Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Kịch Việt Nam - Sáp nhập là chưa đúng quy hoạch

Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Kịch Việt Nam - Sáp nhập là chưa đúng quy hoạch

NSND Lê Tiến Thọ

NSND Lê Tiến Thọ

Sau nhiều luồng dư luận khác nhau về việc sáp nhập rồi lại dừng của Nhà hát Tuổi trẻ và Nhà hát Kịch Việt Nam thành Nhà hát Kịch Quốc gia với lý do còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận. Ngày 9-5, PV Báo SGGP đã trao đổi với NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Ông Thọ cho rằng việc sáp nhập này là nằm ngoài Quy hoạch phát triển nghệ thuật biểu diễn đã được Chính phủ phê duyệt trước đó.

- Phóng viên: Việc sáp nhập Nhà hát Kịch Việt Nam và Nhà hát Tuổi trẻ thành Nhà hát Kịch Quốc gia đang tạo sự quan tâm của giới nghệ sĩ sân khấu. Là người đứng đầu Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

>> NSND LÊ TIẾN THỌ: Chúng ta nên thực hiện đúng theo Quy hoạch phát triển nghệ thuật biểu diễn đã được Chính phủ phê duyệt. Theo quy hoạch này thì đến năm 2010, tất cả có 2 nhà hát được xã hội hóa. Cụ thể, bên ca múa có Nhà hát Ca múa nhạc nhẹ Trung ương, bên sân khấu và nghệ thuật tổng hợp có Nhà hát tuổi trẻ.

- Vậy các nhà hát còn lại sẽ  không phải xã hội hóa?

Không đúng như vậy, các nhà hát khác sẽ từng bước triển khai xã hội hóa. Theo như quy hoạch đã được duyệt đến năm 2010, Bộ VH-TT-DL chủ trì cùng các bộ liên quan khác đánh giá lại quy hoạch mà Chính phủ đã phê duyệt rồi trình Chính phủ xem tiếp đến năm 2020.

- Có ý kiến cho rằng việc NSND Lê Hùng được bổ nhiệm làm Giám đốc của hai nhà hát là bước dạo đầu của việc sáp nhập?

Không phải như vậy. Bổ nhiệm Lê Hùng làm giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam thời điểm trước hoàn toàn mang tính chất tình thế. Lúc đó giám đốc cũ là Nguyễn Anh Dũng thuyên chuyển công tác, chưa tìm được ai để đảm nhiệm vị trí này.

- Vậy không phải việc sáp nhập hai nhà hát manh nha từ thời điểm đó?

Không hề, vì trong quy hoạch phát triển nghệ thuật biểu diễn không hề đề cập tới việc này. Nếu như bộ có muốn thay đổi gì trong đề án phải trình xin ý kiến đồng ý của Chính phủ thì mới được triển khai.

- Việc sáp nhập hai nhà hát được coi là có lộ trình khá vội vàng. Ở vị trí một nghệ sĩ có kinh nghiệm trong công tác quản lý ông có đánh giá gì về những tác động tới nghệ sĩ cũng như việc phát triển nghệ thuật từ việc sáp nhập gây ra?

Sau khi thu thập, lắng nghe nguyện vọng chính đáng của các nghệ sĩ, chúng tôi sẽ gửi ý kiến chính thức lên Bộ VH-TT-DL về vấn đề này. Trong đó có nhấn mạnh tới việc cần thực hiện đúng quy hoạch phát triển nghệ thuật mà chính phủ đã phê duyệt. Vì khi đó, các hội nghệ thuật, trong đó có hội nghệ sĩ sân khấu cũng đã tham gia soạn thảo tích cực và tâm huyết.

Thêm nữa, theo tôi khi một tổ chức mới ra đời hay sáp nhập, phân tách… cần phải có đề án khả thi.

- Theo ông việc sáp nhập hai nhà hát có phải để lách việc XHH của Nhà hát Tuổi trẻ?

Việc né hay không thì các nghệ sĩ cũng đã nói rồi. Tôi cũng không muốn nhắc lại vấn đề này.

- Vừa qua, lãnh đạo Bộ VH-TT-DL đã cho tạm dừng việc sáp nhập. Ông suy nghĩ gì về việc đấy.

Theo tôi việc dừng lại hay tiếp tục làm đều cần phải có lý do và giải thích rõ ràng, thuyết phục. Không nên để lửng lơ rằng “tạm dừng” công tác tổ chức sáp nhập vì có nhiều ý kiến chưa đồng thuận được. Vậy phải chăng là để lâu lâu sau, khi dư luận lắng xuống lại tiếp tục tiến hành.

  • GS-NSND Đình Quang: Bộ VH-TT-DL hơi vội vàng

Sáp nhập để trở thành Nhà hát Quốc gia tôi thấy là động tác không rõ ràng và lý do không thuyết phục vì từ lâu mọi người đã coi Nhà hát Kịch Việt Nam là cấp quốc gia rồi. Thêm nữa, người ta nói lượng đổi, chất đổi nhưng lượng vẫn như nguyên, chất cũng chưa thấy gì nên mục đích của việc sáp nhập là cái gì? Chưa kể việc ấy sẽ xóa mất hai bảng hiệu danh tiếng: Nhà hát Kịch Việt Nam (được coi là Nhà hát Quốc gia trước đây) và Nhà hát Tuổi trẻ.

Khi người ta thay đổi một hình thức tổ chức bao giờ cũng phải có nguyên nhân, mục đích. Nếu không rõ nguyên nhân và mục đích thì biện pháp đó là không khoa học. Sáp nhập lại bộ máy rất cồng kềnh. Mỗi một đơn vị lại phải có ban giám đốc nhỏ của nó, cộng lại lãnh đạo sẽ là bao nhiêu người. Cho nên, có điều chúng ta nói mãi mà chưa làm được là giảm biên chế nhưng đến bây giờ biên chế ngày càng phình ra. Việc sáp nhập này lực lượng quan chức sẽ lại “phình” ra chứ không có lợi gì cho đội ngũ nghệ sĩ diễn viên - những người đứng mũi chịu sào về nghệ thuật.

Vĩnh Xuân (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục