần áo cá, da thịt cá, ăn cái gì cũng mùi cá… do tàu ngư dân vào tránh bão tranh thủ phơi cá.
Làm nghề báo, đi nhiều nơi biết nhiều chuyện nhưng chuyến đi Song Tử Tây năm đó vẫn là một kỷ niệm khó quên.