Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu chia sẻ về tác phẩm "Tiếng thét câm lặng"

Oe Kenzaburo (1935-2023) là một trong những tác gia lớn của văn học Nhật Bản. Ông vinh dự là người Nhật thứ hai đoạt giải Nobel Văn chương vào năm 1994, sau Kawabata Yasunari. Mới đây, Nhã Nam vừa ra mắt tác phẩm Tiếng thét câm lặng, được xem là 1 trong 5 tác phẩm góp phần giúp nhà văn Oe Kenzaburo nhận giải Nobel Văn chương vào năm 1994.

Ngày 6-4, tại TPHCM, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đã có buổi chia sẻ về tác phẩm Tiếng thét câm lặng của nhà văn Nhật Bản Oe Kenzaburo, do Nhã Nam liên kết với NXB Văn học ấn hành. Buổi trò chuyện thu hút hơn 30 bạn đọc, chủ yếu là các bạn trẻ, sinh viên đến từ các trường đại học, cao đẳng.

Tiếng thét câm lặng được xuất bản lần đầu vào năm 1967 và đặt trong bối cảnh Nhật Bản sau Thế chiến thứ hai. Oe Kenzaburo đã khéo léo thể hiện những thay đổi của xã hội Nhật Bản trong thời kỳ này thông qua câu chuyện về một ngôi làng xa xôi, nơi mà những mâu thuẫn, bí ẩn và sự bất công bắt nguồn từ sâu thẳm tâm hồn con người.

IMG_3285.jpg
"Tiếng thét câm lặng" là 1 trong 5 tác phẩm góp phần giúp nhà văn Oe Kenzaburo nhận giải Nobel Văn chương vào năm 1994

Tác phẩm kể về một nhóm những người trẻ trở về ngôi làng quê nhỏ bé của họ sau khi trải qua nhiều năm sống ở thành thị. Khi trở lại, họ phát hiện ra rằng ngôi làng đã thay đổi và phát triển một cách bất thường, và họ phải đối mặt với các vấn đề xã hội, văn hóa phức tạp.

Một trong những yếu tố quan trọng của cuốn sách là việc Oe Kenzaburo khám phá tâm trạng và ý niệm về bản thân của nhân vật chính thông qua việc sử dụng nghệ thuật tự sự. Oe Kenzaburo sử dụng ngôn từ sắc bén để tạo nên một tác phẩm đầy ấn tượng, gợi mở về sự cô đơn, mất mát và hy vọng.

IMG_3274.jpg
Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu chia sẻ tại chương trình

Theo nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, dù được giải Nobel văn chương, nhưng độ phủ sóng của Oe Kenzaburo không mạnh mẽ và rộng rãi như Yasunari Kawabata hay Haruki Murakami sau này. Trước Tiếng thét câm lặng, một số tác phẩm của nhà văn Oe Kenzaburo đã được dịch sang tiếng Việt như Nuôi thù, Một nỗi đau riêng, Quái vật trên không.

“Điều này hết sức bình thường. Bởi những tác giả lớn thường được nhắc đến trong giới hàn lâm, như Franz Kafka, Milan Kundra… Họ không phải là những tác giả best seller nên không được phổ biến”, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu chia sẻ.

Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu đánh giá Tiếng thét câm lặng là kiệt tác của thế giới, có thể sánh ngang với Trăm năm cô đơn của Gabriel García Márquez. Điều thú vị là cả hai tác phẩm này cùng được ra đời vào năm 1967.

“Nếu những ai đã đọc Trăm năm cô đơn, sẽ thấy tác phẩm Tiếng thét câm lặng của nhà văn Oe Kenzaburo cũng hấp dẫn, lôi cuốn không kém. Nó xứng đáng là tác phẩm gối đầu giường của chúng ta”, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục